Trước khi thành công tại Nhật, HLV Troussier từng thất bại và bị chỉ trích

Trọng Vũ

(Dân trí) - Giai đoạn thành công nhất của HLV Philippe Troussier là khi ông làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, trước khi có thành công lớn, vị HLV người Pháp cũng từng thất bại cay đắng và bị chỉ trích.

Ở Nhật Bản, HLV Troussier cùng đội bóng xứ sở mặt trời mọc vô địch châu Á năm 2000, vào vòng 1/8 World Cup 2002 (lần đầu tiên Nhật Bản làm được điều này tính tới thời điểm nói trên), vào tứ kết Olympic Sydney 2000, Á quân U20 thế giới năm 1999.

Ngoài ra, ông Troussier còn được lưu danh trong "Ngôi đền danh vọng" của bóng đá Nhật Bản, sự tưởng thưởng cho những công trạng mà ông giành được cùng bóng đá Nhật Bản, cũng như thể hiện người dân xứ sở mặt trời mọc rất tôn trọng chiến lược gia này.

Trước khi thành công tại Nhật, HLV Troussier từng thất bại và bị chỉ trích - 1

Trước khi lên đến tột đỉnh vinh quang, HLV Troussier cũng từng nhận thất bại và nhận nhiều chỉ trích (Ảnh: VFF).

Tuy nhiên, trước khi đi đến tột đỉnh thành công, HLV Troussier cũng trải qua giai đoạn ra mắt thất bại, nhận nhiều chỉ trích ở chính Nhật Bản.

Ông Troussier đến Nhật năm 1998, thay HLV Takeshi Okada, với kỳ vọng sẽ giúp đội tuyển Nhật Bản lột xác. Dù vậy, ở giải đấu ra mắt Copa America năm 1999, vị HLV người Pháp để lại sự thất vọng não nề.

Đây là giải đấu mà Nhật Bản tham dự với tư cách khách mời, bên cạnh một khách mời khác là Mexico và 10 đội bóng Nam Mỹ.

Dù nằm trong bảng đấu dễ thở, cùng với chủ nhà Paraguay, Peru và Bolivia, nhưng Nhật Bản của HLV Philippe Troussier lại thi đấu rất tệ, họ thua Peru 2-3, thua Paraguay đến 0-4, chỉ hòa Bolivia 1-1 trong thế phải rượt đuổi tỷ số. Chỉ với một điểm sau 3 trận, đoàn quân của HLV Philippe Troussier đứng chót bảng và bị loại.

Sau giải, vị HLV người Pháp bị truyền thông Nhật Bản chỉ trích nặng nề, họ còn nghi ngờ rằng việc chọn ông Troussier cho ghế HLV đội tuyển Nhật Bản khi đó có chính xác hay không?

Trước khi thành công tại Nhật, HLV Troussier từng thất bại và bị chỉ trích - 2

HLV Troussier khi còn nắm đội tuyển Nhật Bản, giai đoạn thành công nhất trong sự nghiệp của ông (Ảnh: AFC).

Nhưng có một điểm, dù hoài nghi, người Nhật vẫn cho ông Troussier thêm cơ hội. Ông Troussier dẫn dắt đội tuyển U20 Nhật Bản đến với World Cup U20 năm 1999 tại Nigeria, thi đấu tưng bừng, đứng đầu bảng E, với sự hiện diện của Anh, Mỹ và Cameroon, sau đó tiến thẳng vào trận chung kết, chỉ chịu thua Tây Ban Nha của những Xavi, Iniesta, Puyol vang danh thiên hạ sau này.

Phần tiếp theo sau đó là lịch sử, HLV Philippe Troussier cùng đội tuyển Nhật Bản vô địch châu Á năm 2000, gây tiếng vang tại World Cup 2002 trên sân nhà như đã nêu ở trên.

Nếu người Nhật mất kiên nhẫn, nếu họ quá xem trọng một giải đấu khởi động (Copa America 1999), nơi họ chỉ tham dự với tư cách khách mời, sớm sa thải HLV Philippe Troussier chỉ sau khoảng thời gian ngắn khởi đầu không như ý, họ đã vĩnh viễn đánh mất một trong những HLV thành công nhất trong lịch sử bóng đá Nhật Bản.

Ở chiều ngược lại, cũng có thể thấy HLV Troussier vốn không quá đặt nặng chuyện thành tích ở các giải đấu khởi động. Điều quan trọng đối với vị HLV người Pháp ở chỗ thông qua những giải đấu khởi động đấy, ông nhìn ra vấn đề gì cho đội bóng của chính ông, xem đấy chỉ là bước chạy đà cho các giải đấu chính thức quan trọng hơn.

Những gì vừa diễn ra tại Doha Cup có lẽ cũng vậy, điểm rơi phong độ, điểm rơi thể lực của U22 Việt Nam không nằm ở giải đấu trên đất Qatar. Doha Cup cũng không phải là mục tiêu chính của đội bóng trong tay HLV Troussier ở giai đoạn này, nên chỉ nhìn vào Doha Cup mà đánh giá vị HLV người Pháp, e rằng hơi sớm!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm