Sự hài hước trong giới thể thao
Trong quá trình thi đấu, tập luyện, chuyện các CĐV có những phát ngôn, những tình huống hài hước… đã khiến cả người trong cuộc và những người liên quan vừa cười vừa ngượng.
1.Trong trận đấu bóng đá giữa đội Hà Tây và đội TP.HCM, được đánh giá là trận chung kết ở giải vô địch nữ quốc gia năm 2005 vừa qua, nữ cầu thủ của đội bóng đến từ thành phố mang tên Bác là Anh Đào bị trọng tài Nguyễn Thành Nhân thổi phạt do đã phạm lỗi với một cầu thủ đội bạn.
Trong tình trạng bị ức chế do đội nhà vẫn chưa ghi được bàn mà nữ TP.HCM phải cần một chiến thắng để lần thứ 3 giành chức VĐQG, Đào giữ nguyên trạng chiếc quần bị tụt chạy ra trước mặt trọng tài Thành Nhân để phân bua: “Nó kéo tụt cả quần em mà anh vẫn phạt là sao?”. Vừa nói, Đào vừa chỉ tay xuống chiếc quần bị kéo tụt sâu xuống.
Trọng tài Thành Nhân vốn vẫn là một chàng trai chưa vợ ngượng ngùng đỏ mặt, lắc đầu quay mặt đi. Cũng rất may là Anh Đào còn để áo trong quần, trong trường hợp ngược lại, không biết trọng tài Thành Nhân sẽ giấu mặt đi đâu.
Hết trận, nghe các đồng đội kể lại, Anh Đào lúc đó mới như sực tỉnh, nhớ lại hành động “có cho em đống vàng em cũng chẳng dám làm lại”, cô nàng nhìn trọng tài Nhân... bẽn lẽn, mặt đỏ bừng không phải vì mệt mà vì xấu hổ!
Một câu chuyện rất vui khác cũng liên quan đến bóng đá, nhưng lần này là do các cầu thủ nam mang lại. Đầu mùa giải V-League năm nay, trong trận đấu lượt đi giữa Hòa Phát - Hà Nội và Bình Dương trên sân Hàng Đẫy, cầu thủ Brazil Das Silva của đội chủ nhà đã ghi được một bàn thắng tuyệt đẹp với kỹ thuật rất đẳng cấp. Nhưng bàn thắng đó dù ấn tượng đến mấy cũng chẳng thể so sánh được với cách mà cầu thủ ục ịch này ăn mừng.
Chàng ta chạy vù vù ra sát đường biên, đứng trước khu kỹ thuật của Hòa Phát và... vén quần lên đến tận cạp, hông ngoáy tít, tay chỉ vào chỗ “khó nói”. Cả BHL đang vui như Tết bỗng chết lặng, riêng HLV trưởng Trần Bình Sự sau giây boàng hoàng rối rít chỉ đạo phiên dịch viên: “Chết, bảo “nó” kéo quần xuống, che cái “ấy” ngay!”. Cánh phóng viên thể thao ngồi gần đó vỡ bụng vì cười.
Chắc sau bận đó bị phê bình nghiêm khắc và trừ mấy trăm nghìn đồng tiền thưởng vì tội làm trái “thuần phong mỹ tục của VN”, Das Silva chừa hẳn, lúc nào ghi bàn xong có phấn khích lắm cũng chỉ dám... ngoáy ngoáy cái hông hoặc nằm rạp xuống cỏ, hai tay giang rộng để các đồng đội khác... đè lên.
Mùa giải 2004, cầu thủ da màu Achilefu lúc đó đã khoác áo CLB LG.HN.ACB khi đối đầu với CLB cũ Nam Định đã trả đũa khán giả sân Chùa Cuối vì đã ném mắm tôm vào mình bằng hành động ăn mừng cũng khá kỳ quái: Tụt quần và chĩa... mông về phía khán đài (May anh này còn mặc tới...3 quần (!?)).
Giám đốc Sở TDTT Nam Định Đỗ Thanh Xuân than phiền với báo giới: “Cậu ta vô văn hóa quá. Ai lại cho khán giả xem mông mình bao giờ!”.
