1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Theo Dòng: Nhìn & Ngẫm

“Thôi chết rồi, Anh thua”

(Dân trí) - “Thôi chết rồi, Anh thua”, sáng sớm nay giọng cô gái hổn hển với tôi qua điện thoại. Cô buồn! Tôi buồn! Và trong nỗi buồn ấy lại miên man nghĩ về trách nhiệm của một người cầm bút.

Anh thua vì cái mô đất chết chóc ở Maksimir. Anh thua vì cái mô hình 5-3-2  phá sản. Anh thua vì cái đầu "quái kiệt" của Da silva đã “mọc”  vào đúng lúc cả một rừng người bị chôn chân. Và Anh thua vì cú phá bóng của Robinson đã bị biến dạng trong cái chân phải tội đồ….

 

Nhưng điều tôi muốn nói ở đây không phải là chuyện Anh thua, mà là chuyện của những fan hâm mộ đã buồn, đã rơi nước mắt khi biết chuyện Anh thua. Cú điện thoại sáng nay của một cô gái quen, giọng nói hổn hển như là sắp khóc của cô cứ khiến tôi nghĩ mãi.

 

Chẳng biết là những Mclaren, những Wayney Rooney, Gary Neville… có biết là  ở một nơi cách Maksimir hàng ngàn dặm, trong những khu phố tồi tàn của những số kiếp tồi tàn lại có những người âm thầm theo dõi những bước chân của họ? Để rồi hạnh phúc khi họ chiến thắng? Mất ăn mất ngủ khi họ thất bại?

 

Chẳng biết là họ có biết được, hoặc ít ra là hình dung được cái giọng nói hổn hển cùng một nỗi buồn mênh mang của cô bạn tôi buổi sáng nay?

 

Cô gái có đôi mắt sáng, có ánh nhìn trong trẻo và mái tóc mộng mơ. Cô gái có một số phận hẩm hiu, có những gánh nặng phải mang vác và có những nỗi đau riêng không thể nói thành lời. Nhưng cô yêu bóng đá, tin vào những thứ giá trị trong trẻo của bóng đá. Cô yêu màu áo trắng tinh khôi của ĐT Anh, những cú bứt phá của Rooney và những đường chuyền dài của Becks…

 

Nhưng đêm qua Anh “chết”. Và đêm qua cô buồn.

 

Từ nỗi buồn ấy, từ cái niềm tin tan vỡ trong cái đêm Maksimir lạnh lùng ấy tôi bỗng nhớ một câu chuyện của mình cách đây 6 năm. Hồi đó, khi mới bước chân vào nghề báo và mới tập toẹ viết những bài báo đầu tiên, một bậc “trưởng lão” trong nghề có hỏi tôi hai câu: “Giá trị đích thực của bóng đá là gì?” và “giá trị đích thực của một người cầm bút là gì?”

 

Rồi ông điềm đạm trả lời: Bóng đá mang trong nó giá trị cứu rỗi, vì ở bóng đá người ta có thể nhìn thấy những niềm tin mà cuộc đời không bao giờ có được. Và người cầm bút phải có trách nhiệm nuôi nấng, vun đắp niềm tin ấy.

 

Vâng, niềm tin và sự cứu rỗi!

 

“Thôi chết rồi, Anh thua”, tôi chỉ có thể lặng im trước một nỗi buồn se sắt ấy. Sự lặng im có một cái gì đó như bất lực.

 

Thế thì có lỗi gì không?

 

Phan Đăng