1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Từ lứa Công Phượng đến U19 Việt Nam hiện tại: Những thế hệ đầy triển vọng

(Dân trí) - Hai giải liên tiếp, những thế hệ khác nhau giành quyền dự VCK U19 châu Á. Đấy là tín hiệu đáng mừng đối với tuyến kế cận của làng cầu Việt Nam. Điều quan trọng hơn nữa là làm sao hòa trộn được các thế hệ ấy, tạo nên một tương lai tốt nhất.

Thành công của lứa Công Phượng và các đồng đội những năm 2013 và 2014, hay thành tích vào VCK U19 châu Á (trước nữa là hạng nhì Đông Nam Á) của đoàn quân trong tay HLV Hoàng Anh Tuấn ở năm 2015 nói chung cùng cũng là đều đóng góp cho bóng đá Việt Nam.

Thành ra, sẽ là thừa nếu cứ tiếp tục so sánh sự hơn kém giữa 2 lứa cầu thủ ấy, bởi một lứa cầu thủ đều có cái hay riêng, có những điểm mạnh và điểm yếu riêng.

Lứa Công Phượng và các đồng đội có kỹ thuật, kỹ năng chơi bóng tốt, nhờ được đào tạo trong môi trường thiên về kỹ năng. Nhưng Công Phượng và các đồng đội lại yếu ở sức bền, khả năng va chạm, cũng như yếu tố thể hình.

 


U19 Việt Nam xuất sắc giành vé dự giải châu Á năm 2016

U19 Việt Nam xuất sắc giành vé dự giải châu Á năm 2016

 

Lứa cầu thủ được dẫn dắt bởi HLV Hoàng Anh Tuấn mới đây không mạnh về kỹ thuật cá nhân như các cầu thủ xuất thân từ học viện của bầu Đức, nhưng bù lại họ có khi lại hơn về kỷ luật chiến thuật, hơn ở sức mạnh, sức bền và thể hình – những yếu tố không thể nói là không quan trọng trong bóng đá hiện đại.

Đội tuyển U19 Việt Nam vừa giành quyền tham dự VCK U19 châu Á 2016 có thể không có dạng cầu thủ tấn công giàu kỹ thuật như Công Phượng, Tuấn Anh, nhưng bù lại họ lại có những cầu thủ phòng ngự giỏi hơn, những trung vệ đọc tình huống và đấu tay đôi tốt hơn.

Và đích đến cuối cùng của mọi đội bóng, mọi lò đào tạo và mọi nền bóng đá không phải là sự hơn kém nhau ở các giải đấu trẻ, mà là tạo ra một bước tiến vững chắc ở sân chơi đỉnh cao. Không có nền bóng đá nào chỉ mạnh bằng một lứa cầu thủ duy nhất, xuất thân từ một lò đào tạo hoặc một học viện duy nhất.

Các nền bóng đá mạnh trên thế giới đều tạo ra những đội tuyển mạnh bằng cách hòa trộn nhiều lứa cầu thủ khác nhau, thuộc nhiều lò đào tạo khác nhau, để tạo nên sự cân bằng, tạo nên sự bổ khuyết cho nhau của nhiều thế hệ cầu thủ và nhiều học viện có phong cách chơi bóng khác nhau.

Tuyến kế cận của bóng đá Việt Nam đang may mắn có được những hạt nhân như thế. Từ lứa U19 của các năm 2013, 2014, cho đến lứa U19 của năm 2015, chúng ta thấy được họ có khả nẳng bổ khuyết cho nhau, nếu có dịp đứng chung trong một đội hình của đội tuyển lớn (ít nhất là về lý thuyết) .

Chính vì thế, khi vun đắp cho các cầu thủ trẻ, cần có sự vun đắp đồng đều, để mỗi lứa cầu thủ đều có điều kiện vươn đến sự phát triển tốt nhất mà họ có thể có. Rồi rộng ra nữa là những thế hệ tiếp sau các cầu thủ này cũng vậy, vì nói cho cùng đấy cũng là làm lợi chung cho bóng đá Việt Nam, cho đội tuyển Việt Nam về sau này.

Sẽ là lệch lạc hay thậm chí có thể khiến cả nền bóng đá phát triển mất cân đối nếu chỉ chăm chăm vào một lứa cầu thủ duy nhất, xuất thân từ một lò đào tạo duy nhất, bởi đơn giản một lò đạo thì không bao giờ có thể làm thay công việc của cả một nền bóng đá.

Kim Điền