Ngay sau khi trở lại Việt Nam để dẫn dắt ĐTQG, HLV Tavares đã gọi một loạt cầu thủ lên thử nghiệm với hy vọng phát hiện ra một vài nhân tố mới. Trong những buổi tập, ông theo dõi rất kỹ phong độ của từng người.
Một buổi chiều, nhà cầm quân người Brazil gọi một tiền đạo ra và đưa cho anh ta một quả bóng nhằm kiểm tra khả năng sút phạt của cầu thủ nọ: “Hãy ghi bàn đi, chàng trai”. Sau vài cú sút tung lưới, HLV Tavares đã dành cho cậu học trò của mình lời khen tặng.
Nhưng tự nhiên, cầu thủ này nhặt bóng đi về trong sự ngạc nhiên rồi giận dữ của nhà cầm quân người Brazil. Ông gọi cầu thủ đó ra trách cứ rất nặng lời, với khuôn mặt đỏ nhừ: “Tại sao anh lại đi về? Anh muốn về nhà hả? Nếu vậy, tôi sẽ cho anh về”.
Tiền đạo nọ cũng chẳng hiểu mô tê gì và chỉ nói được một câu: “Thầy bảo cho em nghỉ về thì em mới dám về chứ. Em đâu dám tự tiện bỏ tập”. Thì ra, tiền đạo trẻ kia hiểu nhầm ý của HLV Tavares. Khi ông nói "Come on" (Tiếp tục đi) thì anh lại hiểu thành cảm ơn. Tất nhiên, sau khi hiểu cặn kẽ vấn đề, HLV Tavares cũng cười xòa làm lành và hai thầy trò lại đưa nhau vào sân tập.
2. Không ai có thể phủ nhận sự quyết liệt, đôi lúc đến đến thô bạo trong những cuộc tranh tài thể thao. Tuy nhiên, ở bất cứ tình thế nguy cấp nào, họ vẫn thể hiện khiếu hài hước của mình, đôi khi chỉ là vô tình. Yếu tố đó mang lại cho những trận đấu căng thẳng một vẻ đẹp khác, một sức hút mới cũng như làm cân bằng giữa sự mạnh mẽ và vui vẻ.
Ở SEA Games 22, những nữ thiên thần ở môn thể dục dụng cụ là người mang về cho đoàn thể thao Việt Nam tấm HCV đầu tiên để đất nước của chúng ta lần đầu tiên đứng đầu bảng tổng sắp về huy chương ở đấu trường khu vực. Đương nhiên, những thiên thần này là mục tiêu săn đuổi số một của cánh báo chí.
Trong số đó, người nhỏ tuổi nhất nhóm là VĐV Đỗ Thị Ngân Thương, khi đó mới 14 tuổi, bị “quây” nhiều nhất. Trong khi một anh phóng viên đang “hỏi chuyện”, Ngân Thương đã có một câu nói hết sức thật nhưng cũng rất hài hước: “Anh chờ em đi đã nhé", khiến anh phóng viên kia đỏ cả mặt.
Số là, các nhân viên kiểm tra doping yêu cầu Thương đi lấy mẫu nước tiểu để làm xét nghiệm. Sự ngây thơ đến ngây ngô của cô bé sống và tập luyện 7 năm tại Trung Quốc khiến các nhà báo có mặt ở đó lại được một trận cười nghiêng ngả.
Cũng là vấn đề doping ở SEA Games 22, những nhà vô địch ở nội dung ganda nữ thuộc bộ môn pencak silat cũng bị một phen toát mồ hôi. Sau khi giành số điểm cao nhất (561) cùng tấm HCV, bộ đôi Nguyễn Hải Yến và Nguyễn Hồng Nhung bị gọi vào kiểm tra doping. Tuy nhiên, dù đã cố gắng hết sức nhưng họ cũng không "cho ra" được chút nào.
Gần 12h đêm, nhà thi đấu C500 đã vắng bóng người, ngoài nhân viên kiểm tra doping kia, chỉ còn lại vài phóng viên chờ phỏng vấn và HLV Nguyễn Huy Đông, 2 nhà vô địch của chúng ta vẫn “bất lực”.
