Tượng đài Lý Tiểu Long và tư tưởng võ thuật vượt thời đại

H.Long

(Dân trí) - Hiện tại, võ tự do (MMA) được xem là môn võ thực chiến lợi hại và thông dụng nhất. Thế nhưng, người ta đã tìm thấy nhiều nét tương đồng trong tư tưởng của Lý Tiểu Long với MMA ngày nay.

Những đòn trong Triệt Quyền đạo của Lý Tiểu Long

Lý Tiểu Long (Bruce Lee) được xem là tượng đài của làng võ thuật thế giới. Mặc dù không thượng đài nhiều nhưng ông vẫn được ngợi ca như là một trong những ngọn cờ tiên phong của làng võ thuật hiện đại.

Tượng đài Lý Tiểu Long và tư tưởng võ thuật vượt thời đại - 1

Lý Tiểu Long đã muốn phá vỡ những quy tắc về chiêu thức, để tìm ra môn võ của riêng mình, không phải chịu bó buộc.

Một phần bởi lẽ, tư tưởng về võ thuật của Lý Tiểu Long đã vượt xa thời đại lúc bấy giờ. Vì sao lại nói như vậy?

Như đã biết, Lý Tiểu Long là người chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi võ thuật Trung Quốc từ khi còn trẻ. Trong đó có 5 người thầy ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp của ông là Diệp Vấn, Hoàng Thuần Lương, Lý Hải Tuyền, Lương Tử Bằng và Thiệu Hán Sinh.

Thế nhưng, sau khi sang Mỹ và được tiếp xúc nhiều hơn với tư tưởng hiện đại. Ông đã có tư duy mới về võ thuật. Trong đó, ông đã nhận ra nhiều điểm hạn chế của võ thuật truyền thống Trung Quốc nói riêng và võ thuật ở thời điểm bấy giờ nói chung.

Trong đó, một trong những điều mà Lý Tiểu Long đã tạo nên đột phá, đó chính là muốn phá vỡ quy tắc cứng nhắc. Như đã biết, võ thuật truyền thống Trung Quốc chịu ảnh hưởng khá nhiều của các triết lý (đặc biệt là Nho Giáo). Bởi lẽ đó, Lý Tiểu Long muốn phá vỡ sự ràng buộc ấy, để đặt con người vào trung tâm.

Tượng đài Lý Tiểu Long và tư tưởng võ thuật vượt thời đại - 2

Lý Tiểu Long đã kết hợp võ thuật Trung Quốc với hiện đại để tạo ra môn võ Triệt Quyền đạo. Đây là môn võ có tính thực chiến rất cao và là tiền đề của MMA hiện đại.

Triết lý "dùng vô chiêu thắng hữu chiêu" cũng đã được nhà văn Kim Dung nói tới khá nhiều trong triết lý võ học của "Độc cô cửu kiếm" ở tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ. Tức là võ thuật đạt tới cảnh giới không cần bị bó buộc vào bất kỳ chiêu thức nào, thay vào đó chỉ tận dụng sơ hở của đối thủ để đưa ra đòn kết liễu nhanh nhất.

Môn Triệt Quyền đạo (Jeet Kune Do) mà Lý Tiểu Long sáng tạo ra cũng tuân theo quy tắc này. Trong cuốn sách về Triệt Quyền đạo, tượng đài võ thuật từng viết: "Triệt quyền đạo hướng tới sự phi hình thức để phá vỡ hình thức. Nó không áp dụng chiêu thức của bất kỳ môn phái nào. Mọi kỹ thuật sử dụng chỉ để phục vụ cho nó".

Trong bức thư gửi người bạn có tên William, Lý Tiểu Long từng viết: "William à, mặc dù tôi vẫn đang sử dụng võ thuật truyền thống Trung Quốc nhưng tôi đã mất niềm tin vào nó. Bởi lẽ, hầu hết các môn võ ấy như bơi trên cạn vậy. Kể cả Vịnh Xuân Quyền cũng thế".

Tượng đài Lý Tiểu Long và tư tưởng võ thuật vượt thời đại - 3
Tượng đài Lý Tiểu Long và tư tưởng võ thuật vượt thời đại - 4
Tượng đài Lý Tiểu Long và tư tưởng võ thuật vượt thời đại - 5

Phương pháp khóa siết và địa chiến thực địa mà Lý Tiểu Long nghiên cứu được viết ra trong cuốn sách của mình.

