Ryan Giggs: Huyền thoại với những bước chạy xé gió

(Dân trí) - Dù scandal tình ái vào năm 2011 đã ảnh hưởng nhiều tới biểu tượng Ryan Giggs nhưng trong lòng những người hâm mộ Man Utd, “phù thủy xứ Wales” vẫn là huyền thoại sống của CLB.

“Chỉ có hai người khiến tôi bật khóc khi xem bóng đá. Người đầu tiên là Maradona và người kia là Ryan Giggs” - huyền thoại của Juventus, Alessandro Del Piero đã từng nói như vậy khi được hỏi về tiền vệ người xứ Wales.

Ryan Giggs: Huyền thoại với những bước chạy xé gió - 1

Ryan Giggs gắn bó với Man Utd trong gần 30 năm

Trong khi đó, Sir Alex Ferguson cũng dành cho Ryan Giggs cũng lời đẹp đẽ nhất trong cuốn tự truyện của mình. “Có một giải thưởng mà Ryan Giggs vẫn chưa có được nhưng tôi tin vấn đề chỉ là thời gian. Tôi mong muốn tới nhường nào khi được viết tên học trò của mình là Sir Ryan Giggs”.

Có lẽ, để viết những dòng nhận xét về Ryan Giggs, người ta phải mất cả ngày để thống kê. Nhưng chỉ cần những lời nói của hai nhân vật uy tín trong bóng đá thế giới, người ta cũng đủ để hình dung ra tầm vóc vĩ đại của Ryan Giggs, cái tên mà những người hâm mộ ưu ái đặt biệt danh là “phù thủy xứ Wales”.

Thực tế, nói tới Ryan Giggs, người ta nghĩ ngay tới biểu tượng của lòng trung thành. Nếu như AS Roma có Totti, Inter có Javier Zanetti, thì Man Utd luôn tự hào bởi sở hữu biểu tượng mang tên Ryan Giggs, người đã dành tới 30 năm để cống hiến cho màu áo của Quỷ đỏ. Trong lịch sử bóng đá thế giới, chỉ có Paolo Maldini của AC Milan cống hiến cho 1 CLB nhiều năm hơn Ryan Giggs.

Ryan Giggs lớn lớn với tuổi thơ “không lành lặn”. Cha của anh, ông Ryan Joseph Wilson là tuyển thủ bóng bầu dục của xứ Wales. Tuy nhiên, bố mẹ anh sống với nhau mà không có đăng ký kết hôn. Trong ánh mắt non dại của cậu nhóc Ryan Giggs là hình ảnh người cha thường xuyên dùng bạo lực để đánh đập mẹ mình.

Năm lên 3 tuổi, Ryan Giggs đã tận mắt thấy cảnh sát tới nhà còng tay ông Wilson. Kể từ đó, ông cũng không bao giờ trở lại mái nhà của mẹ con Ryan Giggs. Bởi lẽ đó, mà trong mắt cậu bé Ryan Giggs, hình ảnh người cha mang tính chất tiêu cực. Đó là lý do mà anh đã từ chối lấy lên Ryan Wilson để mang họ của mẹ (Giggs).

Ryan Giggs (Man Utd - Arsenal, FA Cup 1999)

Tuổi thơ của Ryan Giggs sống trong nghèo khó, thiếu tình thương của cha mẹ và thậm chí không được trợ cấp xã hội (do cha mẹ tảo hôn, không đăng ký). Chẳng ai có thể dạy cậu bé Ryan Giggs những bài học đầu đời, thay vào đó, tất cả tới từ những tháng năm lăn lộn với cuộc đời.

“Tôi lớn lên trong căn nhà như vậy. Điều duy nhất mà tôi có thể làm là chấp nhận. Tôi cũng hiểu rằng đã có những tác động xấu với mình trong lúc trưởng thành. Chẳng có gì tốt đẹp cả” - Ryan Giggs chia sẻ trong cuốn tự truyện về việc bị bạn bè phân biệt.

Nhưng rất may, tuổi thơ của cậu bé Ryan Giggs vẫn còn thứ cứu rỗi, đó là trái bóng. Nhận thấy tài năng thiên bẩm của Ryan Giggs, một tay cò có tên Dennis Schofield đã giới thiệu anh sang học tại học viện bóng đá trẻ ở Manchester năm lên 6 tuổi. Sau đó, anh thi đấu cho CLB trẻ có tên Salford Boys.

Tài năng của Ryan Giggs đã bay tới sân Old Trafford nhờ tuyển trạch viên có tên Harold Wood. Thưở ấy, Sir Alex Ferguson mới lên nắm quyền ở Man Utd đã tự mình thân chinh tới chỉ để xem cầu thủ nhí thi đấu. Ryan Giggs đã không làm ông thất vọng. Thậm chí, “ông già gân” đã tới tận nhà để thuyết phục mẹ của Ryan Giggs cho cậu bé gia nhập lò đào tạo trẻ của Man Utd. Đó là bước ngoặt lớn.

Ở tuổi 17 (sau 3 năm khoác áo đội trẻ), Ryan Giggs đã được trao phần thưởng lớn, đó là bản hợp đồng chuyên nghiệp ở Man Utd. Và 1 năm sau (năm 1991), hình ảnh của ngôi sao trẻ Ryan Giggs lần đầu xuất hiện ở đội 1 Quỷ đỏ, khi vào sân thay thế Denis Irwin trong trận đấu gặp Everton. Và cũng chỉ tới mùa giải 1992/93, thế hệ của Ryan Giggs đã giúp Man Utd giành chức vô địch bóng đá Anh lần đầu tiên sau 27 năm và sau hơn 7 năm Sir Alex Ferguson cầm quyền.

