Chào mừng Kỷ niệm 67 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2013)

Tản mạn những câu chuyện thể thao

(Dân trí) - Thể thao Việt Nam (TTVN) dù có sự tiến bộ đáng kể thời gian qua, nhưngnhững thành công đạt được vẫn chưa đáp lại sự kỳ vọng của người hâm mộ.Cần phải có sự thay đổi mang tính đột phá, đó chính là điều kiện tiên quyết để đưa TTVN vươn lên tầm thế giới.

Vui buồn với nghiệp VĐV

Đa số những ai đã trót theo đuổi nghiệp VĐV, dù gian khổ đến đâu nhưng cũng không thay đổi quyết định nếu được lựa chọn lại. Với họ, tình yêu với thể thao đã ăn vào máu từ khi còn nhỏ. Đến với thể thao, tất cả đều chỉ suy nghĩ đơn giản như vậy, chứ không chỉ đơn thuần chỉ là một cái nghề để nuôi sống bản thân và gia đình. Ở hoàn cảnh nào thì họ cũng thật đáng quý, đáng trân trọng.
 
Theo nghiệp thể thao là điều không đơn giản

Theo nghiệp thể thao là điều không đơn giản

Các nước phát triển đều có một hệ thống luyện tập, đào tạo, thi đấu, tuyển chọn vô cùng khoa học và đặc biệt là phổ cập đến tất cả mọi lứa tuổi, thành phần, địa phương. Đặc biệt, những ai theo nghiệp thể thao, đều được chăm lo kỹ càng và chỉ chuyên tâm tới việc nâng cao thành tích. Thế nhưng ở Việt Nam, VĐV của ta vốn không được chăm sóc bằng chế độ chuyện biệt từ nhỏ, đương nhiên không thể giúp tạo nên sự khác biệt về thể chất. Đến khi bước vào đỉnh cao, chúng ta cũng không tạo ra được một lực bật đủ mạnh để bứt hẳn lên sánh ngang với các đồng nghiệp thế giới. Công tác xã hội hóa mới chỉ hiệu quả ở 1 số môn như bóng đá, bóng chuyền. Phần còn lại, đa số phải tự mưu sinh, lấy nghề tay phải, tay trái để nuôi nghiệp.

Sự thiệt thòi, khó khăn như vậy nên cũng ít người thành danh, có chăng chỉ một vài năm rồi lại chìm nghỉm vì sự đầu tư của ngành thể thao là quá khiêm tốn và chỉ mang tính thời điểm. Nhìn đâu xa, đến bữa ăn và chế độ thuốc bổ cũng chỉ được tăng cường trước khoảng 1 tháng mỗi kỳ Đại hội lớn. Cách làm này chỉ mang tính động viên là chính bởi sự đầu tư nào cũng cần phải có quá trình.

Đem câu hỏi hỏi các VĐV rằng: “Lương mỗi tháng được nhận bao nhiêu?”Đa số đều trả lời “ít lắm”, hoặc là im lặng. Những VĐV có đôi chút thành tích quốc tế còn đỡ, còn với các VĐV trẻ thì thật sự đáng buồn. Rất nhiều VĐV, hoặc là từ bỏ nghề để tìm con đường mưu sinh khác, hoặc là cố bám trụ với nghề. Có những người vì thể thao mà chấn thương, tàn tật suốt đời nhưng được quan tâm, đền bù chẳng đáng là bao. Sau vinh quang, thể thao Việt Nam đã lãng quên họ, đó là một thực tế phũ phàng.

Liên tiếp những thành công của các VĐV trẻ trong thời gian qua như trường hợp của Anh Khôi (cờ vua), Ánh Viên, Quý Phước, Kim Tuyến (bơi), Hoàng Nam (quần vợt)...để lại nhiều tín hiệu mừng. Nhưng tất cả mới chỉ là bắt đầu, những tài năng đó cần được chăm lo một cách đặc biệt nhất.
 
