1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Tổng cục TDTT không chấp nhận “xóa sổ” giải V-League

(Dân trí) - Lãnh đạo VFF đã lên tiếng ủng hộ phương án đổi tên giải VĐQG 2012 thành V-Super League mà VPF đưa ra. Tuy nhiên, đề xuất này không được Tổng cục TDTT chấp nhận, Tổng cục yêu cầu VFF - VPF đưa giải đấu chuyên nghiệp trở về tên cũ V-League.

Sau khi những căng thẳng tạm lắng dịu, đầu tháng 3, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã ký công văn gửi lên Tổng cục TDTT xác nhận việc ủng hộ phương án đổi tên giải đấu V-League thành V-Super League (chuyển đổi theo hướng thuần tiếng Việt theo văn bản chỉ đạo của Tổng cục TDTT đưa ra ngày 2/2)). Đồng thời, ông Hỷ cũng kiến nghị Tổng cục TDTT xem xét thông qua việc đổi tên theo đề xuất VPF đưa ra nhằm ổn định công tác tổ chức.
 
Tổng cục TDTT không chấp nhận “xóa sổ” giải V-League
 Giải VĐQG vẫn mang tên V-League -  Minh Phương
 

VFF và VPF tìm ra được tiếng nói chung về vấn đề thay đổi tên giải đấu, nhưng đề xuất này đã không nhận được sự ủng hộ của Tổng cục TDTT. Theo một nguồn tin từ Tổng cục cho biết, cách giải thích về việc đổi tên giải VĐQG thành V-Super League mà đại diện VPF đưa ra là chưa thực sự thuyết phục. Vì lý do này, Tổng cục TDTT yêu cầu VFF - VPF giữ nguyên tên giải bóng đá chuyên nghiệp là V-League, giống như từ năm 2011 trở về trước.

 

Dự kiến, ngày mai (6/3) Tổng cục TDTT sẽ có buổi làm việc với VFF để thống nhất về các vấn đề chuyên môn, quy chế hoạt động - quy chế tổ chức trước khi thông qua bản Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi theo đề xuất của VFF – VPF gửi lên cuối năm 2011.

 

Cùng lúc, lãnh đạo VPF cũng lên lịch gặp mặt đại diện VFF trong ngày 8/3 để cùng bàn bạc về công tác tổ chức, các giải pháp hạn chế tình trạng bạo lực sân cỏ, xem xét cho ra đời ban Đạo đức. Thống nhất cơ cấu tổ chức hoạt động của VPF sau khi Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi được cơ quan quản lý phê duyệt, đặc biệt là lời đề nghị VFF dần chuyển giao quyền tổ chức và các hợp đồng kinh tế cho VPF quản lý trong thời gian sớm nhất.

 

Bên cạnh những vấn đề tổ chức và chuyên môn, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng vẫn tái khẳng định sẽ đề nghị VFF thống nhất lại với AVG về hợp đồng bản quyền để các CLB được hưởng nhiều quyền lợi hơn, thu hẹp hợp đồng bản quyền xuống còn 3 năm thay vì 20 năm. Đánh giá về việc AVG đề xuất chia sẻ 70% bản quyền bóng đá cho VTV và VTC, ông Võ Quốc Thắng cho biết:

 

VPF đánh giá cao việc AVG quyết định chia sẻ bản quyền cho VTV - VTC để các trận đấu được quảng bá rộng khắp đến người hâm mộ. Chúng tôi hy vọng các bên liên quan sẽ sớm thống nhất giúp số tiền bóng đá Việt Nam có được từ bản quyền cao hơn mức hiện nay (AVG trả 6 tỷ đồng/năm, lũy tiến hàng năm 10%) và hợp đồng thu hẹp còn 3 năm…”. Theo lời người đứng đầu VPF, việc rút ngắn hợp đồng xuống còn 3 năm là cách tốt nhất giúp mang lại nguồn lợi cho CLB và an toàn cho cả đơn vị nắm bản quyền là AVG.

 

Lãnh đạo VPF đề nghị AVG xem xét lại giá trị hợp đồng và thời hạn hợp đồng truyền hình. Tuy nhiên, mục tiêu thay đổi điều khoản hợp đồng của VPF sẽ chẳng dễ thành hiện thực khi AVG đã lên tiếng khẳng định chỉ đàm phán với VPF khi đơn vị này có đủ tư cách pháp nhân, đồng thời cam kết tôn trọng hợp đồng VFF ký với AVG thông qua công văn số 49/TTAV-CV:

 

AVG khẳng định chỉ đàm phán với VPF về bản quyền (tức khai thác thương mại các trận đấu đã được hoàn thành phần sản xuất tín hiệu) sau khi VPF đáp ứng đầy đủ điều kiện pháp lý bao gồm: VFF ký hợp đồng ủy quyền cho VPF khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam; Bộ VH-TT&DL phê duyệt Quy chế bóng đá chuyên nghiệp; VPF công nhận và cam kết tôn trọng hợp đồng mà VFF ký với AVG giai đoạn 2011- 2030…”.

 

Quang Vinh