Sân Đồng Nai liên tiếp vi phạm các quy định về quảng cáo

(Dân trí) - Ở vòng 4 V-League, sân Đồng Nai khiến BTC giải và VPF toát mồ hôi và chạy bở hơi tai khi trưng ra biển quảng cáo mà chưa thông qua BTC. Cách mà sân bóng này liên tiếp vi phạm các quy định nói cho cùng chỉ là hậu quả của sự nghiệp dư.

Trước và giữa trận đấu Đồng Nai – HA Gia Lai ở vòng 4 V-League, loa phát thanh trên sân Đồng Nai ra rả quảng cáo sản phẩm của một doanh nghiệp, trước khi trong giờ nghỉ giữa 2 hiệp, BTC sân này trưng ra một bản quảng cáo của nhà tài trợ trên.

 

Dĩ nhiên đây là hình thức quảng cáo vi phạm thương hiệu của giải, vi phạm thương quyền của các nhà tài trợ chính V-League, cũng như gây khó cho BTC giải vì nó chưa được BTC và nhà tài trợ thông qua.
 
 
Sân Đồng Nai vi phạm quy định về quảng cáo - Ảnh: Sơn Dũng

Sân Đồng Nai vi phạm quy định về quảng cáo - Ảnh: Sơn Dũng

 

Đấy là hình thức quảng cáo “chui”, nhưng dường như ngay chính BTC sân Đồng Nai cũng chưa biết là mình đang phạm luật. BTC sân Đồng Nai giải thích cho những tiếng loa được phát inh ỏi và cho cái áp phích to đùng có gắn tên nhà tài trợ của sân kể trên là hình thức bốc thăm trúng thưởng, nhằm lôi kéo khán giả đến sân.

 

Chính Phó TGĐ VPF Phạm Phú Hòa có mặt trên sân Đồng Nai ngày hôm ấy có phen chạy bở hơi tai để giải thích cho BTC sân, nhưng dường như họ vẫn chưa chịu… hiểu. V-League là giải đấu có thương quyền, chẳng phải là giải đấu phong trào và không phải mỗi sân có mỗi nhà tài trợ, mỗi sân quảng cáo theo ý mình khi chưa được BTC giải cho phép, cũng như chưa được nhà tài trợ chính gắn thương quyền với V-League thông qua.

 

Hành động vi phạm quy định về quảng cáo nói trên của BTC sân Đồng Nai có thể khiến BTC giải và VPF bị phạt, nếu như nhà tài trợ làm căng. Thậm chí, các nhà tài trợ của V-League có thể bỏ luôn giải, bởi họ phải trả rất nhiều tiền cho việc xuất hiện trên các sân bóng, trong khi nhà tài trợ của sân Đồng Nai chẳng phải bỏ ra đồng nào cho V-League nhưng vẫn được xuất hiện trên sân.

 

Lỗi vi phạm trên rõ ràng xuất phát từ sự nghiệp dư của những người chưa hề hiểu làm bóng đá chuyên nghiệp là gì. Nhưng lỗi lớn nhất trớ trêu thay lại bắt nguồn từ chính những người cho phép sự nghiệp dư nói trên xuất hiện ở sân chơi được mang danh chuyên nghiệp.

 

Nó là hậu quả của suất thăng hạng gượng ép mà BTC giải cũng như nhưng người điều hành bóng đá Việt Nam cấp cho Đồng Nai. Ngoài chuyện chuyên môn chưa đạt yêu cầu thì rõ ràng là năng lực tổ chức của sân Đồng Nai chưa thể đáp ứng khi họ được đặt ở giải VĐQG.

 

Đấy là sân bóng có mặt cỏ khá tệ theo phản ánh của các đội bóng, là sân bóng duy nhất ở V-League chưa có giàn đèn đủ tiêu chuẩn, khiến cầu thủ khi đá bóng ở đây phải trân mình hứng cái nắng khủng khiếp có khi lên đến gần 400C, là sân bóng chưa có các phòng chức năng tốt, không bố trí nổi khu vực tác nghiệp tươm tất cho giới truyền thông như yêu cầu của AFC đối với các liên đoàn thành viên có giải bóng đá chuyên nghiệp.

 

Đấy là nơi mà các phóng viên khi đến đấy phải ngồi lẫn với khán giả vừa vất vả ôm laptop, vừa phải căng mắt theo dõi diễn biến trận đấu. Nơi mà BTC sân đặt bàn nhưng không đặt ghế ngồi cho giới truyền thông, và khu vực làm việc của phóng viên viết phải dựa lưng… hứng nắng, hứng mưa.

 

Tất cả những tác phong nghiệp dư ấy đều đã được BTC giải và những người điều hành bóng đá Việt Nam xí xóa cho qua hồi đầu mùa, sau vài lần kiểm tra lấy lệ. Đấy là hậu quả của một quá trình “chín ép” đối với một sản phẩm vẫn còn rất “non”.

 

Lẽ ra khi bóng đá Việt Nam gặp khó vì nhiều đội bỏ cuộc, những người điều hành bóng đá nội phải xem đấy là cơ hội để làm lại, siết lại từ những thứ chuyên nghiệp thực sự, thay vì nhắm mắt gắn bừa mác chuyên nghiệp cho một CLB hoàn toàn chưa theo kịp chữ chuyên.

 

Lẽ ra đấy phải là lúc để những người điều hành bóng đá Việt Nam chọn tinh hơn là chọn đa, chấp nhận giảm số đội dự V-League nhưng tăng chất lượng như các nền bóng đá hàng đầu châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc từng phải chấp nhận, thay vì bây giờ họ lại làm ngược lại, rồi làm giảm giá trị của V-League, giảm giá trị giải đấu của chính mình, trước khi làm nghiệp dư hóa các tiêu chí chuyên nghiệp!

 

V-League đâu phải là nơi ai muốn bước vào cũng được, đấy đâu phải là giải đấu phong trào mà người ta muốn tổ chức theo kiểu nào thì tổ chức!

 

Trọng Vũ