1. Dòng sự kiện:
  2. Copa America 2024

"Tôi làm sao xa trái bóng được!"

Bẵng đi đã 2 năm, từ ngày chàng tiền vệ cần cù Triệu Quang Hà từ giã sân cỏ và chia tay Thể Công với nhiều điều uẩn khúc. Nhìn lại quãng thời gian không bóng đá, “người không phổi” một thời của ĐTVN cảm thấy thảnh thơi và nhìn sân cỏ với con mắt sâu sắc hơn.

Từ giã sân cỏ và cũng đóng cửa luôn cả shop“T Quang Hà Sport”, dường như anh định “mai danh ẩn tích”?

 

Tôi không còn nằm trong biên chế của Thể Công nữa, nhưng vẫn là một Đại uý trong Quân đội. Hiện tại tôi công tác ở công ty 59 thuộc Bộ tổng tham mưu. Ra ngoài môi trường bóng đá, những cầu thủ chuyên nghiệp như tôi gặp phải thử thách rất lớn. Phải học lại, làm lại từ đầu khi tuổi đời đã không còn trẻ (Quang Hà năm nay 33 tuổi). Thế nhưng, cũng từ khi không còn phải thi đấu, tập huấn liên miên, tôi mới có thời gian lo cho cuộc sống riêng.

 

Đến cuối năm nay, tôi sẽ lấy bằng tốt nghiệp ở 2 trường Đại học TDTT và Đại học Luật còn hiện giờ thì đang chăm sóc cho bà xã chuẩn bị “nằm ổ” lần đầu. Còn về shop thể thao “T Quang Hà Sport” thì phần vì không có người trông coi cùng với một số khó khăn trong kinh doanh nên tôi quyết định tạm đóng cửa một thời gian.

 

Chia tay bóng đá chuyên nghiệp, một số cựu danh thủ vẫn tham gia vào các CLB nghiệp dư như Hồng Sơn, Tuấn Thành đá cho Bia đỏ. Vậy còn anh?

 

Làm sao tôi có thể xa trái bóng được. Tuy nhiên là một sĩ quan quân đội, cũng rất khó để thi đấu cho 1 đội bóng khác. Lấy ví dụ như Hồng Sơn trước đây cũng đá cho Bia đỏ nhưng từ khi đội bóng của bầu Bình thăng hạng Nhì, tức là có hơi hướng chuyên nghiệp, và sẽ gặp các đội bóng Quân khu khác, anh Sơn cũng phải xin rút.

 

Vì vậy hiện tôi vẫn xỏ giày đều đặn trong màu áo Công ty Phương Trang, thứ 5 nào cũng giao hữu với các đơn vị khác trên sân Mỹ Đình. Khác với Bia đỏ, chúng tôi không đá trong các hệ thống thi đấu của Liên đoàn mà chỉ tập trung một số anh em cựu cầu thủ để sinh hoạt cho vui mà thôi. Như Thành (cầu thủ bị kỷ luật trước SEA Games 22) cũng mới đầu quân vào đây.

 

Có tin Quang Hà hiện giờ là ông chủ của một trường dạy bóng đá cho thiếu nhi với học phí bằng USD?

 

Chỉ đúng một nửa thôi. Công ty cổ phần đào tạo năng khiếu VHTT Việt Nam (SJC) tổ chức một trường dạy bóng đá tại Hà Nội cho lứa tuổi từ 8-16 và mời tôi làm HLV. Đây là một dự án rất hay nhưng cũng mới thực hiện được 1 tháng nên quy mô còn khiêm tốn. Tôi cùng 2 trợ giảng trực tiếp huấn luyện 30 em ở 2 lứa tuổi 8-12 và 12-15 tại sân Vạn Phúc và Không quân. Một tuần các em tập trung 3 ngày thì 2 buổi học bóng đá còn buổi kia học tiếng Anh. Học phí là 30 USD cho 1 học viên/tháng.

 

Như vậy, mô hình trường dạy bóng đá tư nhân của anh có dự định “cạnh tranh” với lò đào tạo trẻ của Thể Công?

 

 

"Tôi làm sao xa trái bóng được!" - 1
 

Quang Hà (trái) trong ngày

khai giảng trường.

