Tuyển Anh và World Cup: Vui ít, buồn quá nhiều
(Dân trí) - Dù khá chật vật song tuyển Anh vẫn kịp thời vượt khó để giành vé dự VCK World Cup 2014. Tuy nhiên, trên đất Brazil năm tới, liệu thầy trò Roy Hodgson có thể đem về niềm vui cho xứ sương mù, điều các CĐV “Tam Sư” chẳng mấy khi biết tới trong quá khứ?
World Cup 1950 tại Brazil là lần đầu tiên, nước Anh đến với một VCK World Cup. Thế nhưng, giải đấu này đã trở thành ác mộng với họ khi đội tuyển đến từ quê hương của bóng đá bất ngờ thúc thủ 0-1 dưới tay tuyển Mỹ để rồi bị loại ngay từ vòng bảng. Điều đáng nói là khi ấy, tuyển Mỹ chỉ là tập hợp của những cầu thủ nghiệp dư như người đưa thư, rửa bát và tài xế taxi.
4 năm sau tại Thụy Sĩ, tuyển Anh làm tốt hơn với việc vượt qua được vòng bảng. Dù vậy, ngay ở vòng knock-out kế tiếp, họ đã phải lầm lũi xách va li về nước sau thảm bại 2-4 dưới tay Uruguay. Như để xát thêm muối vào nỗi đau, thủ thành Gil Merrick đã trở thành mục tiêu công kích của báo giới xứ sương mù và và sau đó, “người gác đền” này vĩnh viễn không còn trở lại khoác áo ĐTQG.
Giấc mơ của người Anh ở World Cup 1958 đã tắt từ trước giải đấu khởi tranh khi mà thảm họa rơi máy bay tại Munich cướp đi của họ (và MU) những ngôi sao sáng giá như Duncan Edwards, Roger Byrne và Tommy Taylor. Bị loại sớm ngay từ vòng bảng mà không thắng được trận nào, thầy trò Walter Winterbottom đã có một giải đấu đáng quên trên đất Thụy Điển.
Chile 1962 là VCK World Cup thứ 4 trong lịch sử mà người Anh góp mặt nhưng sau chừng ấy lần thử sức, họ vẫn không thể lọt nổi tới bán kết chứ đừng nói chuyện vô địch. Hành trình của “Tam Sư” năm ấy bị Brazil làm đứt đoạn từ vòng tứ kết với tỉ số 3-1.
Phải đợi tới VCK World Cup 1966, giải đấu được tổ chức trên sân nhà, nước Anh mới lần đầu tiên bước lên bục vinh quang ở ngày hội bóng đá của hành tinh. Chiến thắng kịch tính 4-2 trước đại kình địch Đức tại Wembley ngày 30/7/1966 chính là cái ngày lịch sử của bóng đá xứ sương mù. Tiếc thay, đó là lần duy nhất họ được tận hưởng cảm giác lên ngôi tại các giải đấu quốc tế.
Với tư cách là các nhà ĐKVĐ, tuyển Anh tràn đầy tự tin lên đường tới Mexico 1970. Mọi chuyện vẫn khá ổn với họ cho tới khi HLV Alf Ramsey phạm phải sai lầm không thể tha thứ là rút chân sút huyền thoại Bobby Charlton khỏi sân khi đang dẫn trước Đức 2-0 ở tứ kết. Sau đó, người Đức ghi liền 3 bàn để hoàn tất cú lội ngược dòng ngoạn mục và biến tuyển Anh thành các nhà cựu vương.
Liên tiếp lỡ hẹn với 2 VCK World Cup 1974 và 1978, người Anh chỉ trở lại với giải đấu này vào năm 1982. Trên đất Tây Ban Nha, “Tam Sư” vượt qua được vòng đấu bảng đầu tiên nhưng tới vòng bảng thứ hai, họ đã bị tiễn về nước do xếp sau Tây Đức.
Kì World Cup 1986 trên đất Mexico là một nỗi đau thật sự với người Anh khi họ bị loại dưới tay Argentina của Diego Maradona. “Cậu bé vàng” thực hiện tuyệt phẩm được nhiều người xem là đẹp nhất lịch sử (sô lô từ giữa sân qua 5 người) cộng thêm 1 bàn thắng nổi tiếng khác (Bàn tay của Chúa) để khiến tuyển Anh phải dừng bước ở tứ kết.
Không kể tới VCK World Cup 1966 được tổ chức trên sân nhà thì Italia 1990 chính là năm mà người Anh tiến xa nhất ở ngày hội bóng đá hành tinh. Tuy nhiên, giấc mơ vàng của người Anh một lần nữa bị kết liễu dưới tay Đức trên chấm luân lưu định mệnh tại bán kết. Sau đó, ở trận tranh ba - tư, “Tam Sư” lại thua tiếp chủ nhà Italia cũng bởi một tình huống từ chấm 11 mét khác (bàn thắng ấn định tỉ số 2-1 của Schillaci ở phút 86 trên chấm penalty).
Chấm 11 mét tiếp tục trở thành ác mộng với tuyển Anh khi họ để thua Argentina ở vòng 1/8 World Cup 1998. Trước đó, tuyển Anh còn bị mất người khi David Beckham bị đuổi khỏi sân sau tình huống trả đũa “trẻ con” với Diego Simeone - HLV hiện tại của Atletico Madrid.
World Cup 2002 là một giải đấu khá ấn tượng của Beckham và các đồng đội bởi họ đã đánh bại kình địch Đức tới 5-1 ngay tại Munich ở vòng loại và thắng được Argentina trong trận đấu ở vòng bảng khi bước vào VCK. Chuyến phiêu lưu của “Tam Sư” trên đất Nhật Bản và Hàn Quốc năm đó chỉ khép lại khi đụng độ với một Brazil sở hữu tam tấu Ronaldo - Rivaldo - Ronaldinho quá lợi hại tại tứ kết.
Nước Anh đã chờ đợi nhiều hơn ở Wayne Rooney hơn là như cách “gã Shrek” phạm lỗi với Ricardo Carvalho và bị đuổi khỏi sân ở trận tứ kết với Bồ Đào Nha ở VCK World Cup 2006. Sau đó, thầy trò Sven Goran Erikson phải về nước theo kịch bản quen thuộc: thua trên chấm luân lưu.
Với World Cup, tuyển Anh có hai điều ám ảnh nhất: 1 - chấm luân lưu, 2 - tuyển Đức. Ở Nam Phi 3 năm trước, chính “những cỗ xe tăng” đã hủy diệt “Tam Sư” với tỉ số đậm đà 4-1 trong trận đấu mà Frank Lampard bị từ chối một bàn thắng hợp lệ do trọng tài không quan sát được bóng đã đi qua vạch vôi, mở đường cho việc FIFA quyết định ứng dụng công nghệ goal-line sau này.
Nguyễn Huy