Thể thao Việt Nam cần có những đột phá

Thể thao Việt Nam cần có những đột phá

Thực trạng

Với thể thao, thi đấu cọ xát quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng nhất để giúp một VĐV tiến bộ, ai cũng biết như vậy nhưng chính sách chia đều kinh phí cho vài chục môn đã làm thành tích của VĐV dừng lại mà lẽ ra họ có thể tiến bộ rất nhanh. Thực tế trên đã và đang khiến cho tiềm năng lớn ở nhiều môn chưa được phát huy, thậm chí phần nào là đang lãng phí. Vai trò của Nhà nước vẫn khá mờ nhạt, thậm chí có sự chuyển biến nhưng lại rất thiếu hiệu quả. Trong khi đó, công tác xã hội hóa vẫn còn nhiều hạn chế, là một trong những nguyên nhân khiến TTVN chưa thể bứt lên được. Nói gì thì nói, “có thực mới vực được đạo”, một khi nền tảng của sự đầu tư với TTVN vẫn thấp hơn mặt bằng chung, chúng ta khó mơ tranh chấp huy chương ở những sân chơi lớn như Asiad hay Olympic.

Trong suốt một thời gian dài, TTVN đã không đi đúng hướng, mà chỉ chạy theo mục tiêu là những tấm HCV khu vực. Nếu đúng hướng, TTVN sẽ không dàn trải đủ mọi sân chơi từ thấp đến cao như đã làm.

Trong khi đó, hầu như việc tuyển chọn và đào tạo trẻ chỉ nói hay chứ làm lại quá dở, hoặc làm không đến nơi đến chốn. Mặt khác, bệnh thành tích đã trở thành thứ thâm căn cố đế đến mức chi phối tất cả, từ các cuộc thi đấu cấp thấp ở địa phương cho đến việc thi đấu ở nước ngoài mà SEA Games là một minh chứng rõ nhất.

Trong suốt 10 năm qua (kể từ năm 2003), TTVN luôn có mặt trong tốp 3 SEA Games, nhưng mới chỉ có đúng 1 tấm HCB tại Olympic của Hoàng Anh Tuấn năm 2008 (cử tạ). Trong nhiều nguyên nhân khiến TTVN thụt lùi so với bè bạn, đau đớn thay chiến lược mang tính vĩ mô lại tác động không nhỏ tới những gì mà chúng ta đạt được ngày hôm nay.

Chờ những đột phá

Trọng tâm của TTVN trong năm 2013 chính là tham dự SEA Games 27 diễn ra tại Myanmar. Ngoài mục tiêu phấn đấu lọt vào tốp đầu, thì SEA Games năm nay chính là bản lề để TTVN chuẩn bị cho những mục tiêu lớn hơn như

Asiad và Olympic. Đặc biệt, trong 6 năm tới, Việt Nam sẽ lần đầu tiên tổ chức một kỳ Á vận hội, nên ngay từ thời điểm này, TTVN phải có những chiến lược, hoạch định mang tính đột phá nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất cho sự kiện thể thao số 1 châu lục này.

Thất bại tại Olympic vừa qua là cơ sở cho quy hoạch và định hướng tương lai các kỳ Olympics sau. Riêng việc tập trung phấn đấu có huy chương là một vấn đề mà chúng ta cần phải tính toán lại cho cụ thể từng môn.

Sau khi Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Chính phủ phê duyệt, ngành thể thao đã tính toán lại các phân nhóm ưu tiên để đầu tư. Lần đầu tiên các đội tuyển quốc gia sẽ được áp dụng 8 nhóm giải pháp khoa học, gồm chuyên môn, quản lý, y học, sinh học, dinh dưỡng, hồi phục, tâm lý giáo dục, công nghệ thông tin. Ngành sẽ thực tiễn hóa 3 đề án chính sách dành cho VĐV, trong đó có chính sách đặc thù, dinh dưỡng và khen thưởng.

6 năm tới Asiad sẽ lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và tất cả đều hy vọng, TTVN sẽ có những đột phá ngay từ bây giờ để chúng ta có thể vừa tổ chức tốt Đại hội, vừa tạo nên một nền tảng vững chắc cho TTVN để có thể tự tin tranh tài ở bất cứ sân chơi nào.

An An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm