1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Thưa ông Riedl, …

(Dân trí) - HLV trưởng Alfred Riedl đã “nổi quạu” khi bị dư luận cho là cầu toàn. Trong tình cảnh hiện tại của bóng đá nước nhà, ai cũng hiểu cho cái khó của ông, nhưng …

Cái sự cầu toàn mà người ta nhắc đến ở đây không chỉ được thể hiện qua bản danh sách đội dự tuyển mà ông lựa chọn, mà rõ ràng hơn, qua cách nghĩ và cách làm mà ông dự kiến sẽ áp dụng vào năm nay.

 

1. Cup Mùa xuân có ý nghĩa gì với BĐVN 2006?

 

Trao đổi với phóng viên, ông cho rằng, nếu ông triệu tập đội tuyển gồm nhiều gương mặt mới, sẽ rất khó để đạt được thành tích cao ở Cup Mùa xuân.

 

Ông giải thích tầm quan trọng của Cúp Mùa xuân bằng luận điểm: “Sau những gì đã xảy ra với bóng đá VN trong thời gian qua, ĐT VN rất cần có một diện mạo tươi sáng trong năm 2006 để lấy lại niềm tin cho người hâm mộ.

 

Vì thế, sẽ thật tồi tệ nếu như ĐT VN không thể hiện được một màn trình diễn ấn tượng tại Cúp mùa xuân.

 

Ông nói đúng một nửa, ĐT VN cần một diện mạo tươi sáng để lấy lại niềm tin trong lòng người hâm mộ. Nhưng cái niềm tin đó không phải được xây dựng nên bằng một thắng lợi tức thời nào đó, đặc biệt là ở một giải đấu giao hữu như Cup Mùa xuân lần này.

 

Trước các đối thủ mạnh như U23 Úc, U23 Iran và U23 Uzbekistan, chuyện thắng hay thua không phải là mối quan tâm lớn nhất của người hâm mộ, mà quan trọng là chúng ta sẽ chơi như thế nào.

 

Và một luồng gió mới có thực sự được tạo ra trong đội tuyển hay không. Để có một “luồng gió mới”, ắt cũng cần những con người mới và cách nghĩ mới, đúng không ông Riedl?

 

Nếu năm nay, ĐTQG và U23 VN đoạt cú ăn ba tại Cup Mùa xuân, LG Cup và Agribank Cup, liệu điều đó có nói lên cái gì đặc biệt?

 

Có lẽ là không, vì năm 2005, thành tích tại các giải tập huấn của ta cũng không kém phần rực rỡ, nhưng vào đấu trường SEA Games ta đá thế nào thì cả ông Riedl cũng thấy, chúng tôi cũng thấy và người hâm mộ cũng thấy. Có vẻ như, do quá quyết “ăn thua đủ” ở các giải “đá thử”, cứ vào “đá thật” là chúng ta “mất bài”.

 

Cứ cho là ông sẽ giải thành công bài toán phong độ của các “học trò cưng” của mình, thì cũng chẳng có ý nghĩa gì khi họ toả sáng tại Cup Mùa xuân rồi sau đó lại thất bại ở các giải đấu chính thức. (Nói ra e nhiều người không bằng lòng, nhưng đó là “cái dớp” của BĐVN trong mấy năm qua).

 

Vậy, vai trò của Cup Mùa xuân trong kế hoạch năm 2006 của bóng đá VN là gì? Nó chỉ là một màn khởi động để tạo bước đệm cho các giải đấu chính thức trong năm.

 

Mà ở bước chạy đà này, không nhất thiết phải vô địch đâu, chỉ cần xây dựng cho đựơc một lối chơi chắc chắn, bài bản và hiệu quả, đồng thời, tạo được “cú hích” để mỗi cầu thủ có ý thức phấn đấu và vươn lên thôi.

 

2. Cái đích của bóng đá VN năm 2006 là gì?

 

Dễ thấy, cái đích thực sự mà chúng ta cần hướng đến chính là ASIAD và chuẩn bị cho Asian Cup và giải vô địch ĐNA. Ngoài ra, cần phải tạo nền tảng cho U23 VN tham dự SEA Games 2007.

 

Vậy là đã rõ, cần phải xác định được mục tiêu chính, chứ không nhất thiết phải “phùng mang trợn mắt” để “lấy vàng” trong các giải tập huấn và cuối cùng lại lệt bệt tại các giải chính thức.

