Từ cầu thủ nhí ở Grand Sports đến học trò thầy Tam Lang
Một buổi mục kích buổi tập của U13 Thái Lan cho mọi người suy nghĩ về đào tạo lớp trẻ tại Việt Nam. Tác phong, cách sinh hoạt của các cầu thủ nhí nơi đây tại một nước không cách xa chúng ta về khoảng cách nhưng lại hơn nhiều về mức độ chuyên nghiệp...
Trong một dịp dự vòng chung kết giải bóng đá U20 ĐNA, người viết có dịp sang theo đội U20 Việt Nam luyện tập trên sân của hãng dụng cụ thể thao Grand Sports, nằm ở ngoại ô Bangkok (giống như vùng Thủ Đức của ta).
Vì không biết đường đi, nên tôi nhờ người bạn thân Juti Kreiler của nhật báo thể thao Siam Sports lái xe đưa đến sân khá sớm. Và nhờ vậy, tôi lại được mục kích một buổi tập của đội U13 Thái Lan.
Tôi không đề cập đến chuyện chuyên môn, vì ở độ tuổi 12-13 thì chuyện ấy không có gì phải đề cập. Vấn đề đáng nói hơn cả là tác phong sinh hoạt và tập luyện của các cầu thủ nhí Thái Lan.
Đúng 14 giờ, không nghe kẻng, mà cũng chẳng có còi hiệu, mấy chục cầu thủ U13 Thái Lan trong trang phục chỉnh tề rời khỏi phòng nghỉ ra sân tập. Các cháu răm rắp xếp hàng thẳng tắp, sau khi đã cất các vật dụng cá nhân vào từng hộc tủ riêng. Quan sát thấy, dép của chúng được xếp ngay ngắn bên dưới các hộc tủ, tuyệt nhiên không chiếc nào bị xô lệch hay không thẳng hàng.
Khi đi ngang qua chỗ chúng tôi ngồi, các cháu khoanh tay chào HLV, nhưng cũng không quên chào chúng tôi, những người khách đang trò chuyện cùng thầy của chúng. Đứa nào cũng đen nhẻm, rắn rỏi vì tập luyện, nhưng cũng có một điểm chung là đầu tóc đều húi cua, rất gọn.
Anh bạn Juti tâm sự: “Ngay từ nhỏ, cầu thủ Thái được rèn bằng tác phong quân đội, mà kỷ luật là hàng đầu. Anh thấy tóc của chúng cắt ngắn, vừa để cho mọi người biết những đứa trẻ này đang sống trong môi trường tập thể, có giáo dục, vừa gọn gàng, sạch sẽ, tránh bệnh tật, dưới tiết trời luôn oi bức”.
Cuối buổi tập, dù rất mệt nhưng chúng vẫn xếp hàng trong tư thế nghiêm, nghe HLV nhận xét và căn dặn cho buổi tập sau, rồi giải tán sau khi dọn vệ sinh sân tập sạch sẽ. Tác phong này theo chân các cầu thủ Thái Lan cho đến khi họ treo giày.
Trở về Việt Nam, chúng ta không thiếu những môi trường đào tạo cầu thủ chuẩn mực, mà đứng đầu là Trung tâm Thể thao Thành Long. Thu nhận học trò từ nhiều nơi, nhiều nguồn, nhưng khi về đến Trung tâm, chúng được rèn trong một môi trường kỷ luật, một bản nội qui duy nhất.
Hình ảnh các cầu thủ Thành Long nghiêm túc trong sinh hoạt, tuyệt đối không hút thuốc hay văng tục chửi thề đã được báo chí nhắc đến rất nhiều. Họ kính trọng thật sự những người thầy của mình, trong đó có HLV Tam Lang, một con người có phong cách sống chuẩn mực.
Vì sao học trò tại Trung tâm Thể thao Thành Long lại tốt thế? Thật đơn giản, đó là vì người chủ của cơ ngơi trị giá hàng trăm tỉ đồng này, ông Quách Thành Lai, tức bầu Hưng cho rằng: “Tốn hàng tỉ đồng không ngại, nhưng tuyệt đối không được mất hình ảnh đẹp trong lòng người hâm mộ”. Đó là triết lý bóng đá của bầu Hưng, là bản sắc của Trung tâm Thể thao Thành Long.
Vậy thì bóng đá Việt Nam cần gì học đâu xa tận trời Âu, mà chỉ cần đến Thành Long hay nhích một chút sang Grand Sports là đủ.
Theo Minh Hùng
Sài Gòn giải phóng