Thực tế, Lý Tiểu Long không hề phủ nhận võ thuật Trung Quốc. Cá nhân ông thừa nhận vẫn chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Thái Cực Quyền hay Vịnh Xuân Quyền. Tuy nhiên, điều đáng nói là Lý Tiểu Long biết cách tổng hòa nhiều môn võ khác như quyền anh, kickboxing... Do đó, môn võ Triệt Quyền Đạo của Lý Tiểu Long hội tụ nhiều yếu tố, là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Đó là lý do nó được xem là môn võ toàn cầu.

Thay vì phủ nhận từng môn phái, Lý Tiểu Long đã thấy từng điểm hay, để kết hợp thành sự tổng hòa và không bó buộc. Trong cuốn sách về Triệt Quyền Đạo, Lý Tiểu Long đã nhận xét về môn Muay Thái: "Điểm mạnh của môn võ này là sử dụng đòi chỏ, gối và có tính thực chiến cao.

Tuy nhiên, Muay Thái cũng có vài điểm yếu như bộ kỹ năng đấm quá yếu. Jab (đấm thắng) không có kỹ thuật, hook (móc ngang) không có tác dụng, uppercut (móc lên) không được sử dụng. Kỹ thuật đá chân không đa dạng. Không có chiến thuật khóa siết. Không có chiến thuật "bẩn"...".

Có thể thấy, những tư tưởng của Lý Tiểu Long khá giống với môn võ tự do (MMA) ngày nay. Nó là tổng hòa điểm mạnh của nhiều môn võ với nhau (kể cả võ Trung Quốc). MMA không có chiêu thức rõ ràng nào. Thay vào đó, mục tiêu chính của nó là hạ gục đối thủ.

Không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch UFC, Dana White cho rằng Lý Tiểu Long chính là "cha đẻ của MMA".

Tượng đài Lý Tiểu Long và tư tưởng võ thuật vượt thời đại - 6

Lý Tiểu Long được ví như cha đẻ của MMA.

Bản thân Lý Tiểu Long chính là người đã tổng hợp về những đòn khóa, siết và đại chiến thực địa (grappling). Trong cuốn sách "Con đường Triệt Quyền Đạo" được xuất bản vào năm 1975, huyền thoại võ thuật đã nhắc tới khá nhiều, thậm chí có cả hình vẽ minh họa và chiến thuật khóa, siết.

Lý Tiểu Long thừa nhận ông đã chịu ảnh hưởng của phương pháp địa chiến thực địa từ Judo và Jiu-jitsu. Bên cạnh đó, ông cũng xuất bản một cuốn sách khác có tên "Phương Pháp Cận Chiến của Lý Tiểu Long".

Tuy nhiên, đáng tiếc là Lý Tiểu Long qua đời khi còn quá trẻ (32 tuổi). Do đó, rất nhiều ý tưởng võ thuật của ông vẫn chưa được áp dụng một cách triệt để. Tuy nhiên, giá trị của nó vẫn còn tới tận sau này. Sự nổi lên của MMA cho thấy tư tưởng của Lý Tiểu Long đã vượt xa thời đại bấy giờ về "võ thực chiến".

Những kỷ lục Guinness mà Lý Tiểu Long nắm giữ:

1. Làm vỡ bao cát 45 kg bằng một cú đá nghiêng.

2. Tạo ra một lực đánh tương đương 725 kg bằng côn nhị khúc.

3. Lý Tiểu Long có thể đấm 9 lần trong một giây. Cú đấm cự ly 1 inch của ông sẽ khiến đối thủ 75 kg bay xa 5-6 m.

4. Lý Tiểu Long có thể đá túi cát nặng 135 kg chạm trần nhà cao 5m.

5. Lý Tiểu Long là người nhẹ cân nhất sở hữu cú đấm tương đương 159 kg. Ông chỉ nặng 59kg. Trong khi huyền thoại quyền anh Muhammad Ali nặng tới 120kg mới sở hữu lực đấm tương tự.

6. Lý Tiểu Long có thể đá 6 lần trong một giây. Ông có thể đá bay một người nặng 90 kg đi xa 20 m.

7. Lý Tiểu Long thực hiện tối đa khoảng 1500 lần chống đẩy bằng hai tay và 400 lần bằng một tay. Ông còn có thể chống đẩy 200 lần bằng hai ngón tay và 100 lần bằng một ngón tay cái.