 

Nhưng dễ thấy rằng, đấu trường ASIAD và cả SEA Games 2007 đều là sân chơi của các cầu thủ trẻ, vậy tại sao không tạo điều kiện cho các cầu thủ tuổi U đang thi đấu tốt được dịp “thử lửa” tại các giải đấu tập huấn này?

 

Nếu giải thích rằng, sự tiến bộ của họ gây một ấn tượng chưa đủ mạnh để có thể có được một chân trong đội tuyển, vậy ông cần một ấn tượng mạnh đến mức nào. Trong khi các trụ cột đang sa sút, những gương mặt mới như Thanh Lương, Văn Vinh, Văn Khải, Thanh Nguyên hay Vĩnh Lợi... cần được trao cơ hội.

 

Có thể không nhất thiết phải đưa họ ra sân trong đội hình chính, nhưng những cọ xát và kinh nghiệm ở tuyển sẽ giúp cho họ có được sự tự tin và giữ được đà tiến bộ của mình. Như thế liệu có hơn là dồn sức dồn vào ván bài phong độ của các “cựu binh” đang sa sút hay không?

 

Ở CLB, người ta hầu như chỉ biết “dùng” mà không biết “giũa”, nếu “tuyển” cũng “bỏ rơi” nốt thì liệu đến bao giờ các cầu thủ trẻ mới “gây được ấn tượng đủ mạnh” trong mắt các nhà tuyển quân?  

 

Và kể cả năm sau, nếu các cầu thủ này được gọi lên, thì chẳng phải họ đã để mất đi 1 năm kinh nghiệm quý giá để có thể vững vàng thi đấu sao?

 

Ông Riedl ạ, có lẽ khó đến mức này chúng ta nên mở rộng danh sách ĐTQG ra, để các cầu thủ trẻ được cạnh tranh “như những người đàn ông” với các học trò của ông, để xem giữa kinh nghiệm và sức trẻ, giữa tiếng tăm và phong độ, ai xứng đáng hơn.

 

Có thế thì may ra năm nay, bóng đá VN mới không “lỗi hẹn” với những cái đích. Mà ông cũng biết đấy, nếu thêm 1 năm bết bát nữa, e rằng cái ghế của ông cũng khó mà giữ nổi chứ nói gì đến niềm tin của người hâm mộ.

 

3. Lại đi Áo sao?

 

Biết là ông khó chịu, và mọi chuyện không phải là quyết định của riêng ông, nhưng vẫn xin hỏi lại câu này. ĐT VN đã 2 lần đi Áo, và những kết quả thu được là gì?

 

Chẳng là gì ngoài những trận thắng vô thưởng vô phạt trước các đội bóng “tép riu” của Áo, và được một vài trận “ra hồn” trước các đội mạnh của nước láng giềng Hungary.

 

Sau chuyến “hồi hương” nào, ông cũng hồ hởi đánh giá là “thành công tốt đẹp”. Thành công là thế sao cứ vào đá là “xịt”, và trăm cái yếu điểm cứ thế bày ra, từ thể lực, đến chiến thuật, và tâm lý thi đấu?

 

Trong khi đó, hãy nhìn thử sang Thái Lan, xem họ đã làm gì? Họ tham dự các giải đấu lớn, hoặc mời các đội bóng mạnh về thi đấu cọ xát. Thua đấy, thất bại đấy, nhưng qua đó họ tích luỹ được nhiều hơn những trận thắng của chúng ta.

 

Bóng đá Thái Lan cũng đã từng sa vào sai lầm “xây nhà từ nóc” như chúng ta, nhưng ít ra, cái “nóc” của họ còn được xây dựng một cách bài bản và đúng hướng, do đó đến bây giờ và vài năm nữa họ vẫn sẽ là ông vua của ĐNÁ. Trong khi đó, “giấc mơ vàng” trong “cái ao trũng” này vẫn là một điều xa xỉ với BĐ VN.

 

Phải chăng đó là sự khác biệt giữa trận thua 0-3 trước Real Madrid và trận thắng 5-0 trước một đội hạng 5 của Áo?

 

Ông Riedl ạ, có lẽ nên xem lại chuyện đi Áo, hoặc ít nhất cũng không nên xem việc đó như là một điều tất nhiên trong kế hoạch tập huấn hằng năm.

 

Vì những chuyến tập huấn chỉ thực sự thành công khi nó được thể hiện trên sân cỏ, chứ không phải bằng những tin chiến thắng đậm đà hay những đánh giá khó kiểm chứng kiểu như “thể lực các cầu thủ đã được nâng lên đáng kể” hay “tinh thần của cả đội là rất tốt”.

 

Hồng Kỹ