Sven, chán ông lắm rồi!
“Hay như Brazil! Mạnh bằng Brazil”. Dừng ngay những lời hợm hĩnh! Và hãy chấp nhận thực tế, đối mặt với Sven, kẻ khiến cả nước Anh xấu hổ đêm 07/09.
Nếu Sven là người có lòng tự trọng hẳn ông sẽ phải chuyển thu nhập trong 11 ngày qua (thua Đan Mạch 1-4, thắng Xứ Wales 1-0 và vừa thua Bắc Ireland 0-1) cho một hội từ thiện. 145.000 bảng chắc chắn sẽ giúp được nhiều người hơn là số người phải gào lên ở Belfast, những người đã khản giọng với điệp khúc “Sack the Swede!” (Đuổi củ cải Thụy Điển đi!).
Sven nên cảm nhận được mình đã hạ thấp uy tín của nước Anh như thế nào? Anh vừa thua đội đứng thứ 116 thế giới. Thua tại Belfast lần đầu tiên sau 78 năm. Thua một đội mà chưa từng ghi 1 bàn nào vào lưới Anh kể từ năm 1980. Thua một kẻ mà thậm chí còn kém hơn Rwanda, Turkmenistan hay Gabon trong bảng xếp hạng của FIFA.
Về chiến thuật, những tỷ phú Anh đã lao động cật lực nhưng chẳng có gì ngoài sự băm bổ và mồ hôi. Sút cầu môn 11 lần (trượt 8), 8 quả phạt góc, kiểm soát bóng 70,2%... Tất yếu, kết quả của tổng những số dương (+) kia sẽ bằng 0, bất chấp cả việc ông Sven đã chuyển từ cái sơ đồ 4-5-1 như “lợn đi xe đạp” (từ báo chí Anh dùng nói về trận gặp xứ Wale) sang 4-4-2 ở 35 phút cuối cùng.
Nếu thanh minh rằng Bắc Ireland đã quá co cụm thì không thật thuyết phục lắm vì cái chính là do các cầu thủ Anh đã không thể làm chủ. Owen trông rất mỏi mệt và dường như cảm thấy quá nặng nề khi được xếp đá chủ công. Cả trận, tiền đạo mới của Newcastle thực hiện được đúng 2 pha dứt điểm. Đầu tiên là một cú móc bóng quá nhẹ còn tình huống thứ 2 là bóng đập vào đầu Owen trước khi rơi vào tay thủ môn Maik Taylor.
Gerrard và Lampard chỉ đáng được 3 điểm khi có quá nhiều đường chuyền sai và còn lại là thời gian... ngủ gật. Đáng thất vọng nhất là Rooney. Khi Eriksson đẩy dạt ra cánh trái, Rooney không còn linh hoạt như ở MU hay ở trận thắng Xứ Wales 1-0.
Trái lại, “cậu bé” này bộc lộ rõ sự non nớt và nếu không có Beckham và Ferdinand nhiều lần “hạ nhiệt” thì có lẽ đã rời sân với 1 chiếc thẻ đỏ. Tuy nhiên, với chiếc thẻ vàng sau pha nện cùi chỏ, việc bị treo giò ở trận gặp Áo (phải thắng) vào tháng tới cũng đủ khiến Sven khổ sở lắm rồi.
Ở 16 phút cuối cùng, những cơ hội “cứu hộ” cũng chìm nốt tại đúng thành phố đóng con tàu Titanic. Các cầu thủ Anh thay vì chạy đã chờ đợi lá cờ việt vị sẽ căng lên khi đường chuyền của Steven Davis (Aston Villa) gặp David Healy (Leeds). Nhưng không có câu trả lời từ phía trọng tài và khi họ kịp nhận ra thì bóng đã từ chân Healy đi qua đầu Robinson bay vào góc cao. Đó là đỉnh điểm của ác mộng.
Lúc này, lại nhớ đến lời Sven hồi tháng 5, khi Anh vừa thắng Azerbaijan 2-0, thắng Mỹ 1-0 và thắng Colombia 3-2: “Chúng tôi không ngại Brazil!”. Nhưng, xin lỗi Sven, chúng ta mạnh bằng Brazil ở điểm nào?
5 ác mộng của ĐT Anh
Mỹ - Anh: 1-0 (Belo Horizonte, Brazil - World Cup ‘50). Ứng cử viên vô địch đã bị kẻ đến từ thể giới rugby hạ bằng bàn thắng duy nhất của Larry Gaetjens phút 37.
Xứ Wales - Anh: 4-1 (Wrexham, Xứ Wales - tháng 05/1980). Dẫn trước 1 bàn (Paul Mariner) nhưng sau đó bị “láng giềng nhỏ bé” đập lại 3 bàn và Phil Thompson còn tặng thêm một pha đá phản lưới.
Na Uy - Anh: 2-1 (Oslo, Na Uy - Vòng loại World Cup ‘82). Cũng mở tỷ số (Bryan Robson, phút 15) nhưng rồi bị lật lại 2-1.
Anh - Macedonia: 2-2 (St. Mary - Vòng loại EURO 2004). Eriksson đã không thể đè bẹp tiểu quốc Macedonia. Trái lại đó là một đêm ác mộng khi Seaman bị thủng lưới trực tiếp từ một quả... phạt góc. Đó cũng là lần cuối cùng thủ môn này ra sân.
Anh - Australia: 1-3 (Upton Park, London - giao hữu). Eriksson đã dùng tới 22 cầu thủ nhưng bị Tony Popovic và Harry Kewell rồi Brett Emerton 3 lần hạ nhục. Bàn gỡ của Francis Jeffers là không đủ. Đó cũng là lần đầu tiên Wayne Rooney khoác áo ĐT Anh.
Theo Nguyễn Vân
Bóng đá