1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Trục dọc của đội tuyển Việt Nam

(Dân trí) - Đội tuyển đang trong quá trình trẻ hóa, nhiều gương mặt mới đang được tạo điều kiện. Nhưng trẻ hóa kiểu nào thì đội vẫn cần các cựu binh, để chính các cựu binh dìu dắt những đàn em…

Cột sống của đội tuyển

Có một thực tế khó chối cãi là trong bất cứ công cuộc trẻ hóa nào, người ta cũng cần đến những người có kinh nghiệm, để dìu dắt và truyền đạt kinh nghiệm làm việc cho thế hệ nối tiếp sau.

Trong bóng đá và ở đội tuyển Việt Nam cũng vậy. Các cầu thủ cần môi trường để tiến bộ, và cách giúp họ tiến bộ nhanh nhất là để họ bên cạnh các đàn anh, thi đấu đỉnh cao cùng các đàn anh.

Cách làm này thứ nhất giảm được áp lực cho những tân binh, bởi trong những thời điểm căng thẳng, các cựu binh giỏi chịu áp lực hơn các tân binh và họ sẽ san sẻ phần lớn áp lực cho những cầu thủ mới. Thứ hai, những cựu binh là những người bổ khuyết điểm yếu về mặt kinh nghiệm cho các cầu thủ trẻ.

Công Vinh (giữa) sẽ là chỗ dựa cho các tân binh (ảnh: Trọng Vũ)
Công Vinh (giữa) sẽ là chỗ dựa cho các tân binh (ảnh: Trọng Vũ)

Đội tuyển Việt Nam đang vận hành với công thức ấy. Dễ thấy là dù sử dụng khá nhiều gương mặt mới trong trận ra quân với Myanmar, nhưng vai trò quan trọng của đội tuyển không thể không kể đến nhóm những ngôi sao từng vô địch AFF Cup 2008.

Ở trung tâm hàng hậu vệ, Phước Tứ vẫn là gương mặt được tin tưởng, bởi anh vẫn rất giỏi trong phán đoán tình huống, biết cách đối diện với sức ép, biết bọc lót cho đồng đội nên người đá cặp với anh sẽ đỡ lo hơn.

Ở vị trí tiền vệ tấn công, vẫn không ai bằng Tấn Tài. Đấy là dạng tiền vệ thuộc vào loại toàn diện nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay, vừa giỏi tấn công, vừa có thể hỗ trợ phòng ngự, vừa có thể đá ở trung lộ, vừa có khả năng dạt cánh khi cần, vừa có thể chuyền những đường chuyền sắc sảo, vừa có thể tung ra những pha dứt điểm uy lực.

Vả lại, so với các đồng đội khác, Tấn Tài có khả năng giữ nhịp cho lối chơi của toàn đội, điều mà không phải cầu thủ nào, nhất là các cầu thủ trẻ nào cũng có thể thực hiện.

Chỗ dựa cho các tân binh

Như đã nói ở trên, nhờ Tấn Tài có thể làm rất nhiều việc nơi hàng tiền vệ, nên các vệ tinh xung quanh anh sẽ đơn vất vả hơn. Nếu như vệ tinh đấy là một cầu thủ trẻ, áp lực dành cho cầu thủ này chắc chắn cũng được giảm đi.

Không phải ngẫu nhiên mà Tấn Tài được bầu làm đội trưởng đội tuyển Việt Nam ở chu kỳ mới, dưới sự dìu dắt của HLV Toshiya Miura, bởi trong anh giờ còn phát huy vai trò thủ lĩnh của đội bóng.

Trên hàng tiền đạo, Công Vinh tiếp tục là một trong những chân sút đáng tin cậy nhất thời điểm hiện tại. Có thể phong độ của tiền đạo gốc xứ Nghệ không còn tốt như cách nay vài năm, nhưng xét trên cấp độ đội tuyển, trong số những tiền đạo, anh vẫn là người ổn định nhất.

Một điều đáng khen khác nơi Công Vinh, đấy là anh thích ứng khá nhanh với những đồng đội khác nhau. Công Vinh từng đá cạnh Việt Thắng, rồi Quang Hải ở đội tuyển, người nào anh cũng kết hợp nhịp nhàng.

Giờ, khi chơi bên cạnh tân binh Hải Anh, tiền đạo của SL Nghệ An vẫn tỏ ra hài hòa với người đồng đội mới. Đấy là khác biệt lớn giữa Công Vinh và Anh Đức. Anh Đức có thể đá rất hay tại B.Bình Dương, nhưng chưa bao giờ Anh Đức tỏa sáng trong sắc áo đội tuyển.

Sau trận đấu với Myanmar, HLV Miura cho thấy ông đang tin tưởng vào cái trục dọc gồm những Phước Tứ, Tấn Tài và Công Vinh. Họ có thể vẫn sẽ là những nhân tố quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2014 của đội tuyển Việt Nam.

Ở cái trục dọc vừa nêu, có lẽ chỉ thiếu người đá tốt ở vị trí tiền vệ trụ. Giá như Minh Châu vẫn còn chơi hay như chính anh của năm 2008, đội tuyển Việt Nam sẽ có được một “cột sống” ưng ý.

Đấy cũng là điều mà HLV Miura sẽ đi tìm trong thời gian sắp tới, ông cần thêm một nhân vật đá tiền vệ trụ thật hay, thật an toàn, để hoàn thiện trục dọc của đội tuyển, cũng như phát huy tối đa năng lực của những chuyên gia tấn công như Tấn Tài, Công Vinh, để họ an tâm lao lên phía trước.

Kim Điền