Sự thay đổi mang tính lịch sử cho bóng đá nữ Việt Nam
(Dân trí) - Ngày 27/5, Trung tâm Huấn luyện thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Thái Nguyên (trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên) đã ký kết hợp đồng với 3 vận động viên bóng đá nữ.
Đây là bước ngoặt của bóng đá nữ Việt Nam khi lần đầu tiên, các VĐV bóng đá nữ ký hợp đồng được hưởng phí hỗ trợ, hay còn gọi là "tiền lót tay".
Cụ thể, hậu vệ tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Mỹ Anh, người hùng World Cup bóng đá nữ Việt Nam đã được Thái Nguyên đề nghị phí hỗ trợ ký hợp đồng là 500 triệu cho 2 năm hợp đồng, tổng thu nhập hàng tháng khoảng 30 triệu đồng/tháng. Một cầu thủ khác là Lê Hoài Lương cũng được đề nghị phí hỗ trợ ký hợp đồng là 400 triệu đồng cho 2 năm hợp đồng, và tổng thu nhập là 30 triệu đồng/tháng.
Việc lần đầu tiên có chi phí hỗ trợ ký hợp đồng với bóng đá nữ không chỉ mang ý nghĩa cải thiện đời sống các cầu thủ. Quan trọng hơn, đây còn là bước tiến lịch sử, là kim chỉ nam hướng tới sự chuyên nghiệp hóa của bóng đá nữ nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.
Sau nhiều thăng trầm, vất vả, nhưng bằng sự cố gắng không biết mệt mỏi, cầu thủ nữ cuối cùng đã được định giá như những ngôi sao bóng đá nam khác. Nhưng điều quan trọng hơn là họ được ghi nhận giá trị. Những bản hợp đồng này sẽ mở ra tương lai cho bóng đá nữ Việt Nam. Đây sẽ là tiền đề để bóng đá nữ có được những cơ hội cải thiện đời sống cho các cầu thủ.
Nói đúng hơn, các cầu thủ có thể sống được bằng nghề. Những bản hợp đồng sẽ tạo cú hích cho việc đào tạo. Những cầu thủ trẻ nhìn thấy tương lai của mình ở những bản hợp đồng như thế. Đó mới là điều bóng đá nữ cần có để tạo ra sự phát triển căn cơ, lâu dài.
Trước đó, cuối năm 2019, dư luận cả nước đã từng xôn xao trước thông tin đội bóng đá nữ Thái Nguyên đứng sát bên bờ vực giải thể. Việc thiếu kinh phí hoạt động đã khiến đội bóng đến từ địa phương từng là cái nôi của bóng đá nữ đi vào ngõ cụt.
Những cô gái đá bóng trên đất gang thép với tình yêu bóng đá cháy bỏng sẵn sàng xách giày ra sân tập từ 5 giờ sáng, đầu trần đuổi theo quả bóng dưới cái nắng chói chang. Đổi lại mỗi ngày họ nhận được khoản tiền công 60.000 đồng và 100.000 đồng tiền ăn. Hàng tháng tính 22 ngày chấm công, lương cầu thủ nữ nhận được khoảng 1,3 triệu đồng. Không ít chị em đã buộc phải chia tay giấc mơ và niềm đam mê với trái bóng tròn để đi làm công nhân nhằm trang trải mưu sinh. Chuyện sau mùa giải, cầu thủ nữ Thái Nguyên lại xin nghỉ để đi làm thời vụ vài ba tháng rồi trở lại đội cũng không hiếm gặp.
Chính trong hoàn cảnh ấy, Tập đoàn T&T Group đã quyết định tài trợ toàn diện cho đội bóng nữ Thái Nguyên theo thỏa thuận được ký kết vào ngày 21/11/2019. Theo đó, T&T Group sẽ nâng thu nhập của các huấn luyện viên, vận động viên đạt mức cơ bản, phù hợp với mức thu nhập của các đội bóng khác trong cả nước; đồng thời, đầu tư đầy đủ trang thiết bị tập luyện, thi đấu theo yêu cầu huấn luyện, đảm bảo cung cấp đầy đủ kinh phí cho đội bóng tập huấn, tham gia các giải trong nước. T&T Group cũng cam kết đồng hành toàn diện với bóng đá Thái Nguyên, không chỉ với bóng đá nữ mà còn ở công tác đào tạo vận động viên trẻ nói chung.
