1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Từ vụ Real mua Bale: Không có thứ “hạnh phúc” gọi là công bằng

(Dân trí) - 120 triệu euro vì Gareth Bale, CLB đầu tiên có doanh thu trên 500 triệu euro/năm, Real Madrid vẫn đang chứng tỏ sự hào nhoáng của mình. Tuy nhiên, tại sao một đội bóng nợ tới 590 triệu euro lại có thể chi tiêu như thể Luật Công bằng tài chính không hề tồn tại?

“Trò đùa” của những kẻ lắm tiền

Cách đây ít ngày, Arsene Wenger đã bực tức đăng đàn về nêu quan điểm của ông về thương vụ chuyển nhượng thế kỉ mà Real Madrid sắp thực hiện với Gareth Bale. Theo “giáo sư”, 120 triệu euro cho Bale đúng là một trò đùa không hơn không kém.

Từ vụ Real mua Bale: Không có thứ “hạnh phúc” gọi là công bằng
Nợ 590 triệu euro, Real Madrid vẫn có thể chiêu mộ Bale với giá kỉ lục dẫu cho luật công bằng tài chính đã có hiệu lực

Ấy thế mà cái “trò đùa” đó lại sắp trở thành sự thật! Với một HLV quen thắt lưng buộc bụng như Wenger, cái cảnh ông bỏ ra 20 triệu euro cho một cầu thủ còn khó, nói gì đến chừng ấy cộng thêm cả 100 triệu euro nữa.

Ngoài thói quen chi tiêu tiết kiệm quá mức, có một lí do quan trọng khác khiến ông thầy người Pháp sửng sốt trước vụ bạo chi của Real Madrid, đó là luật công bằng tài chính (Finacial Fair Play - FFP). Thực ra, cái giá 120 triệu euro không chỉ khiến mỗi Wenger giật mình mà rất nhiều người cũng phải tự đặt câu hỏi: UEFA và cái luật của họ ở đâu khi Los Blancos cùng những “gã nhà giàu” cỡ AS Monaco, PSG, Man City, Chelsea, Zenit, Anzhi…lộng hành trên thị trường chuyển nhượng?

Với Real Madrid, hình ảnh của một CLB hào nhoáng với doanh thu vượt trên mức 500 triệu euro/năm (lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá) và nhận phần lớn trong miếng bánh từ tiền bản quyền truyền hình ở La Liga (24%) không thể che phủ một thực tế rằng số nợ của họ đã lên tới 590 triệu euro.

“Kền kền trắng” ăn nên làm ra đến mức đó còn nợ đầm nợ đìa thì thử hỏi, các đội bóng sống nhờ bàn tay bảo bọc của dàn ông chủ lắm tiền sẽ thảm tới mức nào? Tuy nhiên, thực tế thì những AS Monaco, PSG, Man City đã, đang và sẽ mua sắm ngôi sao như thể túi tiền của họ là không đáy.

Công bằng là công bằng gì?

Để xóa nhòa đi khoảng cách giàu nghèo chi phối đời sống bóng đá châu Âu, chủ tịch Michel Platini đã đưa ra luật công bằng tài chính. Sau bao năm “thai nghén”, cuối cùng thì thời điểm luật này chính thức được áp dụng đã đến.

Các “trọc phú” kiểu Man City mua sắm thoải mái dẫu liên tục thua lỗ những năm qua
Các “trọc phú” kiểu Man City mua sắm thoải mái dẫu liên tục thua lỗ những năm qua

Theo đó, UEFA yêu cầu các CLB phải chi tiêu dựa trên số tiền kiếm được và giới hạn khoản thua lỗ qua 3 mùa giải liền kề. Nghe qua thì có vẻ khá kín kẽ song trái lại, luật của cơ quan bóng đá quyền lực nhất lục địa già tồn tại rất nhiều lỗ hổng.

Thiếu sót nguy hiểm nhất của FFP chính là chấp nhận mọi khoản thu nhập mà CLB kiếm được vào phần có thể chi tiêu. Từ đó, Man City hay PSG đã không mấy khó khăn để tìm ra cách lách luật hoàn hảo.

2 năm trước, Man “Xanh” kí một hợp đồng bán tên sân cho hãng hàng không Etihad Airways với cái giá 440 triệu euro. Sẽ chẳng có bên đầu tư nào chịu bỏ ra cái giá cực kì vô lí đó, trừ phi họ cũng giống như hãng Etihad Airways: thuộc sở hữu của tập đoàn ADUG - ông chủ thực sự tại Man City.

PSG cũng “khôn” không kém với bản hợp đồng tài trợ áo đấu với một tổ chức tài chính đến từ Qatar, vốn thuộc sở hữu của tập đoàn QSI chống lưng cho đội chủ sân Parc des Princes. Xa hơn, những ông chủ của PSG còn vẽ nên một kế hoạch để biến CLB nước Pháp thành thế lực đích thực ở trời Âu trong vòng 5 năm, nghĩa là họ chẳng ngán ngại gì tới FFP cả.

Sẽ không có “hạnh phúc” đến từ luật FFP với những người như Arsene Wenger
Sẽ không có “hạnh phúc” đến từ luật FFP với những người như Arsene Wenger

Cũng đã có lần, chủ tịch Liverpool John W Henry nói thẳng trên mặt báo là với các đội bóng lớn, chẳng ai sợ gì luật công bằng tài chính của UEFA. Không thiếu cách để lách luật như những chuyện Man City hay PSG đã làm trong quá khứ.

Hoặc “nhẹ nhàng” hơn, chính Real Madrid cũng có thể thoát được nỗi ám ảnh từ FFP bằng cách chia nhỏ số tiền chuyển nhượng phải trả qua nhiều năm. Ở thương vụ thế kỉ với Gareth Bale (hay trước đó là bản hợp đồng mua Luka Modric), chủ tịch Florentino Perez đều khéo léo đàm phán để trả tiền qua 3 đến 5 kì thanh toán. Như vậy, mức chi phí ở mỗi mùa giải sẽ giảm đi đáng kể.

Vậy là cuối cùng, luật công bằng tài chính của UEFA nếu có phát huy tác dụng thì chỉ “làm khổ” các CLB cỡ Malaga - một “đại gia nửa mùa” (sau khi bị giới chủ giàu có rút đầu tư) hoặc những đội bóng từ trung bình đến nhỏ bé ở châu Âu như Fenerbahce, Partizan Belgrade, Sarajevo…

Hóa ra, FFP có ra đời hay không thì những “đại gia” vẫn cứ chi tiêu bạt mạng trên thị trường chuyển nhượng, bất chấp cảnh thua lỗ và phá giá đến mức phi lí. Có lẽ, cũng giống như một lời khuyên nổi tiếng của siêu tỷ phú Bill Gates: “Cuộc sống vốn không công bằng, hãy tập quen dần với điều đó”, Arsene Wenger hay những ai chờ mong vào “hạnh phúc” từ sự công bằng của FFP sẽ phải chấp nhận thực tế phũ phàng trên.

Nguyễn Huy