1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Sân bóng đá trăm tỷ đồng ở Ninh Bình giờ ra sao?

(Dân trí) - Sân vận động Ninh Bình từng là “chảo lửa” của những trận cầu đỉnh cao giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Sau nhiều năm bị bỏ hoang, đến nay “thánh địa” này trở nên hoang tàn giữa lòng thành phố.

“Chảo lửa” 22.000 chỗ ngồi bị bỏ hoang

Như Dân trí phản ánh từ năm 2016, Sân vận động Ninh Bình (SVĐ Ninh Bình) được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để phục vụ Sea Games 22 vào năm 2003, với sức chứa khoảng 22.000 chỗ ngồi, đây là sân bóng đá lớn, hiện đại bậc nhất Việt Nam một thời.

Cảnh hoang tàn trong SVĐ Ninh Bình - nơi từng là chảo lửa diễn ra các trận cầu đỉnh cao với sức chứa 22.000 chỗ ngồi.
Cảnh hoang tàn trong SVĐ Ninh Bình - nơi từng là "chảo lửa" diễn ra các trận cầu đỉnh cao với sức chứa 22.000 chỗ ngồi.

Sau kỳ Sea Games 22, sân được giao cho Sở Thể dục Thể thao Ninh Bình (cũ) quả lý sử dụng từ năm 2003 – 2007. Đến năm 2009, UBND tỉnh Ninh Bình giao sân cho CLB Bóng đá Xi măng The Vissai Ninh Bình (Công ty TNHH Hoàng Phát Thể thao) quản lý, sử dụng và làm sân thi đấu chính thức của CLB này tại giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V-League).

Trong nhiều mùa giải, SVĐ Ninh Bình nổi tiếng là “chảo lửa” của những trận cầu đỉnh cao tại giải bóng đá V-League. Nơi đây cũng là “thánh địa” của nhiều trận túc cầu hàng đầu Việt Nam, trong đó phải kể đến những trận chung kết cúp quốc gia.

Năm 2014, sau sự cố tại giải bóng đá AFC Cup, Công ty TNHH Hoàng Phát Thể thao giải thể CLB Bóng đá Xi măng The Vissai Ninh Bình. Đơn vị này đã tháo dỡ một số cơ sở vật chất đã đầu tư vào sân bóng như hệ thống tưới nước tự động mặt sân cỏ, một số thiết bị điện nước, vệ sinh… trả lại sân bóng cho địa phương.

Cỏ mục um tùm trong bên trong nơi từng được mệnh danh là thánh địa của bóng đá Việt Nam.
Cỏ mục um tùm trong bên trong nơi từng được mệnh danh là "thánh địa" của bóng đá Việt Nam.

Kể từ đó, “chảo lửa” 22.000 chỗ ngồi bỏ hoang giữa thành phố Ninh Bình cho tới nay. Sau nhiều năm trôi qua, đến nay đơn vị quản lý cũng như chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra giải pháp để phục hồi lại sân vận động trăm tỷ đồng này.

Năm 2016, báo Dân trí có hai bài viết (“Sân bóng đá trăm tỷ bậc nhất Việt Nam bị bỏ hoang” và “Cảnh hoang tàn trong sân bóng đá trăm tỷ ở Ninh Bình”) phản ánh thực trạng hoang tàn tại SVĐ Ninh Bình. Từ đó đến nay, SVĐ này vẫn trong tình trạng bị bỏ không, nhiều phương án được đưa ra để phục hồi, đưa sân vào sử dụng trở lại, tuy nhiên nhiều khó khăn đặt ra, nhất là bài toán về… kinh phí.

Ngày 19/7/2018, PV Dân trí trở lại SVĐ Ninh Bình để ghi nhận thực trạng của “chảo lửa” này sau 2 năm báo phản ánh và 4 năm bắt đầu từ ngày “thánh địa” bị bỏ hoang. Sân vận động này vẫn "cửa đóng then cài". Toàn cảnh SVĐ này vẫn không khác trước là mấy, tất cả vẫn trong tình trạng bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm nhiều nơi, ghế trên khán đài vẫn chỏng chơ… Người dân ví SVĐ này giờ như là “nghĩa địa” của bóng đá Ninh Bình một thời, “chảo lửa” xưa kia giờ chỉ còn trong ký ức.

Sau nhiều năm bỏ hoang, đến nay SVĐ Ninh Bình vẫn trong tình trạng cửa đóng then cài.
Sau nhiều năm bỏ hoang, đến nay SVĐ Ninh Bình vẫn trong tình trạng "cửa đóng then cài".