Cũng từ cột mốc này, bóng đá nữ Thái Nguyên chính thức "chuyển mình", từng bước thoát khỏi cảnh "sáng làm công nhân, chiều ra sân đá bóng". Đời sống các vận động viên dần được nâng cao, điều kiện cơ sở vật chất được sửa sang hiện đại, tiện nghi hơn. Mức thu nhập vốn trước đây chỉ có 1,3 triệu đồng đã được cải thiện lên mức khoảng 10 triệu đồng/cầu thủ. Lần đầu tiên, các cô gái đá bóng của xứ gang thép được nhận tiền thưởng 50 triệu đồng cho 1 trận thắng và 20 triệu đồng cho một trận hòa.
Xác định mục tiêu hàng đầu là đưa bóng đá nữ Thái Nguyên hiện diện trên bản đồ quyền lực của bóng đá nữ Việt Nam, có khả năng cạnh tranh chức vô địch, trong thời gian tới đây, Tập đoàn T&T Group đã và đang tiếp tục đầu tư, đặc biệt ủng hộ việc CLB chủ động tìm kiếm các nhân sự chất lượng bổ sung.
Ban lãnh đạo CLB bóng đá nữ Thái Nguyên T&T đặt mục tiêu trong 3-5 năm tới đây, CLB sẽ bước lên ngôi hậu tại Giải Vô địch bóng đá nữ quốc gia. Tuy nhiên, để làm nên "kỳ tích" này, ngoài sự chung tay, đồng hành của nhà tài trợ, CLB cũng rất cần sự quan tâm ủng hộ của nhiều mạnh thường quân cũng như đông đảo khán giả yêu mến thể thao trong cả nước. Đây sẽ là động lực quan trọng giúp bóng đá nữ Thái Nguyên cất cánh bay cao, đúng với kỳ vọng và niềm tin yêu của người hâm mộ mảnh đất gang thép anh hùng.
Với tư cách là nhà tài trợ chính, Tập đoàn T&T Group cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng lòng với CLB trong các mục tiêu dài hạn. Với triết lý phát triển CLB lâu dài cần có sự đào tạo bài bản, chuyên nghiệp các lứa cầu thủ trẻ, kế thừa cho các cầu thủ đi trước, thời gian tới, T&T Group sẽ luôn ủng hộ, phối hợp và hỗ trợ CLB Thái Nguyên T&T tuyển chọn, đào tạo các VĐV Bóng đá nữ Trẻ cho CLB.
Minh chứng rõ nét nhất trong công tác đào tạo VĐV trẻ là vừa qua, tại giải U19 nữ Quốc gia 2022, Thái Nguyên T&T liên tục gây ra bất ngờ khi đứng ở vị trí thứ 3 với thành tích 4 trận thắng, 5 hòa và chỉ để thua duy nhất 1 trận. Lứa trẻ của CLB ghi được 18 bàn và để lọt lưới 10 bàn. Đặc biệt, đội bóng cũng giới thiệu rất nhiều nhân tố tiềm năng và trình diễn lối đá chặt chẽ, khoa học. Đây là một thành tích rất đáng tự hào, đặt trong bối cảnh CLB Thái Nguyên T&T vẫn đang trong hành trình định vị và vươn lên sau giông bão.
Tại buổi lễ, để ghi nhận thành tích của CLB Thái Nguyên T&T U19 đạt huy chương đồng tại giải U19 Quốc gia năm 2022, Tập đoàn T&T Group đã quyết định trao thưởng 200 triệu đồng cho sự cố gắng này của toàn đội.
Những bản hợp đồng như của Mỹ Anh, Hoài Lương chính là một trong những cách để các doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá để tạo giá trị bền vững thay vì chỉ góp mặt ở một mùa giải rồi rời đi như một nhà tài trợ vì trách nhiệm.