Câu chuyện thể thao:

Trị để dùng hay trị để phế?

(Dân trí)- Cùng một ngày tại ngoại, nhưng Quốc Anh hiện đang tung tăng tập luyện với Đà Nẵng, còn Văn Quyến vẫn ngày ngày… đánh bóng chuyền với trẻ con trong xóm.

Ngày Quốc Anh tại ngoại trở về Đà Nẵng, mong ước đầu tiên của cậu bé 20 tuổi là mong được sớm trở lại sân cỏ để lấy công chuộc tội, tìm lại hình ảnh của mình trong mắt người hâm mộ.

 

Có lẽ với Quốc Anh, một cậu con trai mới lớn sống trong một gia đình gia giáo (mẹ và chị gái đều là giáo viên), tấn bi kịch bán độ chỉ là một tai nạn của sự bồng bột mang lại.

 

Chính vì vậy, bước chân ra khỏi trại tạm giam, cái khát khao đầu tiên của Quốc Anh chính là được tiếp tục đuổi theo trái bóng.

 

Bố, mẹ, chị gái đều muốn cậu đoạn tuyệt với trái bóng để tìm một con đường ít trắc trở hơn. Thậm chí, nghe nói có một công ty còn sẵn sàng đài thọ mọi chi phí nuôi Quốc Anh ăn học ở nước ngoài và sau đó sẽ nhận vào làm việc.

 

Trị để dùng hay trị để phế? - 1

 Quốc Anh đã được chạy trên sân

(Ảnh minh hoạ: Vnexpress).

 

Thế nhưng, chính cái ước mơ cháy bỏng và tha thiết đó đã thuyết phục được gia đình, và nhiều người vẫn chưa nguôi hy vọng sẽ lại được thấy một hình bóng trẻ trung, khéo léo tung hoành bên cánh trái.

 

Với Quyến, mọi chuyện có phần không đơn giản như vậy. Gắn bó với trái bóng từ nhỏ, Quyến hầu như không có một con đường nào rộng và sáng như nghiệp đá bóng.

 

Từ một cậu bé chăn trâu, Quyến được cả nước biết đến, có những hợp đồng quảng cáo khổng lồ, và đằng sau đó tất nhiên là những khoản tiền kếch xù.

 

Trước khi sa chân vào con đường tội lỗi, Quyến luôn được cả nước yêu thương, hy vọng. Dù có lúc khen, lúc chê, lúc yêu, lúc giận, nhưng chưa bao giờ niềm tin của người hâm mộ lại không đặt vào Quyến, không ai không mong Quyến tiếp tục đá hay và cống hiến thật nhiều.

 

Trị để dùng hay trị để phế? - 2
 Còn Văn Quyến vẫn chỉ là một khán giả trên sân Vinh
(Ảnh: Vietnamnet).

 

Nhờ trái bóng mà Quyến có tất cả, trước khi tự bàn tay Quyến đánh mất tất cả. Chính vì thế mà có lẽ dù sống dù chết, Quyến sẽ không thể xa lìa cái nghiệp bóng đầy ắp cám dỗ nhưng cũng không ít lợi danh.  

 

Vì nhẽ đó, không giống với gia đình Quốc Anh, mẹ Niềm của Quyến vẫn nuôi một niềm hy vọng con mình sẽ tiếp tục được tiếp tục đá bóng, vì như bà nói: “Thằng Quyến mà không được đá bóng thì hắn biết làm chi”.

 

Như vậy, họ có một điểm chung là đều khao khát được trở lại sân cỏ sau tất cả, để làm lại cuộc đời và để vẽ tiếp với những gì còn dang dở trong đời bóng ngắn ngủi của một cầu thủ.

 

Thế nhưng, trong khi Quốc Anh vẫn được tập luyện đều đặn cùng Đà Nẵng, Văn Quyến vẫn phải ngồi đợi hàng tháng trời và chiều chiều đi đánh bóng chuyền với trẻ con trong xóm để giữ được sự nhanh nhẹn.

 

Không phải là Cơ quan điều tra cấm đoán, cũng không phải VFF ngăn cản, tất cả chỉ từ cách làm của thể thao Nghệ An.

 

Nghe cái cách mà Sở TDTT và LĐ tỉnh Nghệ An đùn đẩy trách nhiệm với CLB P.SLNA thì mới thấy người ta làm việc hay ho như thế nào. Quan điểm 2 phía đều là “ủng hộ”, nhưng đến khi cần một quyết định cho Quyến xỏ giày thì chẳng ai dám đứng ra cho một chữ ký.

 

Quả bóng trách nhiệm vẫn được các bên chuyền qua đá lại cho nhau. Chỉ có Văn Quyến vẫn mỏi mắt ngồi chờ và ngày ngày “giữ eo” cùng lũ trẻ.

 

Chắc chắn những ngày bình yên của Quyến và Quốc Anh mới chỉ là tạm thời, họ sẽ còn phải đứng trước pháp luật để chịu sự trừng phạt vì những việc mình làm.

 

Nhưng ông cha có câu, “đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại”, một khi họ có mong muốn chuộc lỗi lầm, hãy trao cho họ một cơ hội, dù là để duy trì cảm giác là một cầu thủ.

 

Họ mới bước sang cái tuổi đôi mươi, cái tuổi của những khát khao cháy bỏng nhất trong một đời người. Mấy năm tù tội hay mấy năm treo giò có thể là không ngắn, nhưng cũng không quá dài để nói 2 từ: "Quá muộn".

 

Trị để dùng xưa nay chẳng tốt hơn trị để phế đó sao?

Hồng Kỹ