Sử dụng cầu thủ nhập tịch, Indonesia và Malaysia đang chơi "con dao hai lưỡi"

(Dân trí) - Thất bại liên tiếp trước đội tuyển Việt Nam trong thời gian gần đây khiến bóng đá Malaysia và Indonesia đi đến quyết định mạo hiểm: Nhập tịch ồ ạt cho cầu thủ gốc ngoại hòng tìm thành tích nhất thời. Nhưng đây cũng là con đường nguy hiểm không khác việc đi trên dây tử thần.

Nhìn sơ qua danh sách sơ bộ của các đội tuyển Indonesia và Malaysia, không khó để nhận ra hàng loại cầu thủ gốc ngoại, được nhập tịch ở đội bóng xứ Mã và đội bóng xứ vạn đảo.

Các cầu thủ này thuộc đủ mọi quốc tịch, nhưng cũng không khó để nhận thấy hầu hết các ngoại binh nhập tịch ở các đội tuyển Indonesia và Malaysia đã lớn tuổi, khả năng đóng góp lâu dài hầu như không có.

Ngoại trừ tiền vệ gốc Hà Lan Stefano Lilipaly, 3 cầu thủ gốc ngoại còn lại trong danh sách 25 cầu thủ Indonesia chuẩn bị cho trận đấu vòng loại World Cup 2022 – khu vực châu Á, với Malaysia, vào ngày 5/9, đều đã ngoài 30 tuổi.

Sử dụng cầu thủ nhập tịch, Indonesia và Malaysia đang chơi con dao hai lưỡi - 1
Tiền đạo số 1 của đội tuyển Indonesia hiện nay là Alberto Goncalves hiện đã gần... 40 tuổi

Riêng tiền đạo Alberto Goncalves (gốc Brazil, thường được gọi là Beto) hiện đã… 38 tuổi, trong khi đây lại là chân sút chủ lực của đội tuyển Indonesia vào lúc này. 

Nếu Indonesia không loại bớt 2 cầu thủ nhập tịch nữa so với danh sách cách nay ít ngày, trong đó bao gồm cả một trung vệ gốc Brazil hiện đã 36 tuổi, đội này có lẽ giống như đội bóng “các ngôi sao của giải Super League” của Indonesia hơn là một đội tuyển quốc gia đúng nghĩa.

Đối thủ của Indonesia ở trận đấu thuộc vòng loại World Cup 2022 – khu vực châu Á, vào ngày 5/9, là Malaysia cũng chuẩn bị sẵn 3-4 suất trong đội hình cho các ngoại binh nhập tịch.

Hiện tại, danh sách ngoại binh nhập tịch gần như chắc chỗ của đội tuyển Malaysia đã có tiền vệ tấn công Mohamadou Sumareh (gốc Gambia, cao 1m79), hậu vệ phải Mathew Davies (gốc Australia, cao 1m79) và hậu vệ trái Lawrence Corbin-Ong (gốc Anh, 1m84).

Malaysia còn dự định đưa vào đội tuyển thêm 1-2 cầu thủ nhập tịch nữa, trong đó có một cầu thủ còn rất trẻ trưởng thành từ Đức.

So với cầu thủ gốc ngoại trong đội tuyển Indonesia, cầu thủ nhập tịch của Malaysia trẻ hơn, sung sức hơn, nhưng chất lượng không có gì đảm bảo, vì các cầu thủ này cũng chỉ thi đấu ở giải quốc nội của Malaysia.

Việc nhập tịch cho cầu thủ gốc ngoại và sử dụng họ ở đội tuyển quốc gia có thể giúp Malaysia và Indonesia giải quyết vấn đề trước mắt là bổ sung lực lượng, thậm chí tìm kiếm thành tích nhất thời.

Nhưng về lâu về dài cách làm này có thể là “con dao hai lưỡi” đối với các nền bóng đá và các đội tuyển nêu trên.

Đã có giả thiết được đặt ra rằng yếu tố màu cờ sắc áo của các đội tuyển Indonesia và Malaysia sẽ giảm đi, khi sử dụng quá nhiều cầu thủ nhập tịch. Chưa hết, những khác biệt giữa cầu thủ gốc ngoại và cầu thủ gốc nội trong đội hình có thể khiến cho sự gắn kết giữa các vị trí không cao.

Bài học của bóng đá Singapore vẫn còn nguyên đối với các nền bóng đá khác tại Đông Nam Á. Singapore từng là nền bóng đá nhập tịch và sử dụng cầu thủ nhiều nhất trong khu vực, nhưng dần dần họ nhận ra rằng họ mãi không thể thoát khỏi trình độ của bóng đá Đông Nam Á với cách làm này, trong khi chất lượng các đội tuyển nói chung còn giảm dần đi sau nhiều năm ưu tiên chỗ đứng cho cầu thủ nhập tịch, bởi chất lượng đào tạo của các CLB và các học viện bóng đá giảm dần, dẫn đến chất lượng cầu thủ nội ngày càng giảm! 

Ngược lại, bóng đá Thái Lan và bóng đá Việt Nam có tương lai tốt hơn, đạt được một số thành tích vượt ngoài tầm Đông Nam Á, nhờ kiên định với việc làm tốt khâu đào tạo bóng đá trẻ, nâng chất lượng cầu thủ nội từng bước, không vội vã nhưng chắc chắn hơn, bền vững hơn!

Kim Điền

Sử dụng cầu thủ nhập tịch, Indonesia và Malaysia đang chơi con dao hai lưỡi - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm