1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

U19 Việt Nam: Mục tiêu mới trên cái nền cũ

(Dân trí) - Sau nhiều thử nghiệm, rốt cuộc HLV Graechen Guillaume vẫn phải trở lại với bộ khung của các cầu thủ đến từ học viện HAGL-Arsenal.JMG. Đấy có thể là bộ khung nhuần nhuyễn nhất của đội, cũng là bộ khung mà vị HLV người Pháp quen huấn luyện nhất…

Không có cách tân đáng kể?

Cho đến thời điểm này, khó có sự cách tân nơi đội U19 Việt Nam, nhất là nhìn vào những thử nghiệm của HLV Graechen Guillaume trong các trận đấu, ở chuyến tập huấn tại Nhật Bản vừa rồi.

Cái nền của đội U19 Việt Nam hiện nay vẫn dựa trên những gương mặt quen thuộc, những con người của học viện bóng đá HAGL-Arsenal.JMG. Đấy là Đông Triều ở hàng phòng ngự, là bộ đôi tiền vệ trung tâm Tuấn Anh - Xuân Trường, hay cặp tiền đạo Văn Toàn – Công Phượng.

Ở chuyến tập huấn trên đất Nhật, ông thầy người Pháp đã rất cố gắng lắp những mảnh ghép khác nhau vào đội tuyển. Nhưng với những ai quan sát đội trong thời gian vừa qua, người ta có nhận xét rằng các mảnh ghép khác khi được lắp vào thường tỏ ra lạc nhịp.

Khó có sự cách tân nơi đội U19 Việt Nam (ảnh: Vũ Dương)
Khó có sự cách tân nơi đội U19 Việt Nam (ảnh: Vũ Dương)


Người ta từng chờ đợi 1 tiền vệ trung tâm khác, có lối chơi mạnh mẽ hơn, giỏi va chạm hơn và thu hồi bóng tốt hơn, đứng bên cạnh Tuấn Anh, thay cho Xuân Trường. Nhưng vấn đề là nếu đứng cạnh tiền vệ trung tâm khác, dường như chính Tuấn Anh cũng cảm thấy gò bó, và khó phát huy sự sáng tạo của chình mình.

Người ta cũng chờ 1 trung phong khác, mạnh mẽ hơn, có thể hình tốt hơn, chơi không chiến giỏi hơn và chớp thời cơ tốt hơn Văn Toàn. Nhưng HLV Graechen Guillaume thử hoài vẫn không được. Người mới được đặt vào vị trí cao nhất trong đội hình U19 Việt Nam cũng trở nên lạc lỏng giữa lối chơi chung của đội.

Và, ở một chừng mực nào đó, có thể thấy điều ngược lại rằng ngay bản thân HLV Graechen Guillaume cũng không quen với những cách tân. Để thay đổi một triết lý huấn luyện nơi một HLV vốn quen thuộc với những bài tập cố định và những con người cố định trong suốt 7 năm trời vừa qua xem ra cũng là điều khó, rất khó!

Điểm mạnh nhất cũng là điểm yếu nhất

Giới chuyên môn cho rằng đội hình chính của U19 Việt Nam chơi rất tốt, rất nhuần nhuyễn, nhưng khi xáo trộn một vài vị trí trong đội hình ấy, đội lại tỏ ra chệch choạc.

Đúng là để ráp nối những con người mới với những con người cũ, từng chơi bóng với nhau, quen cách chơi của nhau suốt 7 năm trời cũng là điều quá khó!

Điểm mạnh của U19 Việt Nam nằm ở chỗ dàn cầu thủ nòng cốt rất hiểu nhau, hiểu từng bước di chuyển, cũng như từng động tác xử lý của nhau. Nhưng điểm yếu của đội bóng trong tay HLV Graechen Guillaume cũng nằm ngay ở điểm ấy: Chúng ta chơi như thế nào, thói quen di chuyển ra sao các đối thủ có nghề biết hết cả rồi!

Đấy có lẽ cũng là lý do mà U19 Việt Nam suốt thời gian dài vừa qua không giải quyết nổi những nhược điểm cố hữu, đã được bộc lộ cách nay hơn cả năm trời. Đấy là khả năng không chiến, là yếu tố thể lực và khả năng tranh chấp tay đôi. Bởi, những con người mới giỏi về khả năng ấy, khi được đặt vào đội tuyển U19 Việt Nam thường tỏ ra lạc lỏng với những gì quen thuộc với đội.

HLV Graechen Guillaume mới đây yêu cầu các học trò phải dứt điểm tốt hơn, phải hiệu quả hơn đối thủ trong khâu ghi bàn, bởi chính ông thầy Pháp bắt đầu thấy hàng phòng ngự của chúng ta thiếu an toàn vì những lỗi vừa nêu. Thế nên, không còn cách nào khác để vượt qua đối thủ là phải lấy công bù thủ.

Dĩ nhiên, với những đội không hiểu chúng ta, với những đội chưa biết dàn cầu thủ của học viện HAGL-Arsenal.JMG đá như thế nào, chúng ta vẫn hiệu quả trước họ. Nhưng về lâu về dài, vẫn cần một phương án, cần sự cân bằng hơn giữa chất kỹ thuật và yếu tố sức mạnh.

Mong rằng U19 Hàn Quốc hay U19 Trung Quốc tại VCK giải U19 châu Á vào tháng 10 tới đây (Việt Nam chung bảng với Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc) sẽ nằm trong số những đội chưa hiểu chúng ta, vì họ cũng chưa đá với ta bao giờ! Họ không hiểu lối chơi của ta thì cơ hội chiến thắng của U19 Việt Nam sẽ cao hơn.

Trọng Vũ