Tiền đạo Việt Nam bao giờ vươn tới danh hiệu Vua phá lưới AFF Cup?

Trọng Vũ

(Dân trí) - Điều đáng chú ý ở chỗ qua 13 lần AFF Cup được tổ chức, chưa cầu thủ nào của đội tuyển Việt Nam trở thành Vua phá lưới của giải đấu hàng đầu Đông Nam Á.

Bóng đá Việt Nam không thiếu các chân sút tài năng qua các thế hệ, như Lê Huỳnh Đức, Lê Công Vinh, hay Nguyễn Anh Đức. Thậm chí, trong số những chân sút tốt nhất lịch sử AFF Cup, bóng đá Việt Nam có hai đại diện.

Lê Công Vinh với tổng cộng 15 bàn thắng qua các kỳ giải, còn Huỳnh Đức với tổng cộng 14 bàn thắng, lần lượt đứng thứ 3 và thứ 5 trong danh sách những chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử giải vô địch bóng đá Đông Nam Á. Dẫn đầu danh sách này là Teerasil Dangda (Thái Lan) với 20 lần lập công.

Tiền đạo Việt Nam bao giờ vươn tới danh hiệu Vua phá lưới AFF Cup? - 1

Nguyễn Tiến Linh và Phan Văn Đức là các tiền đạo được đánh giá rất cao ở giải năm nay (Ảnh: Khoa Nguyễn).

Tuy nhiên, nếu Teerasil Dangda đã có 4 lần giành danh hiệu Vua phá lưới AFF Cup (2008, 2012, 2016, 2020), Lê Công Vinh, Lê Huỳnh Đức hay bất kỳ tiền đạo nào của đội tuyển Việt Nam chưa lần nào giành được danh hiệu ấy.

Cầu thủ Việt Nam từng ghi nhiều bàn thắng nhất trong một kỳ AFF Cup là Lê Huỳnh Đức năm 2002, với 6 bàn thắng chỉ qua 6 trận đấu. Đây cũng là năm mà Lê Huỳnh Đức chơi cực hay, góp công lớn giúp đội hình trẻ trung và có phần lạ lẫm của HLV Calisto giành hạng ba chung cuộc. Tuy nhiên, Huỳnh Đức vẫn thua Bambang Pamungkas (Indonesia, 8 bàn) trong cuộc đua vua phá lưới.

Ba lần khác, cầu thủ Việt Nam tiến đến sát danh hiệu vua phá lưới vào các năm 1998 (Nguyễn Hồng Sơn ghi 3 bàn, kém chân sút dẫn đầu Myo Hlaing Win của Myanmar 1 bàn), 2000 (Vũ Công Tuyền ghi 4 bàn, kém 2 chân sút Gendut Christiawan của Indonesia và Worrawoot Srimaka của Thái Lan một bàn) và 2008 (Nguyễn Vũ Phong ghi 3 bàn, kém nhóm 3 chân sút dẫn đầu gồm Budi Sudarsono của Indonesia, Agu Casmir của Singapore và Teerasil Dangda của Thái Lan một bàn).

Các cầu thủ Việt Nam đã 3 lần giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup: Nguyễn Hồng Sơn năm 1998, thủ môn Dương Hồng Sơn năm 2008 và Nguyễn Quang Hải năm 2018, nhưng chưa một lần trở thành chân sút tốt nhất giải.

Tiền đạo Việt Nam bao giờ vươn tới danh hiệu Vua phá lưới AFF Cup? - 2

Nguyễn Văn Toàn cũng đã có bàn thắng "mở hàng" ở AFF Cup 2022 (Ảnh: Khoa Nguyễn).

Năm nay, đội tuyển Việt Nam tiếp tục sở hữu các chân sút tốt, như Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Văn Toàn, Phan Văn Đức, Phạm Tuấn Hải. Trong số này, Nguyễn Tiến Linh được đánh giá thuộc vào hàng trung phong toàn diện nhất Đông Nam Á: Có kỹ thuật, có tốc độ, thể hình tốt (1m80).

Trong bối cảnh các đội tuyển hàng đầu ở Đông Nam Á đều sa sút, lực lượng của họ không còn quá mạnh như hồi AFF Cup 2020, các chân sút của đội tuyển Việt Nam đứng trước cơ hội lớn thực hiện được điều chúng ta chưa từng thực hiện được qua 13 kỳ giải AFF Cup: Đoạt danh hiệu vua phá lưới.

Ở đội tuyển Thái Lan, hai trung phong Teerasil Dangda và Adisak Kraisorn (2 người từng giành danh hiệu vua phá các kỳ giải trước đây) ngày càng lớn tuổi và ngày càng xa thời đỉnh cao phong độ. Trong khi đó, Malaysia thiếu một loạt chân sút nổi tiếng, gồm Syafiq Ahmad, Mohamadou Sumareh và Luqman Hakim, cơ hội dành cho các tiền đạo của đội tuyển Việt Nam càng lớn.

Dĩ nhiên, danh hiệu tập thể luôn quan trọng hơn danh hiệu cá nhân, nhưng thành tích cá nhân của các chân sút sẽ trực tiếp đóng góp vào thành tích tập thể của toàn đội. Giá trị của một tiền đạo phụ thuộc vào các bàn thắng mà tiền đạo đấy ghi được. Các chân sút càng hiệu quả, đội tuyển Việt Nam càng dễ khai thông thế bế tắc và dễ vượt qua đối thủ để vô địch AFF Cup.

Tiền đạo Việt Nam bao giờ vươn tới danh hiệu Vua phá lưới AFF Cup? - 3