Sau những hào quang
Sau những năm tung hoành trên các đường chạy, 38 tuổi vẫn bước lên bục dành cho nhà vô địch, Vũ Bích Hường thuộc dạng "xưa nay hiếm" của làng điền kinh VN. Sự nghiệp của Bích Hường lấp lánh vinh quang song cũng rất nhiều trắc trở.
U40 vẫn chạy tốt
Đầu tháng 5/2006, khi Bích Hường "tái xuất" tại Giải Điền kinh Hà Nội mở rộng, không ít người đã cười thầm rằng "lão bà" vẫn còn luyến tiếc thời thanh xuân.
Trong tâm thức nhiều người, thời của Bích Hường đã chấm hết kể từ khi chị bước lên bục nhận tấm HCĐ SEA Games 22. Thật phi thường và xúc động khi chứng kiến cảnh chị ôm đứa con mới sinh chạy trên sân vận động Mỹ Đình.
Cuộc "phiêu lưu" của Bích Hường vẫn chưa dừng lại. Tại giải điền kinh nằm trong khuôn khổ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 Bích Hường lại chói sáng. Dù thành tích mà chị lập hôm nay thấp hơn thời hoàng kim nhưng nó vẫn cao hơn các đối thủ.
Chị về nhất vừa vui vừa buồn. Vui vì lần cuối cùng lại được đứng lên bục vinh quang của một kỳ đại hội. Vui vì một lần nữa người ta phải khâm phục tài năng và nghị lực phi thường của chị. Nhưng buồn và đau cho cái nghiệp mà người phụ nữ này đang đeo đuổi.
Ngoài tư cách VĐV, chị còn là HLV với nhiệm vụ tìm kiếm nhân tài. Điền kinh Hà Nội xuống dốc, chị thấy mình có trách nhiệm. Bỗng thấy chạnh lòng trong giây phút đăng quang.
Vinh quang và buồn tủi
Kết thúc SEA Games 22, Bích Hường bị gạt ra khỏi danh sách chuẩn bị cho SEA Games 23. Người ta nghĩ chị đã "hết đát". Cần phải nhường chỗ cho những nhân tố mới. Duy chỉ có Bích Hường không nghĩ như vậy.
Tham dự 5 kỳ SEA Games với thành tích 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ; lập kỷ lục quốc gia 100m vượt rào với thành tích 13giây 36; từ năm 1987 đến nay thường xuyên thống trị hai nội dung là 7 môn phối hợp và 100m vượt rào.
Chị đã có tất cả danh vọng và hơn tất thảy là khát khao cống hiến chưa bao giờ nguội lạnh. Nhưng nói như thế để khẳng định Bích Hường là người trọn vẹn trong nghề và đời thì chưa đủ. |
Chị vẫn tin rằng mình đủ sức để một lần nữa mang vinh quang về cho tổ quốc và khẳng định mình. "Tập luyện, tập luyện và tập luyện", cô gái vàng của điền kinh nước nhà tự nhủ như vậy với hy vọng thay đổi được cách nghĩ của những người hữu trách.
Hy vọng tắt ngấm khi người ta tuyên bố, "danh sách đội tuyển điền kinh đã được gút" bất chấp sự vận động của báo giới và một số người ủng hộ Bích Hường trong làng thể thao.
Nhắc đến kỷ niệm này Bích Hường vẫn thấy tiếc nuối: "Tôi nghĩ mình sẽ giành được ít nhất là HCĐ SEA Games 23. Đối thủ của tôi là Trecica Robert (Thái Lan) giành HCĐ với thành tích trên 14 giây. Trong khi đó, thành tích của tôi thời điểm đó là dưới 14 giây. Nhưng lãnh đạo đã quyết như vậy thì đành chịu".
Giã từ ĐTQG nghĩa là không còn cơ hội tiếp cận với đấu trường quốc tế, Bích Hường trở về với nhiệm vụ của một HLV. Chị nhận trách nhiệm tìm kiếm tài năng cho điền kinh Hà Nội. Không còn các chế độ của một tuyển thủ QG, các khoản tiền thưởng, sống bằng phụ cấp của Sở, Hường mới thấm thía sự khắc nghiệt của cuộc đời. Mức lương 2 triệu đồng không đủ để trang trải tập luyện và nuôi hai đứa con. Nhiều lúc chị có ý nghĩ bỏ nghề, nhưng một VĐV chuyên nghiệp rất khó hoà nhập và tìm một công việc phù hợp với bản thân.
Thành tích lấp lánh nhưng không ít lần Bích Hường cảm thấy tủi thân khi nhìn mọi thứ xung quanh mình. Khi biết Nguyễn Thị Nhung được cấp đất, Lý Đức được cấp nhà; Thuý Hiền có suất mua nhà trả góp, Bích Hường cũng le lói hy vọng. Mơ thôi, bởi nó chẳng bao giờ thành hiện thực.
Chờ đợi mãi, cuối cùng, Bích Hường cùng chồng quyết định đi lên bằng đôi chân của mình. "Rất may tôi còn có gia đình. Chồng tôi hiểu và chia sẻ gánh nặng trong cuộc sống. Thấy bớt trăn trở và còn động lực để gắn bó với điền kinh" - Hường tâm sự.
Theo Thiên Thanh
Lao động