Câu chuyện thể thao:
Tình người…
Năm ngoái, khi chuẩn bị cho 2005, mọi yêu cầu lẫn đề xuất của HLV Calisto đều được lãnh đạo CLB Gạch Đồng Tâm Long An giải quyết chóng vánh.
Cận ngày vào giải, ông thầy người Bồ này lại làm tiếp một đề xuất gây choáng váng Chủ tịch lẫn Giám đốc điều hành CLB: xin mua 5 chiếc xe… lăn (!?) với lý do - ngộ nhỡ cầu thủ gặp sự cố thì sẽ di chuyển bằng xe lăn hiệu quả hơn là đi bằng đôi nạng gỗ!
Đề xuất ấy bị phản bác vì chẳng khác nào tự rước mầm họa vào người.
Chuyện về những cái đầu gối…
Bước vào V-League 2005, hàng loạt cầu thủ Gạch Đồng Tâm Long An nối đuôi nhau vào bệnh viện vì chấn thương. Có lúc “cao điểm” chấn thương lên đến gần chục người, ngoài đội hình xuất phát thì trên băng ghế dự bị chỉ còn lại đúng hai cầu thủ lành lặn!
Nghiệt thay, hầu hết đều cùng một nỗi đau: không dãn dây chằng thì cũng bị vỡ sụn chêm đầu gối, xuất phát từ những va chạm cứng rắn trong thi đấu hoặc tập luyện.
Đó là: Tài Em, Công Thành, Đăng Thi, Hoàng Sơn, Bảo Tâm, Ngọc Quang, Đức Cường… Duy chỉ có Minh Phương là nhẹ nhất - nứt xương mắt cá.
Đến lúc này, ông thầy người Bồ mới xanh mặt khi được nhắc lại lời đề xuất mua xe lăn. Ngày ấy, có người nói vui rằng: ”Trung tâm huấn luyện Bến Lức có thêm tên gọi mới là “bệnh xá” Bến Lức dành riêng cho GĐTLA…”.
| ||
"Bầu" Thắng (trái), con người làm bóng đá bằng cả trái tim. |
Trước chuyện không may của cầu thủ, bất luận là đang phục vụ cho đội hoặc trốn đi đá chầu như Việt Thắng (khi ấy đang lãnh án treo giò của VFF), lãnh đạo CLB lần lượt “tiễn” từng cầu thủ lên bàn mổ với mọi phí tổn đều do bầu Thắng chi trả, chi phí cho mỗi ca từ 16 cho đến 30 triệu đồng.
Không chỉ chăm sóc cho quân của mình, bầu Thắng còn hào phóng hơn với việc chi trả viện phí cho hai cựu tuyển thủ quốc gia Phùng Thanh Phương (CA TP.HCM) rồi Nguyễn Minh Nghĩa (Đồng Tháp).
Sau chức vô địch V-League rồi Cúp quốc gia 2005, vận rủi vẫn chưa chịu buông tha đội bóng tư nhân này. Vừa xong giai đoạn chuẩn bị cho V-League 2006, đến lượt Nguyễn Việt Thắng rồi Robson Lino làm bạn với bác sĩ cũng với chấn thương nghiệt ngã như trên.
Trớ trêu ở chỗ trong khi các đồng nghiệp bị dãn dây chằng hay vỡ sụn chêm vì tập hoặc thi đấu cho đội nhà thì Nguyễn Việt Thắng vừa bị dãn dây chằng, vừa bị vỡ sụn chêm đầu gối vì đi đá chầu vào chủ nhật hàng tuần.
Với những ca chấn thương nặng và phức tạp hơn như Tài Em, Việt Thắng thì được đưa sang Singapore chữa trị. Trong khi ca mổ của Tài Em chỉ tốn 50 triệu thì cái gối của Nguyễn Việt Thắng đã làm ngân quỹ của CLB lõm mất hơn 100 triệu đồng!
…Đến cái van tim
Nhưng đó chưa là phải là ca phẫu thuật có tổn phí nhiều nhất. Giữa tuần qua, hậu vệ cánh phải Lý Lâm Huy vừa trở về TP.HCM sau hơn hai tuần sang Singapore phẫu thuật để đặt van tim sinh học do bị dị tật bẩm sinh (lực đẩy của máu không đều dẫn tới tim lớn hơn bình thường và cơ thể mau mệt mỏi, không thể vận động với cường độ cao trong thi đấu thể thao).
