Thể thao Việt Nam năm 2013: Hướng đến SEA Games 27 và xa hơn nữa
(Dân trí) - Sau khi Việt Nam chính thức giành quyền đăng cai Asiad 18 năm 2019, SEA Games 27 diễn ra vào cuối năm nay được xem là dịp để thể thao nước nhà hoạch định lại chiến lược, mục tiêu, chuẩn bị lực lượng cho 7 năm tới.
Thể thao Việt Nam cần một kế hoạch dài hơi hướng đến ASIAD 2019
Tuy nhiên, việc cứ mãi chạy theo thành tích ở sân chơi được ví là “ao làng” như SEA Games, đang khiến TTVN tụt hậu. Ở những kỳ Asiad hay Olympic gần nhất, TTVN đều thất bại nặng nề, cho thấy, nếu cứ tiếp tục lấy SEA Games làm đích ngắm cho sự phát triển của cả một nền thể thao, chúng ta sẽ không thể theo kịp được với thế giới.
Sau Asiad 2010, TTVN đã có hẳn một chiến lược phát triển đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Chiến lược đã vạch ra một con đường để TTVN phát triển vững chắc. Cụ thể tại SEA Games, TTVN vẫn phải duy trì trong tốp 3, tốp 10-15 tại Asiad, đặc biệt là phấn đấu có HCV Olympic năm 2016.
Những nhà chuyên môn đều thừa nhận, chiến lược phát triển này có nhiều ưu điểm và thể hiện rõ được nhiều mặt của TTVN. Tuy nhiên, để từ chiến lược tới thực tế là cả một câu chuyện dài. Nguyên Vụ trưởng vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh chỉ ra rằng, những gì mà ngành thể thao đầu tư cho các VĐV trọng điểm thời gian qua, còn rất hời hợt. So sánh là khập khiễng nhưng so với sự đầu tư cho 1 VĐV đoạt huy chương với các nước, TTVN vẫn còn thua xa.
Trong thể thao thành tích cao, chiến lược được xem là sợi chỉ đỏ dẫn đường, nhưng đầu tư mới quyết định đến thành công. Chỉ có đầu tư trọng điểm, mới mong cải thiện được thành tích và khi chúng ta chưa giải quyết được bài toán này, đừng mong có huy chương ở sân chơi Olympic. Đầu tư trọng điểm ở đây, theo ông Minh, chính là lựa chọn những môn mũi nhọn để tập trung, thậm chí chỉ là 2-3 môn.
Những môn Olympic như bơi lội cần được đầu tư mạnh mẽ hơn
Thể thao thành tích cao luôn đòi hỏi phải có sự chuẩn bị từ cấp cơ sở. Mục tiêu phát triển thể lực và tầm vóc của người Việt Nam, phát triển thể thao trong trường học, làm nền tảng cho thể thao thành tích cao. Đây là vấn đề mang tính xã hội, mang tính trọng điểm, cần được toàn xã hội tham gia. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo giáo dục thể chất trong trường học đã được đặt ra từ cách đây 20-30 năm nhưng giải quyết nó không phải đơn giản.
Thực tế tại Olympic 2012, thành công của người Mỹ được chỉ ra rằng, có vai trò rất lớn từ thể thao học đường. Các trường học đã giúp đoàn thể thao Mỹ đoạt hơn 80 huy chương tại Olympic London. Nổi bật nhất là Đại học Southern California (USC) với 24 huy chương các loại. Thống kê đó cho thấy, để có một nền thể thao phát triển, chúng ta phải có những chiến lược ngay từ nhà trường để tạo nên những chân đế vững chắc.
Tuy nhiên, nhìn vào các trường học Việt Nam, từ tiểu học, trung học cho tới Đại học, có bói mỏi con mắt cũng không tìm nổi một môn thể thao nào được áp dụng thành công, tạo sự ham mê tập luyện cho các học sinh, sinh viên. Trong giáo trình đào tạo thể chất ở các nhà trường Việt Nam người ta thấy môn nào cũng có, nhưng chẳng nâng cao, chẳng chuyên sâu, mỗi thứ một tí.
Phát triển thể thao học đường sẽ giúp cho khâu đầu vào của ngành thể thao là tuyển chọn VĐV trẻ dễ dàng hơn. Quan trọng, các VĐV đã có sự chuyên nghiệp ngay khi bước vào tập luyện trên tuyển. Họ cũng có sự cạnh tranh bởi sau mỗi năm, sẽ có nhiều lứa mới bổ sung. Nhìn chung, để giúp TTVN phát triển, chúng ta cần có sự chuẩn bị dài hơi. Việc đăng cai Asiad sẽ là cơ hội để Việt Nam chuẩn bị lực lượng ngay từ bây giờ. Vì thế, SEA Games vẫn phải tham dự, nhưng cách tham dự của TTVN cần có sự thay đổi. Cụ thể là tập trung đầu tư cho các VĐV trẻ, tham dự ở các môn nằm trong hệ thống Olympic.
Hiểu Minh