 

Mục tiêu của chúng tôi khác với lò đào tạo của Thể Công hay lò “Văn Sĩ” ở Nghệ An. Trung tâm huấn luyện của Thể Công hoạt động nhằm đào tạo ra các cầu thủ chuyên nghiệp làm lứa kế cận cho đội 1 còn tại trường dạy bóng đá này, chúng tôi xác định học sinh đến đây để "vừa học vừa chơi". Ngoài việc có kỹ năng cơ bản về bóng đá, rèn luyện được sức khỏe, các em còn được học tiếng Anh và đi ngoại khoá. Nếu sau này quy mô của trường phát triển lên và trong số học viên có nhiều tài năng thì chúng tôi mới tính đến việc chuyên nghiệp hoá.

 

Tôi cũng dự định mời thêm một số đồng đội ở Thể Công tới huấn luyện cho các em. Làm HLV ở đây tuy hơi mệt vì hầu hết học viên đều mới làm quen với bóng đá, tôi phải chỉ dẫn từng ly, từng tí nhưng được cái vui bởi sự hồn nhiên của các cầu thủ nhí. Hơn nữa, các thày cũng không phải chịu áp lực nặng nề về thành tích như các đội chuyên nghiệp. Vì vậy, tôi cảm thấy rất thảnh thơi.

 

Mùa giải này, Thể Công vẫn chưa thể trở lại V-League. Từng nhiều năm gắn bó với đội bóng quân đội, theo anh đâu là nguyên nhân của sự sa sút này?

 

Đã lâu lắm tôi không quay lại Thể Công nhưng vẫn quan tâm và mong các đồng đội trở lại V-League lắm chứ. Thể Công bây giờ không thiếu tiền, vấn đề chỉ là cơ chế và con người mà thôi. Không thể nhìn vào số lượng tuyển thủ quốc gia trong một đội bóng để đánh giá chất lượng đội bóng đó mà hãy nhìn vào kết quả thi đấu. Các cầu thủ cùng lứa với tôi thì hiện chỉ còn mình Việt Hoàng còn trụ lại. Lương thưởng của cầu thủ cũng cao hơn trước nhưng vì một lý do nào đấy, tôi cảm thấy Thể Công không còn chất lửa như ngày trước.

 

Bây giờ, cứ mỗi lần ra sân xem bóng đá ở cả hạng Nhất và V-League, tôi lại thấy buồn bởi sao khán giả đến sân ít thế. Tôi đã đi thi đấu ở nhiều nước và nhận thấy CĐV Việt Nam thuộc hàng “máu” nhất khu vực, nhưng hiện nay thì khán giả lại đang quay lưng lại với bóng đá, nhất là tại Hà Nội.

 

Bên cạnh đó, dù cả đời cầu thủ chỉ đá cho Thể Công nhưng tôi nghĩ rằng một cầu thủ giỏi phải được thử thách tại nhiều CLB. Anh có tài, sẽ có một đội bóng khác mạnh hơn bỏ tiền ra chiêu mộ và cầu thủ sẽ phải cố gắng để thể hiện mình, cạnh tranh trong môi trường mới. Như vậy, trình độ và bản lĩnh của cầu thủ sẽ ngày một tiến bộ. Ngược lại, cả đời chỉ biết đến một CLB như lứa chúng tôi, việc tự thoả mãn hoặc “dẫm chân tại chỗ” là điều dễ hiểu.

 

Anh là một trong số những cầu thủ VN từng thi đấu tại nhiều kỳ SEA Games và Tiger Cup nhất và cũng đã trải qua 4 đời HLV ngoại (Weigang, Colin Murphy, Riedl và Calisto), vậy anh đánh giá thế nào về cơ hội của đội U23 dưới tay ông Riedl tại SEA Games sắp tới?

 

Theo đánh giá của cá nhân tôi thì HLV Riedl và Calisto là những người phù hợp nhất với bóng đá VN. Riêng ông Riedl có điểm mạnh là rất hiểu và được lòng các cầu thủ. Tuy nhiên, tôi cho rằng SEA Games tới sẽ không dễ dàng cho U23 VN bởi ngoài Thái Lan vẫn nhỉnh hơn chúng ta, Singapore hiện cũng lên chân.

 

Có nhiều người nói rằng V-League hiện mạnh hơn giải vô địch Thái Lan nhiều bởi các cầu thủ Thái hiện “kiếm ăn” rất đông tại VN nhưng theo tôi ở cấp độ ĐT, người Thái vẫn đi trước chúng ta. Nếu trình độ tại V-League thật sự cao thì chúng ta cũng phải chứng minh bằng việc “xuất” các cầu thủ VN sang các giải vô địch khác chứ không đơn thuần chỉ “nhập” như hiện nay.

 

Theo Khánh Linh

 Ngoisao