Cứ ngỡ rằng điều trị trong nước là xong, nào ngờ đá xong lượt về V-League và vòng chung kết cúp quốc gia 2005, bệnh tình tái phát. Bác sĩ đưa ra lời cảnh báo rằng: hoặc là nghỉ đá bóng để sống hoặc là vĩnh viễn không còn được nhìn thấy quả bóng!
Tuy nhiên, “phán quyết” nghiệt ngã ấy vẫn có hướng ra: Huy sẽ được đá bóng tiếp nếu có tiền và điều kiện ra nước ngoài thay van tim khác. Sau nhiều lần được tư vấn, kiểm tra sức khỏe toàn diện từ bệnh viện Singapore, mọi giấy tờ và viện phí được đặt ra trước gia đình và lãnh đạo CLB.
Sinh sống với tiệm tạp hóa nhỏ ở chợ Bình Long (Bình Phước), gia đình Huy dù rất thương con nhưng không thể có được một lúc tới hơn 400 triệu đồng cho ca phẫu thuật này, và cũng không dám ký tên phẫu thuật vì sợ con mình một đi không trở lại.
Hôm ấy, riêng Huy thì khác. Nỗi đam mê bóng đá của anh vẫn còn đó, anh muốn được phẫu thuật, nhưng ngại rằng chưa đóng góp được nhiều mà chi phí cho ca mổ lại quá lớn.
“Nắm thóp” được ý định của Huy, bầu Thắng mạnh tay xuất gần nửa tỷ bạc, đồng thời cử hẳn một trợ lý ngôn ngữ của CLB đưa hậu vệ trẻ này ra nước ngoài. Trước giờ lên đường, bầu Thắng chỉ nhắn nhủ rằng: ”Huy đừng quá bận tâm về chuyện tiền nong.
Và cũng đừng nghĩ ngợi đến việc phục vụ cho đội sau khi lành lặn. Đá được thì tốt, bằng không thì xã hội sẽ không mất đi một công dân tốt và gia đình cũng không thiếu vắng một người con hiếu thảo”.
Kể lại với chúng tôi chuyện ấy mà nước mắt cứ trào ra trên gương mặt thư sinh của hậu vệ lỳ đòn này. Anh rớt nước mắt vì cái nghĩa, cái tình của CLB.
Tiếng nói của… “thương binh”
Nằm trên giường bệnh, các cầu thủ “thương binh” được nhận đủ 100% lương, kể cả những khoản thưởng (nếu có) tùy vào thành tích của CLB. Rời bệnh viện, tất cả cùng tề tựu về “bệnh xá” Bến Lức để thực hiện các bài tập vật lý trị liệu dưới sự giám sát chặt chẽ của hai bác sĩ đang “tại ngũ” ở CLB này là Trần Anh Tuấn và La Chí Kiên.
| |||
Dù thăng dù trầm, cầu thủ "Gạch" (áo sọc) chưa bao giờ chơi "bóng bẩn". (Ảnh: Vnexpress) |
Tâm sự cùng chúng tôi, Đoàn Hoàng Sơn, Lý Lâm Huy… cùng một suy nghĩ: ”Không đóng góp được nhiều cho đội bóng, đến tháng vẫn có lương đầy đủ. Chúng tôi chẳng vui sướng khi nhận những đồng tiền mà mình không đổ mồ hôi làm nên.
Và càng xót xa biết mấy mỗi khi đội nhà lao đao lận đận. Ai cũng mong chóng lành bệnh để tập, để thi đấu hòng trả lại phần nào cái ơn, cái nghĩa mà bầu Thắng, thầy Calisto và đồng đội đã dành cho chúng tôi”.
Ray rứt hơn đồng nghiệp, tiền đạo Nguyễn Việt Thắng bộc bạch: ”Gần 1.000 ngày lãnh án kỷ luật, vậy mà tôi vẫn được nhận lương đầy đủ, lại còn được cho sang Bồ Đào Nha tu nghiệp cùng đội Porto B.
Chưa đáp đền được ơn nghĩa ấy, tôi lại làm tốn kém cho CLB hơn khi bị chấn thương nặng ở gối. Tôi thật sự hối hận và chỉ mong sao sớm lành lặn để cống hiến hết mình cho đội. Nếu không làm được điều đó, lòng tôi chẳng thể thanh thản mỗi khi ký vào bảng lương hàng tháng”.
Theo Sỹ Huyên
Tuổi trẻ