Siêu sao lười đi học
Đức Thắng chưa tốt nghiệp cấp 3, Như Thành chưa xong cấp 2… Chuyện các sao lĩnh lương tháng hàng chục triệu nhưng vẫn chưa học hết phổ thông chẳng phải là chuyện hiếm trong các đội bóng ở V-League.
Đảo một vòng quanh V-League, giải đấu được coi là danh giá nhất Việt Nam, mới thấy trình độ văn hoá của các cầu thủ không được cao cho lắm. Ở đội nào cũng có những cầu thủ gần 30 tuổi mà vẫn chưa học hết cấp 3.
Ông Nguyễn Ngọc Chức, Trưởng đoàn bóng đá Đồng Tháp than thở: "Biết làm sao được, nhiều anh em quá tuổi rồi nhưng học không nổi. Học tới lớp 10, lớp 11 thì bỏ vì thua sút bạn bè nhiều nên chán".
Cầu thủ tỉnh lẻ chểnh mảng học đã đành, các siêu sao cũng ngại đi học. Ngay ở Thể Công, những trường hợp như Đức Thắng, Như Thành cũng chẳng phải hiếm hoi. Việc hạn chế trong học trình độ văn hóa khiến những ngôi sao có ít cơ hội được học lên đại học hay học làm HLV.
Tác dụng của bằng cấp
Với nhiều cầu thủ, đá bóng là cần câu cơm, còn học văn hoá chỉ là phụ, "cứ từ từ" hoặc thôi luôn cũng được. Những suy nghĩ tai hại ấy ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống cũng như sự nghiệp của nhiều cầu thủ. Còn nhớ năm ngoái, thủ môn Kim Hồng đã để tuột mất cơ hội làm huấn luyện viên phó đội tuyển nữ quốc gia vì chưa có bằng HLV.
Theo Giám đốc kỹ thuật HA Gia Lai Nguyễn Văn Vinh, việc học hành sẽ giúp cho cầu thủ sống có ý thức hơn, có học vấn tốt thì cũng chẳng ai coi thường được mình. Chẳng hạn như trường hợp Kiatisuk, đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế, ý thức kỷ luật rất tốt. Khi đội sang Thái Lan tập huấn, Zico Thái đã tự hào dẫn đội tới tập nhờ ở sân trường đại học anh từng học. Ông Vinh cũng cay đắng thừa nhận, trình độ học vấn của cầu thủ ở phố núi chưa cao. Điểm qua điểm lại, mới có Minh Hải, Quốc Tuấn đang theo học đại học TDTT.
Không học hành đến nơi đến chốn, cầu thủ cũng không được tôn trọng. Nhiều cầu thủ than thở hay bị chê là dân cơ bắp, thậm chí bị dèm pha sau lưng là "đầu óc ngu si, tứ chi phát triển", có chăm học cũng chẳng ăn thua gì. Cầu thủ nào có học hành như Công Minh, Zico Thái tất nhiên đều giành được sự kính trọng của lớp đàn em.
Vì sao cầu thủ lười học?
Cầu thủ học vấn thấp không phải do thiếu thông minh. Nếu không thông minh, sáng dạ, đâu có thể được những đường bóng lắt léo, những pha chuyền thông minh. Trước đây, khi chưa theo nghiệp cầu thủ, họ học cũng đâu thua kém ai. Tô Đức Cường từng là học sinh chuyên lý của trường Trần Phú (Hải Phòng). Như Thuật là con nhà nòi (bố mẹ là giáo viên) học hành cũng khá.
Nguyên nhân chủ yếu là do họ đã đầu quân cho nghiệp bóng khi còn quá trẻ, nhiều cầu thủ giỏi được gọi vào phục vụ đội tuyển quốc gia khi mới 14, 15 tuổi. Mải cống hiến cho niềm đam mê, họ không còn thời gian để hoàn thành nốt chương trình học. Rồi khi có thời gian thì lại ngại, lại lười, lại hoãn…
Thực ra các cầu thủ cũng rất muốn đi học, thấy sự học là cần thiết, nhưng sau những giờ đổ mồ hôi trên sân cỏ, họ hầu như không còn đủ sức để tập trung cho chuyện đèn sách.
Chẳng riêng gì cầu thủ, ngay cả các HLV cũng quá bận rộn để có thể hoàn thành các chương trình học tập của mình. Bỏ học dở chừng ở Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp, HLV Trần Công Minh vẫn chưa thể hoàn thành nốt chương trình học tại đây. Nhà cầm quân của Đồng Tháp tâm sự rất thật lòng: "Thời gian huấn luyện đội căng quá rồi. Nếu có thu xếp đi học điểm danh thì được nhưng liệu không biết học bao giờ mới qua hết các kỳ thi để ra trường đây".
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là việc học hết cấp hai, cấp ba là quá khó với họ. Ở Nam Định, các cầu thủ trẻ ở tuổi học cấp 2, chỉ tập một buổi, buổi còn lại học văn hoá. Cũng như vậy, ở SLNA, hầu hết các cầu thủ dù suốt ngày phải lên tuyển như Văn Quyến, Công Vinh cũng đã hoàn thành việc học cấp 3. Chất lượng học tập thế nào không biết, nhưng có ý thức đi học cũng là nỗ lực của cầu thủ. Các vị trưởng đoàn cho biết, họ cũng giải thích rõ cho các thầy cô giáo thông cảm cho các cầu thủ, linh động nhiều mặt cho họ.
Nhưng không phải đội bóng nào, cầu thủ nào cũng đặt quyết tâm được như thế. Cầu thủ chăm tập hơn chăm học bởi họ biết, mỗi khi tuyển quân, các ông bầu chỉ thích xem giò, xem cẳng chứ có ai hỏi chuyện bằng cấp bao giờ đâu.
Chính bởi vậy, theo nhận xét của GĐKT Nguyễn Văn Vinh, trình độ văn hoá "dậm chân tại chỗ" đã dẫn tới cảnh qua 4 mùa chuyên nghiệp, V-League chỉ chuyên được mỗi chuyện tiền lương, còn tình cảm và trách nhiệm nghề nghiệp của cầu thủ thì vẫn chưa hề nhúc nhích.
Theo Ban Mai - Ngoisao