1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Tour de France 2005, cuộc chia tay của một huyền thoại

Cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp luôn là tâm điểm trong năm của làng xe đạp thế giới. Năm nay, giải đấu khắc nghiệt có lịch sử 102 năm này lại càng có ý nghĩa hơn vì nó sẽ là nơi chia tay một ngôi sao - Lance Armstrong.

Với những người yêu thích môn đua xe đạp, những thành tích mà tay đua người Mỹ này đạt được đủ xứng đáng đưa cái tên Armstrong vào ngôi nhà danh vọng của các huyền thoại. Nhưng những gì Armstrong vượt qua trong cuộc sống thậm chí còn làm mọi người ngưỡng mộ hơn.

 

Trước khi trở thành nhà vô địch vĩ đại của Tour de France, Armstrong đã vượt qua một thử thách còn khó khăn hơn: căn bệnh ung thư quái ác. Giờ đây, anh đã trở thành một huyền thoại, một biểu tượng về ý chí và sức mạnh. Các fan của anh đang mong chờ một cuộc chia tay trong chiến thắng.

 

Trở lại với năm 1993, trong lần đầu góp mặt tại Tour de France, Lance Armstrong, lúc đó mới là một cua-rơ vô danh, đã phát biểu thế này khi chứng kiến Miguel Indurain dễ dàng lên ngôi lần thứ 3 (trong tổng số 5 lần): “Tôi nghĩ cuộc đua sẽ hấp dẫn hơn nếu không có anh ấy. Nếu Indurain không tham dự, đây sẽ là một cuộc cạnh tranh quyết liệt. Nhưng chúng ta không thể đổ lỗi cho anh ấy. Anh ấy quá giỏi”.

 

Giờ đây, nhiều người cũng có ý nghĩ như vậy, nhưng người họ đề cập đến lại là chính Armstrong. Anh đã thống trị giải đấu này trong suốt 6 năm qua, và dự định lên ngôi lần thứ 7 trước khi giải nghệ. Nhưng không phải ai cũng ngán ngại Armstrong. Ullrich, người từng nhiều lần bị Armstrong đánh bại, tuyên bố: “Nếu tôi chiến thắng ở một Tour de France không có Armstrong tham dự, thì chiến thắng đó chẳng còn nhiều ý nghĩa”.

 

Lần này, cua-rơ người Đức cùng Basso và Alexandre Vinokourov sẽ là những trở ngại chính trên con đường tiến đến chiếc áo vàng chung cuộc của Armstrong. Ullrich từng thắng giải này năm 1997, trong khi Vinokourov và Basso lần lượt về thứ 3 trong hai năm gần đây. Bruyneel - Giám đốc đội đua Discovery, nơi Armstrong đang đầu quân thừa nhận: “Đó là 3 đối thủ chính của chúng tôi”.

 

 

Tour de France 2005, cuộc chia tay của một huyền thoại - 1
 

Armstrong - Huyền thoại của nước Mỹ

 

 

Cua-rơ của đội CSC, Basso, không có tốc độ thật ấn tượng, nhưng khả năng leo đèo thì miễn chê. Bruyneel khẳng định: “Anh ấy là người duy nhất có khả năng cạnh tranh với Lance trên những con đường núi. Việc anh ấy có giữ được phong độ ổn định hay không là một dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, đó cũng là một khả năng mà chúng tôi phải tính đến”.

 

Trong khi đó, Vinokourov và Ullrich lại là đồng đội trong đội T-Mobile. Chính Vinokourov đã về trước Armstrong 37 giây trong chặng đua leo núi tại Dauphine Libere. Bruyneel nhận xét: “Vinokourov là người luôn tận dụng thành công mọi cơ hội. Anh ấy ngày càng bền bỉ theo năm tháng và khả năng leo núi cũng đã tốt lên rất nhiều”.

 

Còn Ullrich đã 5 lần về nhì tại Tour de France, nhưng năm ngoái, cua-rơ người Đức chỉ về thứ 4. Tuy nhiên, Bruyneel vẫn đánh giá, Ullrich là một mối đe doạ thực sự đối với Armstrong: “Anh ấy là một trong số những người giỏi nhất ở cuộc đua tính giờ và thường thi đấu tốt trong giai đoạn cuối cuộc đua. Có vẻ như Ullrich không còn mạnh trong các chặng leo núi nhưng đừng quên, đây là một cuarơ luôn chiến đấu đến giờ phút cuối cùng”.

 

Ngoài 3 tay đua trên, Joseba Beloki và Roberto Heras cũng là những người có khả năng gây bất ngờ. Tuy nhiên, theo Bruyneel, hai cuarơ này khó có thể cạnh tranh với Armstrong trong bảng tổng sắp chung cuộc.

 

Cuộc đua đã sẵn sàng. Tất cả các cuarơ đã vượt qua đợt kiểm tra máu vừa diễn ra. Không có ai bị phát hiện dương tính với các chất bị cấm. Với kết quả này, chúng ta có thể hy vọng được chứng kiến một Tour de France “sạch” và hấp dẫn. Còn chiếc áo vàng sẽ về tay ai? Armstrong, Ullrich , Basso, Vinokourov hay một cái tên mới nào sẽ gây bất ngờ. Hãy chờ xem.

 

Lộ trình:

 

2/7, Chặng 1: Từ Fromentine đến Noirmoutier-en-l'Ile dài 19 km. Đây là chặng tính giờ cá nhân.

 

3/7, Chặng 2: Từ Challans đến Les Essarts dài 181,5 km.

 

4/7, Chặng 3: Từ La Chataigneraie đến Tours dài 212,5 km.

 

5/7, Chặng 4: Từ Tours đến Blois dài 67,5 km. Đây là chặng đua tính giờ đồng đội.

 

6/7, Chặng 5: Từ Chambord đến Montargis dài 183 km.

 

7/7, Chặng 6: Từ Troyes đến Nancy dài 199 km

 

8/7, Chặng 7: Từ Luneville đến Karlsruhe dài 228,5 km

 

9/7, Chặng 8: Từ Pforzheim đến Gerardmer dài 231,5 km

 

10/7, Chặng 9: Từ Gerardmer đến Mulhouse dài 171 km.

 

11/7, Nghỉ

 

12/7, Chặng 10: Từ Grenoble đến Courchavel dài 192,5 km

 

13/7, Chặng 11: Từ Courchavel đến Briancon dài173 km

 

14/7, Chặng 12: Từ Briancon đến Digne-les-Bains dài 187 km

 

15/7, Chặng 13: Từ Miramas đến Montpellier dài173,5 km

 

16/7, Chặng 14: Từ Agde đến Ax 3 Domaines dài 220,5 km

 

17/7, Chặng 15: Từ Lezat-sur-Leze đến Saint-Lary Soulan dài 205,5 km

 

18/7: Nghỉ

 

19/7, Chặng 16: Từ Mourenx đến Pau dài180,5 km

 

20/7, Chặng 17: Từ Pau đến Revel dài 239,5 km

 

21/7, Chặng 18: Từ Albi đến Mende dài 189 km

 

22/7, Chặng 19: Từ Issoire đến Le Puy-en-Velay dài 153,5 km

 

23/7, Chặng 20: Từ Saint Etienne dài 55km, đây là chặng tính giờ cá nhân.

 

24/7, Chặng 21: Từ Corbeil-Essonnes đến Paris dài 144 km

 

Theo T.Long - Vnexpress