1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

SEA Games 28: Không chỉ có khó khăn cho Việt Nam

(Dân trí) - Việc Singapore gạt bỏ nhiều môn quen thuộc ra khỏi chương trình SEA Games 28 khiến Việt Nam khó khăn. Nhưng khó khăn không chỉ đến với riêng chúng ta. Vả lại, với 24/36 môn có trong chương trình thi đấu của Olympic, đấy rõ ràng là các môn chúng ta phải làm quen…

Lạ với thể thao Việt Nam, nhưng quen với thế giới

Có nhiều môn trong chương trình thi đấu tại SEA Games 28 (diễn ra vào tháng 6 năm sau tại Singapore) khá xa lạ với thể thao Việt Nam, nhưng lại là các môn thi đấu quen thuộc của phong trào Olympic.

Ví như 3 môn phối hợp, gồm chạy bộ, bơi và đua xe đạp. Đây là môn mà người Việt Nam không hề chơi, nhưng lại là môn cực kỳ hấp dẫn ở các kỳ Olympic. Môn này hấp dẫn vì tính cạnh tranh cực cao, và một VĐV muốn thành công trong 3 môn phối hợp phải cực kỳ dẻo dai và toàn diện.

Thường thì VĐV điền kinh thì không giỏi bơi lội và ngược lại. Trong khi VĐV của 2 môn trên lại ít giỏi trong việc đạp xe. Thế nhưng, trong 3 môn phối hợp, VĐV phải giỏi cả 3 nội dung trên, thành ra, để đào tạo nên một VĐV 3 môn phối hợp không phải là chuyện dễ.

Singapore có nhiều môn lạ với thể thao Việt Nam, nhưng lại quen thuộc với phong trào Olympic
Singapore có nhiều môn lạ với thể thao Việt Nam, nhưng lại quen thuộc với phong trào Olympic


Rồi với môn đua ngựa nghệ thuật, người Việt Nam cũng không mấy người chơi, nhưng đây là môn truyền thống của Olympic, với một nét đẹp rất riêng.

Thể thao Việt Nam có thể cũng thấy buồn khi nhìn vào khả năng cạnh tranh HCV ở các môn quyền Anh, đấu kiếm, bóng rổ, hockey trên cỏ… sẽ có mặt tại SEA Games 28 tới đây. Nhưng đấy đều là các môn truyền thống của phong trào Olympic.

Chúng ta buồn vì chúng ta ít có khả năng tranh chấp HCV ở các môn ấy, chứ không phải đấy là các môn không hấp dẫn. Có khi ngược lại là đằng khác. Ví dụ như chuyện quyền Anh là một trong những môn được ưa chuộng nhất thế giới nhiều thập niên qua, nhưng ở Việt Nam lại không phát triển. Hay hockey trên cỏ là một trong những môn thể thao đòi hỏi tính đồng đội cao nhất (có lẽ chỉ sau bóng đá và bóng rổ), nhưng chúng ta lại ít chơi môn đấy.

Cũng cần phải nói thêm rằng ngoài chuyện 24/36 môn lần này có tên trong chương trình thi đấu Olympic, BTC SEA Games 28 còn đưa vào 34/36 môn sẽ thi đấu ở Asiad 17 vào tháng 9 năm nay. Điều đó chứng minh cho tuyên bố muốn SEA Games 28 tiếp cận với Asiad và Olympic của Singapore không phải là tuyên bố suông.

Khó khăn không phải của riêng Việt Nam

Vấn đề đối với thể thao Đông Nam Á nhiều năm qua là khu vực này quen tổ chức những môn thi đấu rất lạ, không hề thấy ở các kỳ đại hội khác, với mục đích chủ yếu là… chia huy chương. Họ tổ chức một số môn mà cứ sau mỗi kỳ đại hội lại xếp xó.

Đấy là môn “đánh phỏm” ở SEA Games 26 trên đất Indonesia, hay trước đó là môn lặn ở SEA Games 22 năm 2003 lúc đại hội được tổ chức tại Việt Nam. Những môn mà từ đó đến nay không thấy nơi khác tổ chức, kiểu như môn lặn khó có cơ hội tái xuất ở SEA Games, trừ trường hợp Việt Nam lại đăng cai đại hội này.

Chủ yếu tổ chức các môn ít người chơi, nên khi đối diện với các môn thuộc phong trào Olympic và Asiad, chính các nước Đông Nam Á lại tích cực nhất trong việc la làng, vì sợ mất thứ hạng.

Thực tế là trong một số môn quen mặt với thể thao Việt Nam vốn bị loại khỏi SEA Games 28, chỉ một ít môn được đánh giá là gây ngạc nhiên khi bị gạch tên, như Karatedo hay cử tạ. Riêng cờ hay thậm chí là Vovinam chưa thực sự phổ biến ngay ở bình diện Đông Nam Á.

Nhưng khi đề cập đến khó khăn của Việt Nam khi mất 2 môn Karatedo và cử tạ, thì đấy cũng là khó khăn của nhiều đoàn khác (Malaysia rất mạnh trong môn Karatedo), chứ không riêng chúng ta.

Có lẽ đã đến lúc thể thao các nước trong khu vực thôi chạy đua theo thành tích ở SEA Games, bởi thành tích tại SEA Games không phải là thước đo chính xác tốc độ phát triển so với tầm châu lục (Asiad) và thế giới (Olympic).

Và thay vì cố “nhét” vào những môn lạ để thâu tóm huy chương, chính các nước ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cần làm quen và cần phát triển các môn thể thao thuộc hệ thống thi đấu của Olympic, để khỏi bỡ ngỡ lúc các môn này xuất hiện ở chính SEA Games.

Kim Điền