1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Trước cuộc chiến Pháp - Tây Ban Nha: “Áo lam” cần lắm một Zidane

(Dân trí) - Người Tây Ban Nha có thể quên ai chứ không thể quên Zidane, người đã đổ cái bóng vĩ đại cũng như làm mê đắm biết bao nhiêu Madridista nhưng cũng là người hai lần kết liễu giấc mơ của La Furia Roja tại Euro 2000 và World Cup 2006…

…Hơn bao giờ hết, trước thềm đại chiến với các nhà ĐKVĐ thế giới và châu Âu Tây Ban Nha, đội tuyển Pháp đang cần một Zidane để lại có thể kết liễu đối thủ đầy duyên nợ.

Đôi chân ma thuật của Zidane từng là nỗi ám ảnh đối với người Tây Ban Nha
Đôi chân ma thuật của Zidane từng là nỗi ám ảnh đối với người Tây Ban Nha

Trong lịch sử bóng đá Pháp thì giai đoạn thành công nhất của “đội bóng áo lam” chính là quãng thời gian huyền thoại Zinedine Zidane cùng các đồng đội tung hoành trên sân cỏ. Chu kỳ rực rỡ của bóng đá “xứ sở hình lục lăng” bắt đầu bằng chức vô địch thế giới năm 1998 ngay trên quê nhà mà Zizou chính là ngôi sao sáng nhất, đặc biệt là cú đúp nhấn chìm gã khổng lồ Brazil trong trận chung kết.

Hai năm sau khi trở thành nhà vô địch thế giới, Zidane cùng những người đồng đội được xem là thế hệ vàng của bóng đá Pháp như Didier Deschamp, Marcel Desailly, Laurent Blanc, Fabien Barthez hay Youri Djorkaeff chinh phục chức vô địch châu Âu tại Bỉ và Hà Lan bằng một sức mạnh khủng khiếp. Sau hai lần bước lên đỉnh vinh quang này, bóng đá Pháp bắt đầu đi xuống nhưng vẫn là một thế lực lớn của bóng đá thế giới và vẫn nhận được sự kiêng nể từ mọi đối thủ.

Sự kiêng nể ấy bắt nguồn từ việc trong đội hình của “những chú gà trống Gaulois” luôn có sự hiện diện của Zinedine Zidane, một trong những tài năng kiệt xuất nhất mà bóng đá thế giới từng chứng kiến. Đôi chân như dính keo, kỹ năng xử lý bóng đạt đến trình độ thượng thừa, nhãn quan chiến thuật nhạy bén khiến Zidane trở thành một cơn ác mộng đối với hàng thủ đối phương, chỗ dựa vững chắc cho các đồng đội khi gặp khó khăn và là một nhà ảo thuật gia đại tài trong mắt người hâm mộ.

Trong những trận đấu mà tương quan lực lượng hai đội ngang bằng, thế trận giằng co thì sự hiện diện của Zidane là lợi thế rất lớn cho đội tuyển Pháp. Những pha xử lý như làm xiếc của anh luôn có sự đột biến và hiệu quả rất cao hoặc tạo nên sức ép khủng khiếp lên đối thủ. Vòng chung kết World Cup 2006 chứng kiến Zidane tỏa sáng rực rỡ lần cuối cùng trước khi vụt tắt, một cuộc chia ly đầy cảm xúc chan hòa giữa niềm hạnh phúc, vui sướng và sự hụt hẫng, nuối tiếc khôn nguôi.

Ribery cũng như nhiều ngôi sao khác không thể khỏa lấp được khoảng trống Zidane để lại
Ribery cũng như nhiều ngôi sao khác không thể khỏa lấp được khoảng trống Zidane để lại

Đối với người Pháp thì sự ra đi của Zidane còn đánh dấu cho một sự đi xuống, hay đúng hơn là mở đầu cho một kỷ nguyên “lụn bại” khủng khiếp. Từ Euro 2008 đến World Cup 2010 (đều xếp cuối bảng) rồi Euro 2012 (bị loại ở tứ kết bởi chính Tây Ban Nha), ba giải đấu lớn liên tiếp những người hâm mộ bóng đá Pháp chứng kiến những cầu thủ con cưng của họ thất bại một cách thảm hại và ê chề nhất có thể.

