Thái Lan lên kế hoạch World Cup, bóng đá Việt Nam loay hoay với “lái trưởng”
(Dân trí) - Trong khi Thái Lan tuyên bố dồn sức cho việc tranh vé dự VCK World Cup, thì bóng đá Việt Nam vẫn quanh quẩn với các mục tiêu ngắn hạn. Một nền bóng đá ở đấy có ông chủ tịch hay vắng ông chủ tịch liên đoàn cấp quốc gia cũng không khác nhau thì mong gì đến chiến lược!
Không rõ tầm nhìn
Quay trở lại với vấn đề của người Thái, thật ra đặt trường hợp họ chỉ hướng đến mục tiêu World Cup theo kiểu phấn đấu kiếm thứ hạng cao nhất có thể, trong khi vẫn song song nhắm đến ngôi đầu AFF Cup, thì có lẽ đấy cũng không phải là cách ứng xử lạ với làng cầu Đông Nam Á.
Nhưng Thái Lan lại dõng dạc tuyên bố sẽ đoạt vé dự VCK World Cup, và xem đây là thời cơ lịch sử mà người Thái bắt buộc phải dồn sức, qua đó mới thấy được quyết tâm của họ, và cũng chứng minh họ có lộ trình rõ ràng cho mục tiêu này.
Chiến dịch “bước chân vĩ đại” (như tuyên bố của HLV Kiatisuk) hướng đến VCK World Cup 2018 của Thái Lan thực tế đã được bắt đầu từ khi nền bóng đá này giành lại bộ HCV SEA Games 2013 từ tay Malaysia (đội 2 lần vô địch trước đó).
Đến sau AFF Cup 2014 thì HLV Kiatisuk nói luôn, nói trước khi đồng ý ký tiếp hợp đồng mới với Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT): “2 mục tiêu lớn trong vòng vài năm tới của chúng tôi là giành vé dự Olympic Rio 2016 và vào VCK World Cup 2018”.
Chiến dịch đến Olympic Rio đã thất bại, nhưng người Thái không nản lòng. Họ vẫn kiên định theo đuổi trình độ của bóng đá châu lục, thông qua vé dự VCK World Cup, tức là vươn ra khỏi “ao làng” Đông Nam Á.
Ở đây không nên xoáy sâu vào chuyện Thái Lan rồi có thực hiện nổi mục tiêu của mình hay không? – Mà nên nhìn ở khía cạnh họ dám lên kế hoạch, từng bước thực hiện kế hoạch ấy và thực hiện rất bài bản, xuyên suốt.
Nền bóng đá thiếu chiến lược
Đó cũng là khác biệt cực lớn của bóng đá Việt Nam với bóng đá Thái Lan. Người làm bóng đá Việt Nam miệng thì bảo khát khao vươn ra khỏi Đông Nam Á, nhưng khi đặt mục tiêu thì chỉ nhắm đến cái đích ngắn hạn.
Ví dụ như khi đá VCK U23 châu Á, thay vì xem đấy là nơi đặt nền móng để khởi động cho việc tiếp cận trình độ châu Á, thì chúng ta lại dùng sân chơi châu Á, chuẩn bị lực lượng cho SEA Games, rồi sẵn sàng sa thải HLV Miura vốn không được lòng vị quan chức trước sau vẫn bảo lưu quan điểm phải dùng quân của quan chức đấy mới có vàng SEA Games. Cho dù, chính HLV Miura là người đang giúp cho bóng đá Việt Nam mang tâm thế khác ở sân chơi cấp châu lục trở lên.
Cầu thủ Việt Nam lối đá nào cũng học, nhưng hình như chẳng thuần thục bất cứ lối chơi nào (ảnh: Gia Hưng)
Chiến lược của bóng đá Việt Nam là gì khi từ lối chơi, con người, cho đến cách điều hành cứ tít mù rồi lại vòng quanh? – Ví như câu chuyện HLV cho đội tuyển. Việc chọn HLV nội sau sự cố sa thải HLV Miura bằng phương pháp biểu quyết tập thể không giống ai thật ra chỉ là giải pháp tình thế, chứ bảo đấy là chiến lược để xây dựng một phong thái mới là không đúng!
Mà cũng nhân nói về phong thái và lối chơi, nếu như Thái Lan bây giờ đã định hình xong lối chơi nhanh, mạnh, ít chạm, dựa trên sự tiến bộ về mặt lực, kỹ thuật, tư duy chiến thuật và thể hình, dựa vào nguồn nhân lực được chuẩn bị từ 10 – 15 năm trước, thì bóng đá Việt Nam hết chơi tấn công, lại đến đá phản công, hết học kiểu Arsenal lại quay sang bắt chước tiqui-taka. Mà hình như chẳng có lối đá nào trong số ấy chúng ta thuần thục.
Rồi làm sao có sự thuần thục một khi chúng ta chưa hề có định dạng để ổn định giải quốc nội, ổn định công tác đào tạo trẻ, hoặc chưa chuẩn hóa đội ngũ làm công tác huấn luyện (thành ra mới có chuyện các CLB lách luật cho người không có bằng cấp làm “lái trưởng” với chức danh Giám đốc kỹ thuật, dù thực chất vai trò không khác HLV)?
Và lấy đâu ra sự chuẩn hóa một khi ông chủ tịch của cơ quan quyền lực cao nhất bóng đá nội suốt 2 năm tại vị không có lấy nổi sáng kiến nào coi được, cũng không hề đề ra bất cứ tầm nhìn hay chiến lược nào mang tính khả thi? Thay vào đó, việc mà người ta thường thấy (chính xác là thường nghe) nhất nơi vị chủ tịch liên đoàn bóng đá cấp quốc gia là hàng loạt phát biểu mang tính ăn theo sự kiện.
Lạ một điều nữa, lúc ông chủ tịch VFF sung sức là vậy, đến khi ông gần như lui vào hậu cảnh vì lý do sức khỏe, công tác điều hành cũng không khác là mấy. Một nền bóng đá mà ai điều hành cũng giống nhau thì không rơi vào tình trạng quanh quẩn, rồi lại quẩn quanh mới là lạ!
Trọng Vũ