Trong tư thế thất thểu và mệt mỏi, Nguyễn Hồng Nhung bước từ toilet ra và thở dài một câu như để giải thích với nhân viên kiểm tra: “Bọn cháu vận động nhiều quá nên mồi hôi ra hết rồi. Chúng cháu cũng uống hết mấy chai nước như cô nói rồi cũng nhảy nhót cho nước xuống nhưng cũng chẳng ra được giọt nào. Cô cố gắng đợi bọn cháu thêm chút nữa nhé”.
Thế mới biết, trong quá trình tập luyện kéo dài hàng mấy năm trời đã rất vất vả nhưng đến lúc đăng quang rồi, họ vẫn phải “cố gắng”. Có lẽ chính vì thế nên tấm huy chương lại càng có ý nghĩa hơn với bộ đôi Hải Yến và Hồng Nhung.
3. Các VĐV Việt Nam rất hồn nhiên và vô tư khiến cánh phóng viên đôi lúc rất... khổ. Khi được hỏi cảm giác ngay sau khi đăng quang tại SEA Games 22, cựu tuyển thủ đội điền kinh quốc gia Nguyễn Thị Tĩnh dường như quá xúc động nên chỉ biết nói: “Em rất sướng ạ!”. Hỏi tiếp thì nhận được câu trả lời: “Sướng lắm, rất sướng. Em xin gửi niềm sung sướng này tới toàn thể người hâm mộ”.
Trong một buổi mừng công của VĐV Việt Nam tại Hà Nội vào đầu năm 2004, sau thành tích nhất toàn đoàn ở SEA Games 22, hai VĐV ở 2 môn khác nhau nói chuyện về sự vất vả trong tập luyện.
Một VĐV thể hình người gốc miền nam đùa với một VĐV đấu kiếm: “Tôi chưa thấy VĐV nào phải tập luyện trong điều kiện khắt khe như thể hình. Ngoài những quy định ngặt nghèo về chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt cùng phương pháp tập luyện, thành tích của chúng tôi cũng phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết.
Trước khi bước vào phần thi của mình, nhất là vào mùa đông, chúng tôi phải làm nóng cơ thể. Nếu không, phong độ dễ bị “sung” lắm. Để giành được một tấm huy chương thể hình, VĐV phải rất vất vả và chúng tôi xứng đáng được thưởng nhiều nhất”.
Chưa nghe hết câu, VĐV đấu kiếm kia cũng tỏ rõ sự bức xúc: “Trong tất cả những người môn thể thao, tập luyện đấu kiếm là gian khổ nhất. Phải đeo khoảng 10kg trang phục và dụng cụ thi đấu, mồ hôi chúng tôi ra như tắm, ngay cả trong mùa đông. Vì lý do đó, những VĐV đấu kiếm cần được thưởng nhiều nhất”.
Mà không chỉ VĐV mới biết hài hước, giới HLV, quan chức thể thao cũng rất hay pha trò mà đầu bảng là giám đốc Sở TDTT Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang. Ông nổi tiếng vì chuyên môn đã đành mà những buổi họp báo do ônng Giang chủ trì luôn hấp dẫn bởi những câu chuyện bên lề, những câu đùa vui nhưng không hề phù phiếm, thậm chí luôn ẩn chứa một nội dung sâu sắc nào đó.
Về sự hài hước của quan chức thể thao nước ngoài, năm ngoái tại Hội thảo Tầm nhìn Việt Nam vào cuối tháng 8, ông Tổng trọng tài AFC có nói một câu, cười ngay đấy nhưng ngẫm lại mà đau: “Tôi không khẳng định VN mắc bệnh thành tích nhưng hôm đầu tiên tôi nghe thấy VN báo cáo có 70 trọng tài, hôm sau là 100 trọng tài, hôm sau nữa là gần 200 trọng tài. Nếu tôi ở đây lâu, chắc con số trọng tài ở VN phải lên đến con số... hàng trăm ngàn mất!”.
Theo Ngọc Ký - Lan Phương
Thanh niên