“Thiếu gia” Navibank SG bao giờ khởi sắc?
(Dân trí) - Được đầu tư tốn kém trong suốt 3 mùa bóng qua, nhưng Navibank SG vẫn cực kỳ lận đận sau 6 vòng đấu đầu tiên của giải VĐQG 2012. Điều đáng nói hơn nữa là chẳng ai dám chắc giai đoạn lận đận của đội bóng thành phố bao giờ sẽ chấm dứt?
Mới thắng 1 trận, được 5 điểm, đứng thứ 3 từ… dưới đếm lên chắc chắn không phải là thành tích mà Navibank SG mong đợi. Đấy là chưa tính đến chuyện Navibank SG còn sớm bị loại khỏi cúp quốc gia, dù họ dự giải với tư cách là ĐKVĐ.
Đội bóng thành phố được gọi là “thiếu gia” của làng cầu Việt Nam xuất phát từ mức độ chịu chi trong suốt 3 năm qua, từ lúc những ông chủ ngành ngân hàng mua lại phiên hiệu từ QK4, đến chuyện mua sắm cầu thủ và cả HLV ào ạt ở các mùa giải 2011 và 2012.
Người ta đã nói khá nhiều đến vai trò của HLV Phạm Công Lộc trong thời gian qua. Bản thân lãnh đạo đội bóng thành phố cũng mong đợi ông Lộc xây dựng cho Navibank SG một lối chơi hừng hực lửa như khi ông còn dẫn dắt CS.Đồng Tháp.
Nhưng cho đến giờ, ông Lộc vẫn không thoát khỏi cái “dớp” của những người Đồng Tháp khi rời đất Cao Lãnh: Lu mờ dần cùng với thời gian.
Trước ông Lộc có rất nhiều ngôi sao không còn tỏa sáng khi rời CS.Đồng Tháp như Phan Thanh Bình, Châu Phong Hòa, Nguyễn Quý Sửu, Dương Văn Pho. Trước nữa là Trung Vĩnh, Minh Nghĩa, Vĩnh Nghi, Duy Quang… Dù thời còn ở Đồng Tháp, những cầu thủ trên đều được đánh giá là giàu triển vọng bậc nhất Việt Nam.
Trong hàng ngũ HLV cũng có không ít nhà chuyên môn thành công ở Đồng Tháp nhưng không thể thành công ở nơi khác, trước ông Lộc có Trần Công Minh (ĐT Long An), Phạm Anh Tuấn (Tây Ninh), Đoàn Minh Xương (V.Ninh Bình)…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nhưng nguyên nhân lớn nhất có lẽ là do môi trường ở các CLB bên ngoài đất Cao Lãnh khác rất xa so với môi trường làm việc tại CS.Đồng Tháp, nơi đội bóng luôn là một khối thống nhất.
Ở các đội bóng bên ngoài Đồng Tháp, nhất là anh nhà giàu kiểu Navibank SG luôn có lắm chuyện nội bộ. Thực tế là từ khi về với Navibank SG, ông Lộc không hề giấu giếm ý định xây dựng một mô hình CS.Đồng Tháp thu nhỏ nơi đội bóng thành phố, dựa vào nòng cốt là một loạt cầu thủ gốc Đồng Tháp có sẵn trong đội bóng.
Nhưng ngặt nỗi, như đã nói ở trên, bản thân các cựu cầu thủ của bóng đá Đồng Tháp cũng không còn chơi hay sau khi họ đã rời đất Cao Lãnh, nên bộ khung này không thể giúp ông thầy “ruột” của mình tạo nên một đội bóng tốt.
HLV Phạm Công Lộc thực hiện theo đúng mong muốn của lãnh đạo đội bóng, đấy là xây dựng cho Navibank SG lối chơi hao hao giống CS.Đồng Tháp, tức là dựa nhiều vào thể lực và tốc độ trong các pha lên bóng.
Tuy nhiên, ý đồ này cũng chưa thành hiện thực vì thể lực của các cầu thủ Navibank SG kém xa các cầu thủ CS.Đồng Tháp, nhất là nhóm cầu thủ chưa bao giờ nổi tiếng ở sự mạnh mẽ như Tài Em, Anh Tuấn, Long Giang, Aniekan…
Vả lại, ở sân Thống Nhất, Navibank SG không bao giờ có được cái lợi thế dùng cái nắng gay gắt nhằm vắt kiệt sức đối thủ như CS.Đồng Tháp vẫn có ở sân Cao Lãnh. Thế nên, cùng một lối chơi, nhưng HLV Phạm Công Lộc không thể mang lại thành công cho Navibank SG, dù ông đã từng thành công với CS.Đồng Tháp.
Thành ra, để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi chừng nào Navibank SG khởi sắc? Cũng là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi bao giờ thì những ngôi sao của bóng đá Đồng Tháp tỏa sáng sau khi rời Đồng Tháp? Mà thời gian dành cho sự thay đổi đó chắc chắn cũng chẳng ngắn.
Bây giờ thì người ta cũng bắt đầu hiểu tại sao trong ngày xuất quân, lãnh đạo CLB Navibank SG đề ra một chỉ tiêu rất chung chung: Phấn đấu đạt thành tích cao nhất có thể. Thay vì nói thẳng là vào top này hay top kia.
Kim Điền