Loay hoay tìm giải pháp

Mới đây, tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XIV (ngày 6/7/2018), người dân Ninh Bình xót xa công trình bỏ hoang đã có ý kiến chất vấn cơ quan quản lý SVĐ về việc “chảo lửa” này bị đóng cửa, bỏ hoang, nhiều hạng mục bị xuống cấp, cỏ dại mọc nhiều nơi và đề nghị làm rõ trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp để quản lý và khai thác có hiệu quả?

Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình cho biết, khi đơn vị nhận bàn giao lại SVĐ đã bị xuống cấp nghiêm trọng: Mặt sân có nhiều chỗ lồi lõm, nhiều ổ gà, cỏ mọc hoang dại; Hệ thống tưới nước tự động của mặt sân cỏ đã bị tháo dỡ; Các khán đài xuống cấp, các khu ghế ngồi cho khán giả bị lão hóa, gãy hỏng nhiều; Các phòng chức năng, khu vệ sinh không đảm bảo yêu cầu sử dụng; Hệ thống điện và đèn chiếu sáng hầu hết đã bị hư hỏng…

Cổng chính vào sân trở nên nhếch nhác.
Cổng chính vào sân trở nên nhếch nhác.

Sau khi tiếp quản, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình đã chỉ đạo Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao trong điều kiện kinh phí của đơn vị tiến hành dọn vệ sinh, cắt cỏ mặt sân và sửa chữa các phòng chức năng, đưa vào sử dụng, khai thác phục vụ các hoạt động tập luyện và tổ chức thi đấu.

Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình đã nhận trách nhiệm về những hạn chế trong quá trình quản lý, khai thác sân vận động: Sở chưa kiên quyết trong việc chỉ đạo, xây dựng phương án quản lý cụ thể để sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất và khai thác hết công năng của sân vận động, huy động các nguồn lực đầu tư, khai thác và sử dụng sân vận đồng, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước.

Bên trong bỏ hoang, bên ngoài sân bị biến thành nơi chứa rác thải rất ô nhiễm.
Bên trong bỏ hoang, bên ngoài sân bị biến thành nơi chứa rác thải rất ô nhiễm.

Cũng theo Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình, hiện SVĐ đang là nơi tập luyện và sinh hoạt thường xuyên của bộ môn điền kinh thuộc Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh. Ngoài ra đây cũng là nơi tập luyện của các bộ môn khác như bóng chuyền, võ, vật. Mặt sân bóng đá hiện được sử dụng để phục vụ các hoạt động thể thao phong trào, phục vụ nhu cầu tập luyện của vận động viên.

“Do nguồn ngân sách còn hạn hẹp, khu vực sân vận động lại rất rộng, nhiều hạng mục bị xuống cấp nên hiện tại một số hạng mục vẫn chưa được sửa chữa nâng cấp như: Hệ thống khán đài, ghế ngồi cho khán giả, còn một số phòng chức năng chưa được sửa chữa; mặt sân bóng đá mới khắc phục để đưa vào khai thác sử dụng, chưa đáp ứng được cho các hoạt động thể thao chuyên nghiệp” – Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình thông tin.

Nhiều năm bỏ hoang, người dân ví SVĐ Ninh Bình giờ như một nghĩa địa của bóng đá địa phương.
Nhiều năm bỏ hoang, người dân ví SVĐ Ninh Bình giờ như một "nghĩa địa" của bóng đá địa phương.

Để quản lý và khai thác có hiệu quả hơn nữa SVĐ trong khi ngân sách nhà nước còn khó khăn, tỉnh nhà chưa có đội bóng đá chuyên nghiệp, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình để xuất: Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo vận động viên thành tích cao, khai thác triệt để SVĐ phục vụ nhu cầu tập luyện nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Bên cạnh đó, xây dựng đề án sử dụng sân để liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư nhằm khai thác tối đa công năng sử dụng của tài sản, đồng thời tạo nguồn kinh phí chủ động sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất sân…

Chảo lửa 22.000 chỗ ngồi giờ chỉ còn trong ký ức của nhiều người dân Ninh Bình.
"Chảo lửa" 22.000 chỗ ngồi giờ chỉ còn trong ký ức của nhiều người dân Ninh Bình.

Nhiều hạng mục trong sân bị xuống cấp vẫn chưa có nguồn kinh phí để sửa chữa.
Nhiều hạng mục trong sân bị xuống cấp vẫn chưa có nguồn kinh phí để sửa chữa.

SVĐ Ninh Bình nhìn từ ngoài đường vào qua ô cửa cổng.
SVĐ Ninh Bình nhìn từ ngoài đường vào qua ô cửa cổng.

Thái Bá