Xung quanh vụ 4 ngoại binh của SLNA bị "Phân biệt chủng tộc":

Tăng sức ép để đòi tiền lương?

Đã có những thông tin về việc 4 cầu thủ châu Phi của CLB Pjico SLNA đã không đồng ý gia hạn (Duncan, Jabulani) hoặc đề nghị thanh lý hợp đồng trước thời hạn (Alphonse, Omondi) vì bị xúc phạm và phân biệt chủng tộc. Nhưng liệu đó có phải là lý do thật?

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân khiến 4 ngoại binh phản ứng quyết liệt như vậy là do chuyện đến thời điểm này, CLB mới chỉ thanh toán được 1/3 số tiền lương và các cầu thủ này đã không còn con đường nào khác ngoài việc cầu cứu báo chí.

 

Cách đây một tuần, phía CLB Pjico SLNA đã xúc tiến việc mời thủ môn Duncan và tiền vệ Jabulani ký 1 năm sau khi hợp đồng cũ đã hết hạn. Riêng hợp đồng của trung vệ Alphonse và tiền đạo Omondi vẫn còn thời hạn đến hết mùa bóng 2006.

 

Tuy nhiên, phía các cầu thủ đã thỏa thuận và thống nhất với nhau trong việc ra tối hậu thư cho GĐĐH Ngô Xuân Thọ, mọi việc chỉ tiếp tục sau khi họ được thanh toán 70% số tiền lương mà CLB vẫn còn nợ.

 

Trong ngày hôm qua, chúng tôi đã liên lạc với Chủ tịch CLB Trịnh Thành Tài, GĐĐH Ngô Xuân Thọ và được biết việc CLB chưa trả hết tiền lương thưởng cho các cầu thủ là đúng, tuy nhiên CLB không hề có chủ trương trì hoãn mà nguyên nhân là do phía nhà tài trợ Pjico thường chuyển tiền chậm (hiện doanh nghiệp này đang phải ổn định tổ chức và sắp xếp lại nhân sự sau khi TGĐ và Phó TGĐ bị bắt do nhận hối lộ).

 

Lãnh đạo CLB cũng đã thông tin đến 4 cầu thủ ngoại và mong họ thông cảm vì trên thực tế, có thời điểm các cầu thủ nội và là trụ cột của đội bóng cũng vướng phải hoàn cảnh tương tự vì lý do nói trên.

 

Về mặt chuyên môn, CLB cũng thống nhất sẽ gia hạn hợp đồng với Duncan, Jabulani cũng như tiếp tục thực hiện hết thời hạn hợp đồng của Alphonse, Omondi.

 

Về việc có một số thành viên BHL, đặc biệt là HLV Nguyễn Xuân Thủy thường xuyên gọi các ngoại binh là “thằng đen”, lãnh đạo CLB Pjico SLNA khẳng định: Tất cả chỉ xuất phát từ thói quen (?) và các cầu thủ cũng hay gọi những đồng đội đến từ châu Phi như vậy nhưng không có hàm ý xúc phạm hay lăng mạ.

 

Việc phân biệt đối xử trong chữa trị chấn thương và chăm sóc y tế là không có thật. Các cầu thủ nói trên cũng chưa bao giờ phản ánh trực tiếp với lãnh đạo và các đồng đội. Việc họ đe dọa kiện lên FIFA làm chúng tôi thật sự bất ngờ.

 

Một thành viên BHL thì giải thích: “Chúng nó (ám chỉ 4 cầu thủ châu Phi – PV) làm thế chẳng qua chỉ muốn tăng độ ép-phê, qua đó gia tăng sức ép để CLB thanh toán toàn bộ tiền lương. Theo những thông tin mà chúng tôi có được, ít nhất 2 trong số này đang tìm mọi cách để ra đi khỏi CLB khi mùa bóng kết thúc để đầu quân cho CLB khác tại V-League và giải hạng Nhất”.

 

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi liệu có phải chính vì thế mà CLB đã chủ trương trì hoãn thanh toán lương cho các cầu thủ không thể tự ý ra đi thì nhân vật này lại từ chối không trả lời.

 

Sự việc có hay không những lời lẽ “phân biệt chủng tộc” và nếu có thì mức độ đến đâu đã được Chủ tịch CLB Trịnh Thành Tài hứa sẽ triển khai làm rõ. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, đây cũng là một hồi chuông cảnh báo tình trạng các CĐV, VĐV và thậm chí cả một số lãnh đạo các CLB V-League và hạng Nhất trên thực tế trong thời gian qua đã có những lời lẽ và cử chỉ coi thường, thậm chí miệt thị các cầu thủ da đen.

 

BTC các giải V-League và hạng Nhất cũng cần phải bổ sung những điều khoản quy định cụ thể theo hướng phạt nặng những vi phạm của những bên liên quan đến việc xúc phạm và phân biệt chủng tộc.

 

Đây cũng là xu hướng chung của nền bóng đá chuyên nghiệp khi mà ngày càng có nhiều cầu thủ nước ngoài (đặc biệt là châu Phi) đến Việt Nam thi đấu cũng như những quy định của FIFA.

 

Ngoài ra, cũng cần thiết phải thành lập nghiệp đoàn các cầu thủ hoặc VFF có một phòng, ban đại diện cho tiếng nói của các cầu thủ để bênh vực cho những quyền lợi chính đáng của họ, trong đó có việc được trả lương đầy đủ và đúng thời hạn. 

 

Theo An Hưng

 Sài Gòn giải phỏng