1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Thưởng Tết với vận động viên: Nơi no dồn, chỗ đói góp

(Dân trí) - Một số vận động viên (VĐV) tên tuổi có được cái Tết ấm cúng, nhờ nhiều khoản thưởng lớn mà họ nhận trong suốt năm, trong khi số khác không khỏi chạnh lòng vì khái niệm thưởng Tết đôi khi là điều gì đó khá xa xỉ.

Năm 2014 là năm đại thành công với Thạch Kim Tuấn. Cứ sau mỗi giải đấu quốc tế, lực sĩ cử tạ của TPHCM lại có thêm những khoản tiền thưởng ấn tượng. Năm qua, từ Asiad cho đến giải vô địch thể hình thế giới, Thạch Kim Tuấn đi từ thành công này đến thành công khác, giành huy chương này đến huy chương khác (HCB Asiad, HCV giải thế giới).

Đấy chính là lý do mà làng thể thao Việt Nam gọi Thạch Kim Tuấn là “nhà vô địch về săn tiền thưởng”. Điều may mắn cho Thạch Kim Tuấn còn nằm ở chỗ, anh là VĐV của TPHCM, nơi có điều kiện đãi ngộ khá tốt.

Thưởng Tết với vận động viên: Nơi no dồn, chỗ đói góp
Thạch Kim Tuấn là một trong số ít các VĐV đỉnh cao đạt nhiều tiền thưởng trong năm, để đón cái Tết ấm cúng


Mỗi thành tích, mỗi tấm huy chương, hoặc mỗi kỷ lục mà Thạch Kim Tuấn xác lập ở các giải quốc tế, Kim Tuấn được Tổng cục TDTT thưởng bao nhiêu tiền, thì TPHCM cũng có mức thưởng tương tự, cũng như có thêm tiền chế độ từ lúc lặp thành tích cho đến kỳ giải tiếp theo, nhằm động viên lực sĩ này. Thế nên, với tổng tiền thưởng vài trăm triệu đồng từ hàng loạt thành tích xuất sắc trong năm 2014, Thạch Kim Tuấn có một cái Tết vui hơn.

Với Dương Thúy Vi, tuy không nhiều tiền thưởng cỡ Thạch Kim Tuấn, nhưng Tết với cô gái này cũng khá vui. Sau Asiad 17 vừa rồi, nhờ thành tích giành HCV trong môn Wushu (người duy nhất đoạt HCV cho đoàn thể thao Việt Nam tại Á vận hội 2014), Thúy Vi được thưởng khoảng 190 triệu đồng.

Ngoài ra, ngay trước Tết, Thúy Vi còn nhận thêm vài triệu đồng khác từ đơn vị chủ quản Hà Nội. Những điều đó giúp cho Tết với nữ võ sĩ này trở nên ấm áp hơn.

Cũng có những mức thưởng hàng trăm triệu trong năm qua, nhờ thành tích quốc tế là trường hợp của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), hay VĐV Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ).

Tuy chưa nhiều tiền như cầu thủ bóng đá nam, nhưng với những VĐV vừa nêu, họ cũng không quá lo với chuyện tiền Tết, vẫn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp.

Bởi với phần đông VĐV, chuyện đón những cái Tết trong khó khăn không còn là chuyện lạ đối với họ. Cách nay ít năm, khi ngồi với một số cầu thủ bóng đá nữ trong những ngày giáp Tết, người viết từng chứng kiến cảnh họ chỉ nhận thùng mì, cân lạp xưởng, cùng một ít tiền gọi là quà Tết.

Năm nay, tuy đời sống của cầu thủ nữ có phần khá hơn, nhưng cũng không thể gọi là dư dả, đồng thời chuyện thưởng Tết vẫn là chuyện khiến nhiều đội bóng đá nữ đau đầu, bởi bản thân nhiều đội bóng không có nguồn thu, cũng không nhận được nhiều tài trợ.

Hàng loạt VĐV đỉnh cao ở các môn khác cũng trong cảnh tương tự. Nhiều địa phương ngân sách dành cho thể thao khá eo hẹp, nên chuyện thưởng Tết cho các VĐV của địa phương mình đối với họ trở thành khái niệm khá xa xỉ.

Kim Điền