Tấm HCĐ trong tiếc nuối của U23 Việt Nam

(Dân trí) - Giá như U23 Việt Nam trong trận bán kết dứt điểm bình tĩnh như trong trận tranh HCĐ. Giá như đoàn quân của HLV Miura đá trận bán kết với cái tâm lý giống trận đấu chiều 15/6, thì có lẽ vị trí của U23 Việt Nam giờ đã khác, vị thế cũng khác.

Giải tỏa được áp lực

So về mặt thế trận, U23 Việt Nam trước U23 Indonesia không có gì khác biệt. Vẫn là lối chơi tấn công hừng hực, vẫn là những đòn đánh được thực hiện từ mọi hướng, và vẫn là hàng loạt cơ hội bắn phá khung thành đối phương.

Chỉ khác duy nhất một điều, đấy là U23 Việt Nam trước Indonesia tận dụng rất tốt các cơ hội mà mình có được, trong khi cách nay 2 ngày thì không. U23 Việt Nam đá với Indonesia có đến 5 bàn thắng, không để thủng lưới lần nào. Trong khi U23 Việt Nam đá với Myanmar chỉ ghi được 1 bàn, nhưng lại để đối phương chọc thủng lưới 2 lần.

U23 Việt Nam hoàn toàn có thể đạt kết quả tốt hơn so với tấm HCB

U23 Việt Nam hoàn toàn có thể đạt kết quả tốt hơn so với tấm HCB

Dĩ nhiên, mỗi đối thủ khác nhau thì tính chất trận đấu sẽ khác nhau. Nhưng có thể thấy một điều rằng U23 Việt Nam nhập cuộc trong trận đấu tranh HCĐ với tâm lý khác so với trận bán kết. Và đấy là vấn đề như từng được đề cập, liên quan đến bản lĩnh.

Trận bán kết có tính chất khác hẳn trận tranh HCĐ. Nói gì thì nói, chiến thắng ở trận bán kết về lý thuyết quan trọng hơn chiến thắng ở trận tranh hạng ba, trong khi cầu thủ Việt Nam mấy năm trở lại đây càng bước vào trận quan trọng càng yếu về mặt tâm lý.

Đây là điều cần phải thay đổi, thông qua việc tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ được cọ xát nhiều hơn, ở những môi trường khắc nghiệt hơn như V-League, hay các giải đấu quốc tế. Mà đấy là vấn đề không chỉ thuộc phạm vi giải quyết của đội bóng riêng lẻ, mà là vấn đề mang tầm chiến lược của cả nền bóng đá.

Làm thế nào để khâu sử dụng cầu thủ trẻ không chỉ mang tính hình thức, mà phải mang tính bắt buộc ở tầm CLB là điều mà những người làm bóng đá Việt Nam phải tính.

Tại sao cầu thủ SL Nghệ An thường là trụ cột ở các đội tuyển quốc gia, tại sao cầu thủ xứ Nghệ luôn tỏ ra điềm tĩnh hơn đại đa số cầu thủ xuất phát từ các CLB khác là điều cần được suy ngẫm? Cầu thủ SL Nghệ An lạnh lùng và bản lĩnh hơn cầu thủ đến từ các địa phương khác chủ yếu xuất phát từ chỗ đội bóng xứ Nghệ vốn lâu nay có truyền thống sử dụng cầu thủ trẻ, trong khi vài CLB khác chỉ làm theo kiểu hình thức.

Nhìn thấy một con đường

Nếu đặt câu hỏi người hâm mộ có buồn vì đội tuyển U23 Việt Nam tại SEA Games lần này hay không? - Câu trả lời chắc chắn là có, nhất là sau trận bán kết thua tức tưởi trước U23 Myanmar.

Nhưng ngay cả khi thất vọng, cũng không thể phủ nhận những nét tích cực của đội bóng trong tay HLV Miura. Đấy là đội bóng theo như HLV Nguyễn Thành Vinh, được xây dựng kỷ luật nhất so với nhiều đội tuyển của bóng đá nội trong nhiều năm trở lại đây.

Đúng là có thất vọng với U23 Việt Nam khi đội không thể vào chung kết, khi đội thua đau đớn trước U23 Myanmar ở bán kết. Nhưng không thể vì sự thất vọng đấy mà bảo rằng đội bóng của HLV Miura chơi không đường không nét.

Công bằng mà nói, đội bóng này đá có đường có nét đấy chứ, bằng chứng là chúng ta tạo được nhiều cơ hội trong 2 trận mang tính knock-out trước Myanmar và Indonesia. Còn chuyện tận dụng cơ hội như thế nào thuộc về phạm trù khác, thuộc về tính hiệu quả của các chân sút và phụ thuộc vào bản lĩnh của các thành viên trong đội bóng.

Mà về mặt này, như đã phân tích trước đó, U23 Việt Nam yếu vì những yếu kém từ cái nền là giải quốc nội èo uột nhiều năm qua. Đem tất cả những yếu kém của cái nền là giải quốc nội đổ hết lên đầu đội bóng của HLV Miura nói chung và bản thân vị HLV người Nhật nói riêng có khi thật không công bằng.

Dù gì thì HLV Miura đã mang về cho bóng đá nội tấm huy chương đầu tiên sau 2 kỳ SEA Games 2011 (thua trong trận tranh hạng ba) và 2013 (bị loại ngay vòng bảng) toàn trắng tay, nên ông Miura xứng đáng có được sự kiên nhẫn của những người đang làm công tác quản lý nền bóng đá.

Kim Điền