Thất bại của U23 Việt Nam trước Thái Lan có mang lại hiệu ứng xấu?
(Dân trí) - Bóng đá Việt Nam thua Thái Lan, đấy không phải là chuyện lạ, vì trình độ giữa 2 bên vẫn có khoảng cách. Vấn đề nằm ở chỗ, cái thua mà đoàn quân của HLV Miura vừa nhận dường như đã được xác định trước, nên cái thua đấy không gây ra sự tuyệt vọng...
Đội hình 2 thua đội hình 2
Đây là trận đấu mà cả hai bên đều dùng đội hình phụ để giao đấu với nhau. Thành ra, có thể xem đây là dịp để người ta đánh giá trình độ của dàn cầu thủ dự bị của đôi bên. Và câu trả lời là trình độ của cầu thủ Thái hơn cầu thủ Việt Nam (chí ít là khi so thành phần phụ của 2 đội).
Cái đấy cũng chẳng có gì lạ, vì sẽ là hoang đường nếu cho rằng trình độ của bóng đá Việt Nam hiện tại đã bắt kịp trình độ của bóng đá Thái Lan. Người Thái đã vào đến bán kết Asiad, có thể đủ sức thi đấu ngang ngửa với đại diện của nhiều nền bóng đá hàng đầu châu lục như Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc,… ở cả cấp độ đội tuyển lẫn cấp độ CLB, thì chắc chắn phải trên tầm bóng đá Việt Nam.
Thua một đội bóng như thế, có khi cũng là bình thường. Đấy là nói về nguyên nhân khách quan. Còn bàn về nguyên nhân chủ quan, phải xem cách tiếp cận trận đấu này của đôi bên. U23 Thái Lan cũng dùng thành phần phụ, nhưng quyết tâm chiến thắng của họ thì thể hiện rõ.
Ngược lại, U23 Việt Nam dường như không đặt nặng chuyện thắng – thua trong trận này. Cũng là xáo trộn, nhưng lần đầu tiên tại giải năm nay, HLV Miura thay thủ môn Minh Long – người luôn cố định suất đứng trong khung thành ở cả 4 trận trước, bất chấp những biến chuyển về lực lượng phía trên anh.
Thông thường thì một đội bóng chỉ thay thủ môn một khi đội bóng đấy không xem trọng kết quả, nên nhìn cách bố trí đội hình của HLV Miura trong trận đấu với U23 Thái Lan, thấy ngay vị HLV người Nhật không hướng đến việc đánh bại đội bóng đất Chùa Vàng ngay ở thời điểm này.
Và cách chơi của U23 Việt Nam cũng khác với 4 trận trước đó, nhất là rất khác so với khi đá với Malaysia. Cầu thủ của ta không áp sáp, cũng không tranh bóng quyết liệt, không giống với thói quen dưới thời HLV Miura.
Họ không tranh chấp là có mục đích, vì họ ngại dính thẻ và dính chấn thương không cần thiết. Đá với đội mạnh hơn mình, kỹ thuật hơn mình mà không áp sát, thì rõ ràng không khó đoán kết quả, cũng khó đoán đội bóng chủ động không áp sát thực sự muốn gì!
Thấy điểm mạnh của họ và thấy điểm yếu của mình
HLV Miura đã tranh thủ một trận đấu không quan trọng về mặt kết quả để cố gắng đánh giá điểm mạnh của Thái Lan và điểm yếu của chính đội tuyển U23 Việt Nam.
Điểm mạnh của người Thái thì rõ rồi: Chất lượng kỹ thuật của họ hơn chúng ta, chất lượng con người cũng hơn. Các mảng miếng phối hợp của U23 Thái Lan được thực hiện nhuần nhuyễn dựa trên nền tảng kỹ thuật cao. Cầu thủ của họ đi bóng vừa nhanh và khéo là nhờ kỹ thuật, cầu thủ của họ dứt điểm vừa hiểm vừa căng cũng dựa trên kỹ thuật.
Biết họ mạnh như vậy để nếu có lỡ gặp lại họ, U23 Việt Nam chắc chắn sẽ đá khác, từ đội hình cho đến thái độ tiếp cận trận đấu. Khi đó, chắc chắn đoàn quân của HLV Miura sẽ không cho đối phương nhiều khoảng trống như bây giờ.
Còn về điểm yếu của U23 Việt Nam, như đã nói trước đây, chúng ta vẫn còn những khiếm khuyết đáng kể. Đấy là sự thiếu tập trung ở thời điểm đầu và cuối mỗi hiệp đấu, xuất phát từ thói quen nghiệp dư. Đấy là những lỗi cá nhân như kiểu Tiến Dũng đột nhiên trượt chân rồi phạm lỗi với đối phương trung khu cấm địa, và đấy còn là việc các hậu vệ biên ít biết… leo biên.
Những nhược điểm trên cần được điều chỉnh, bởi trước mắt là giai đoạn knock-out vốn không cho phép người ta có sai số nữa rồi, vì sai số cũng đồng nghĩa với việc không cơ hội sửa chữa, đồng nghĩa với việc bị loại.
Thua một trận đấu vô nghĩa về mặt kết quả nhưng giúp cho đoàn quân của HLV Miura phát hiện ra những thiếu sót của mình để mà điều chỉnh hóa ra đâu phải không có lợi! Việc biết mình yếu chỗ nào đôi khi cũng quan trọng chẳng kém việc biết đối phương mạnh chỗ nào. HLV Kỳ cựu Nguyễn Thành Vinh nói U23 Việt Nam thua Thái Lan hôm qua có khi lại hay có lẽ cũng là vị vậy!
Trọng Vũ