1. Dòng sự kiện:
  2. Pickleball

Trung tâm bóng đá trẻ Viettel giải thể: Khi bóng đá không sinh lãi

(Dân trí) - Quyết định xóa sổ trung tâm bóng đá trẻ Viettel có thể khiến nhiều người đau. Nhưng đấy là điều khó tránh khỏi đứng trên góc độ kinh tế. Người ta còn sợ rằng đấy có thể trở thành tiền lệ khiến nhiều lò đào tạo khác ngưng hoạt động…

Chết yểu

Ít người để ý, nhưng trước khi trung tâm đào tạo trẻ Viettel đóng cửa, một học viện bóng đá trẻ khác cũng phải ngưng hoạt động giữa chững, đấy là Scavi-Rocheteau.

Ngày mới ra đời, Scavi-Rocheteau có lúc được so sánh với học viện bóng đá HAGL-Arsenal.JMG của bầu Đức. Nếu như học viện của bầu Đức có sự kết hợp giữa hệ thống JMG toàn cầu (viết tắt tên của cựu danh thủ Jean Marc Guillou), thương hiệu Arsenal, cộng với túi tiền của bầu Đức, thì Scavi-Rocheteau cũng hình thành dựa trên công thức tương tự như thế.

Người bỏ một phần vốn ở Việt Nam là công ty Scavi, kết hợp với ý tưởng của ngôi sao một thời của bóng đá Pháp là Dominique Rocheteau – từng là đồng đội của Platini, Luis Fernandez, Jean Tigana… ở đội tuyển Pháp.

Trung tâm đào tạo trẻ Viettel đóng cửa để lại sự tiếc nuối
Trung tâm đào tạo trẻ Viettel đóng cửa để lại sự tiếc nuối

Rồi cũng giống như học viện HAGL-Arsenal.JMG, Scavi-Rocheteau sau khi ra đời cũng được học viện “mẹ” tại Pháp đưa chuyên gia ngoại đến nước ta huấn luyện, với cái tên Henri Atamaniuk ở hẳn ở trung tâm Thành Long, theo học viện này nhiều năm ròng (giống hệt cách HLV Graechen Guillaume ăn, ở cùng học viện của bầu Đức).

Nhưng rồi cái học viện Scavi-Rocheteau đình đám ấy rốt cuộc phải đóng cửa giữa chừng, khi họ còn chưa kịp “xuất khẩu” lứa cầu thủ khóa 1.

Điều đó cho thấy chuyện mở học viện bóng đá trẻ ở Việt Nam không phải là chuyện dễ. Người tâm huyết không thiếu, nhưng vấn đề là tìm lối ra cho những học viện vừa nêu luôn là vấn đề nan giải.

Không có đầu ra, Scavi-Rocheteau mấy năm trước và sau này đến lượt Viettel đóng cửa, dù kỳ vọng dành cho họ ngày mới thành lập rất nhiều. Dù mô hình của họ từng được nhiều nơi nghiên cứu và tính chuyện học theo.

Làm ăn không sinh lãi

Nguyên nhân cốt lõi của chuyện đóng cửa các học viện bóng đá trẻ như đã nói ở trên, đó là khó tìm đầu ra cho sản phẩm – cầu thủ.

Để đầu tư một học viện bóng đá trẻ không phải là đơn giản, nếu không muốn nói là rất tốn kém, trong khi luận nhuận có thể thu về thì hết sức mơ hồ. Đồng thời việc có lợi nhuận hay không là chuyện không thể trả lời ngay được, mà phải đợi ít nhất 5 – 7 năm. Tức là tính rủi ro rất cao.

Ví như ở trung tâm đào tạo trẻ Viettel, lãnh đạo tập đoàn cho biết ước tính sơ sơ mỗi năm họ rót vào đấy không dưới 70 tỷ đồng. Nhưng để nói có thu lợi được hay không thì không ai dám chắc. Cầu thủ xuất thấn từ lò đào tạo Viettel sau khi trưởng thành sẽ đá ở đâu cũng là câu hỏi không dễ có lời đáp?

Với Scavi-Rocheteau, ngày mới thành lập, chỉ tiêu đầu ra của học viện này là xuất khẩu cầu thủ sang châu Âu, cụ thể là sang Pháp, số còn lại có thể được chuyển nhượng cho các đội bóng trong nước. Nhưng càng làm, những người đứng đầu học viên càng thấy chỉ tiêu trên càng mơ hồ. Đến một lúc, họ cảm nhận được rằng càng làm sẽ càng lỗ, nên thà ngưng thì hơn.

Vấn đề với bóng đá Việt Nam hiện nay là sản phẩm gọi là chuyên nghiệp như V-League còn không thể kiếm ra lãi, thì các học viện bóng đá trẻ làm thế nào để định giá các cầu thủ?

Tiền đầu tư vào chính các CLB chuyên nghiệp càng lúc càng được siết chặt, thì lấy đâu ra tiền để chính các CLB này nghĩ đến việc săn lùng tài năng trẻ từ bên ngoài?

Ví như học viện HAGL-Arsenal.JMG của bầu Đức, nếu không bán được sang châu Âu, bầu Đức có lẽ cũng chỉ nhận lứa cầu thủ hiện đang khoác áo đội U19 Việt Nam về đội một HA Gia Lai, chứ khó bán sang các đội khác.

Mục tiêu quan trọng nhất của dân làm kinh tế luôn là làm ăn có lãi. Trách nhiệm với cộng đồng không phải là không có nơi họ, nhưng sẽ là phi thực tế nếu buộc họ phải liên tục đổ tiền vào đầu tư ở một lĩnh vực sẽ khiến họ càng làm càng lỗ.

Cái dở đầu tiên xuất phát từ chính đường đi sai lầm của bóng đá Việt Nam hơn chục năm trước. Chúng ta lên chuyên nghiệp mà chúng ta lại không nghĩ đến việc phải sinh lãi cho bóng đá, không hề tính đến chuyện bóng đá cuối cùng cũng phải là một sản phẩm để sinh lãi. Không tính đến chuyện tự bóng đá nuôi bóng đá.

Các học viện đào tạo trẻ sợ rằng rồi cũng sẽ như nhiều đội bóng đỉnh cao: Phải giải tán một khi các ông chủ phát mệt vì cứ phải đổ tiền vào cái túi không đáy!

Trọng Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm