1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Tranh cãi quanh chuyện Công Phượng phát tờ rơi tại Nhật

(Dân trí) - Sang Nhật nửa năm, được ra sân 3 lần với tổng cộng dưới 20 phút, chuyến xuất ngoại của Công Phượng đang bị đặt dấu hỏi về tính thành công về chuyên môn. Đặc biệt, mới đây người ta còn thấy cảnh cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam đi phát tờ rơi, thay vì đá bóng.

Một đoạn clip mới đây được đăng tải trên internet chiếu cảnh Công Phượng đang phát tờ rơi trong một ga tàu điện ngầm tại Nhật. Lý giải cho sự việc này, phía HA Gia Lai bày tỏ quan điểm vui mừng khi Công Phượng hoà nhập với cuộc sống tại Nhật, tham gia vào các hoạt động trong và ngoài sân cỏ của CLB Mito Hollyhock.

Thật ra chuyện sẽ là bình thường, nếu Công Phượng không phải là... cầu thủ bóng đá. Chuyện sẽ là bình thường, nếu Công Phượng không sang Nhật để... đá bóng. Và chuyện sẽ hết sức bình thường, nếu như thời gian Công Phượng thực sự chơi bóng chuyên nghiệp tại Nhật nhiều hơn thời gian anh tham gia các hoạt động ngoài sân cỏ, vì như đã nói công việc chính của Công Phượng vẫn là đá bóng.

Công Phượng phát tờ rơi tại Nhật
Công Phượng phát tờ rơi tại Nhật

Đằng này, trong hơn nửa năm khoác áo CLB Mito Hollyhock, Công Phượng chỉ được ra sân tổng cộng 3 lần, với tổng thời gian chạy trên sân trong cả 3 lần ấy dưới 20 phút. Với tổng thời lượng đấy, một cầu thủ thông thường còn chưa kịp làm nóng, huống hồ là nghĩ đến chuyện thể hiện về mặt chuyên môn, hoặc đơn thuần là học hỏi.

Việc Công Phượng sang Nhật và tham gia vào nhiều hoạt động bên ngoài sân cỏ, hơn là tham gia đá bóng một lần nữa dấy lên tranh cãi về mục đích thật sự mà Công Phượng khoác áo Mito Hollyhock, đấy là mục đích phát triển chuyên môn hay chỉ thuần mang tính thương mại?

Nói gì thì nói, đã là cầu thủ thì cần được đá bóng. Chuyện Công Phượng ít được đá bóng ít nhiều ảnh hưởng đến phong độ và cảm giác bóng của cầu thủ này. Đấy là chưa tính đến chuyện cầu thủ không thường xuyên được đăng ký thi đấu dễ bị ức chế vì cảm giác trở thành người thừa ở đội bóng mới.

Rồi chuyện của Công Phượng giờ không còn là việc của riêng cầu thủ này hay việc riêng của HA Gia Lai, bởi Công Phượng vẫn đang là tuyển thủ quốc gia, vẫn đều đặn được gọi vào đội tuyển quốc gia ở mỗi đợt tập trung.

Phong độ của Công Phượng ảnh hưởng lớn đến phong độ của đội tuyển, hình ảnh của Công Phượng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của đội tuyển.

Công Phượng chưa được Mito Hollyhock sử dụng thường xuyên cho mục đích chuyên môn, nhưng lại nhận được quá nhiều ưu đãi trong sắc áo đội tuyển thì có tốt cho tâm lý chung của toàn bộ đội tuyển, cho các cầu thủ khác hay không?

Xa hơn nữa, việc Công Phượng sang Nhật là để tìm đường phát triển về mặt chuyên môn, nhưng nửa năm qua, người ta chưa hề được kiểm chứng rằng anh đã phát triển ở điểm nào, ngoài những hoạt động bên lề mang nặng tính thương mại của Mito Hollyhock?

Chuyến đi mang đầy tính thương mại của Công Phượng làm khổ đội tuyển quốc gia ở chỗ nó làm lộn ngược quy trình của đội tuyển. Đội tuyển quốc gia thay vì là nơi tập hợp những tinh hoa tốt nhất của một nền bóng đá, giờ lại trở thành nơi kiểm nghiệm phong độ cầu thủ giúp cho một CLB.

Chuyến đi của Công Phượng làm lộn ngược tính chất của đội tuyển quốc gia ở chỗ, đội tuyển thay vì là nơi mà cầu thủ phải có phong độ tốt ở CLB mới được góp mặt, thì nay lại trở thành chỗ để một cầu thủ không có cơ hội đá bóng tại CLB, trở về đội tuyển mong tìm lại phong độ.

Kim Điền

Tranh cãi quanh chuyện Công Phượng phát tờ rơi tại Nhật - 2