Những trận thua tan nát ngay từ những vòng đấu đầu tiên rồi chuyện lục đục nội bộ khiến niềm kiêu hãnh của “những chú gà trống Gaulois” bị tổn thương nghiêm trọng. Lẽ dĩ nhiên khi mà bóng đá Pháp càng ngày càng lún sâu vào thất bại trên tất cả các giải đấu thì nỗi nhớ Zidane càng trở nên da diết.

Les Bleus không hề thiếu những ngôi sao nhưng không ai trong số họ, từ người từng được ví là truyền nhân của Zidane như Ribery rồi Gourcuff, Benzema hay Nasri sau này có thể trở thành thủ lĩnh về mặt tinh thần lẫn linh hồn trong lối chơi của đội bóng áo lam như Zizou thuở nào. Trước thềm tiếp đón Tây Ban Nha trên đất Paris trong trận đấu mang tính quyết định ngôi nhất bảng I vòng loại World Cup 2014 khu vực châu Âu thì người Pháp càng có lý do để nhớ về Zidane.

Khoảng một thập niên về trước, khi “những chú gà trống Gaulois” thống trị thế giới với thế hệ Zidane thì người Tây Ban Nha vẫn đang loay hoay đi tìm công thức chiến thắng. La Furia Roja luôn luôn thất bại tại những giải đấu lớn đến nỗi được đặt cho cái biệt danh mỉa mai “ông vua vòng loại”, thế hệ của Raul thì được ví là “thế hệ thất bại”.

Đại chiến Pháp-Tây Ban Nha sẽ mang tính quyết định đến chiếc vé chính thức dự World Cup 2014
Đại chiến Pháp-Tây Ban Nha sẽ mang tính quyết định đến chiếc vé chính thức dự World Cup 2014

Vậy mà giờ đây, “con tạo xoay vần”, vị thế của hai đội đã hoàn toàn trái ngược, người Tây Ban Nha thống trị thế giới bằng tiki-taka trứ danh còn người Pháp thì chìm trong những thất bại và scandal đáng xấu hổ. Còn nhớ, đội tuyển Pháp của Zidane đã từng hai lần chạm trán Tây Ban Nha tại các giải đấu lớn, một lần tại Euro 2000 và một lần tại World Cup 2006, cả hai trận đấu đều thuộc khuôn khổ vòng đấu loại trực tiếp đó đội bóng áo lam đều giành chiến thắng thuyết phục còn Zizou đặt dấu ấn đậm nét.

Cả hai lần đụng độ người Tây Ban Nha, Zidane đều thi đấu rất xuất sắc, liên tục biến hàng thủ đối phương thành “gã hề” bằng những pha “vờn” bóng với kỹ năng xử lý vô cùng điêu luyện. Có một sự trùng hợp nữa là trong cả hai trận đấu đó, chính Zidane là luôn sút tung lưới người Tây Ban Nha mỗi khi chạm trán, một lần bằng siêu phẩm đá phạt hàng rào để đời tại Euro 2000 và một lần bằng pha đi bóng kỹ thuật xé nát hàng thủ đối phương rồi dứt điểm khéo léo đánh bại Casillas tại World Cup 2006.

Trước mắt người Pháp bây giờ là một cơ hội như thế để kết liễu Tây Ban Nha dẫu cho không phải là một trận đấu loại trực tiếp. Sau chiến thắng ở loạt trận cuối tuần qua, “đội bóng áo lam” đã tạm thời vượt lên trên Tây Ban Nha 2 điểm để dẫn đầu bảng I. Nếu đánh bại được các nhà ĐKVĐ thế giới và châu Âu trong trận đại chiến tại Paris sắp tới thì khoảng cách giữa hai đội sẽ được đào sau thêm thành 5 điểm, khoảng cách mà cơ hội để thầy trò Vicente Del Bosque có thể san lấp là rất nhỏ nhoi.

Nhưng ai sẽ là người kết liễu người Tây Ban Nha cho Les Bleus như Zidane vĩ đại đã từng làm?

Ngọc Trung