Tờ Bleacher Report từng nhận xét: “Cuộc tìm kiếm của những người Argentina về Maradona mới chưa bao giờ kết thúc, ngay cả khi Messi nổi lên. Nhưng với những người Man Utd, hành trình tìm kiếm “George Best mới” đã kết thúc kể từ khi họ nhìn thấy những bước chạy của Ryan Giggs.

Ryan Giggs: Huyền thoại với những bước chạy xé gió - 2

Ryan Giggs là biểu tượng cho lòng trung thành của Man Utd

Trong thời kỳ đầu ở Man Utd, Ryan Giggs đã phải cạnh tranh vị trí tiền vệ trái với Lee Sharpe (cầu thủ sáng giá thời điểm ấy) cùng với cầu thủ sắp bước sang bên kia sườn dốc là Andre Kanchelskis ở hai vị trí chạy cánh. Nhưng rồi, với tài năng của mình, Ryan Giggs đã trở thành chiếm trọn cánh trái. Lee Sharpe đã phải thi đấu nhiều vị trí khác nhau (tiền vệ cánh trái, phải, hậu vệ cánh). Còn Andre Kanchelskis bị bán sang Everton vào năm 1995.

Sir Alex Ferguson từng thốt lên: “Có lẽ nhiều hậu vệ đã phải bỏ nghề sau khi đối đầu với Ryan Giggs”. Thật vậy, để ngăn cản những bước chạy xé gió, những pha đi bóng vặn sườn của Ryan Giggs ở thời kỳ đỉnh cao chẳng khác gì sự tra tấn.

Và một trong những khoảnh khắc khắc sâu vào tâm trí của nhiều người chính là hình ảnh Ryan Giggs tạo ra pha solo không tưởng, từ giữa sân (sau đường chuyền sai của Vieira), loại bỏ cả rừng hậu vệ của Arsenal, trước khi sút tung lưới thủ thành David Seaman trong trận bán kết FA Cup 1998/99.

Sự nghiệp đỉnh cao của Ryan Giggs gắn liền với cánh trái. Nhưng có chi tiết khá hay rằng trong cả 2 trận chung kết Champions League mà Man Utd đăng quang (1999, 2008), “phù thủy xứ Wales” đều đá trái vị trí.

Ở trận chung kết Champions League 1999, Ryan Giggs đá... tiền vệ phải khi David Beckham được chuyển vào đá trung tâm (Roy Keane và Paul Scholes) bị treo giò. Tới năm 2008, Ryan Giggs vào sân thay Paul Scholes ở vị trí tiền vệ trung tâm.

Vị trí tiền vệ trung tâm cũng là nơi mà Sir Alex Ferguson đã dành cho Ryan Giggs trong những năm tháng cuối sự nghiệp, khi mà đôi chân của cựu danh thủ người xứ Wales không còn tạo ra những bước chạy xé gió. Đương nhiên, Ryan Giggs vẫn xuất sắc trong vai trò này.

Năm 2009, Sir Alex Ferguson đã bố trí Ryan Giggs đã sắp bước sang tuổi 36 thi đấu tiền vệ trung tâm, đối đầu với hàng loạt ngôi sao như Joe Cole, Michael Ballack, Deco, John Obi Mikel và Frank Lampard bên phía Chelsea. Không ngạc nhiên nếu như người viết tiết lộ rằng Ryan Giggs đã khiến hàng loạt ngôi sao trẻ hơn bên phía Chelsea phải... thở.

Ryan Giggs: Huyền thoại với những bước chạy xé gió - 3

Di sản danh hiệu của Ryan Giggs ở Man Utd là quá lớn

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào (kể cả sau này làm trợ lý HLV, rồi HLV trưởng của Man Utd), trái tim của Ryan Giggs vẫn hướng về màu áo đỏ. Còn nhớ, dưới thời Van Gaal, đích thân Ryan Giggs đã phải đứng ra “dẹp loạn phòng thay đồ” khi những cầu thủ Quỷ đỏ không hài lòng với triết lý của HLV người Hà Lan.

Và Man Utd cũng mang tới cho Ryan Giggs tất cả. Gia tài danh hiệu của cựu danh thủ người xứ Wales đồ sộ hơn bất kỳ cầu thủ nào ở Anh. Trong sự nghiệp, Ryan Giggs đã giành tới 13 chức vô địch Premier League. Nếu Ryan Giggs là một đội bóng, anh có số danh hiệu ngang bằng với Arsenal và chỉ kém duy nhất Man Utd và Liverpool.

Bên cạnh đó, “phù thủy xứ Wales” còn giành 2 chức vô địch Champions League, 4 FA Cup, 4 League, 8 siêu cúp Anh, 1 siêu cúp châu Âu, 1 FIFA Club World Cup... Ryan Giggs còn sở hữu hai kỷ lục mà có lẽ chẳng thể phá vỡ ở Man Utd, đó là ra sân nhiều nhất (963 lần, người xếp thứ 2 là Bobby Charlton 758 lần) và kiến tạo nhiều nhất (131 lần, người xếp thứ 2 là Rooney 99 lần).

Di sản mà Ryan Giggs để lại cho thấy anh xứng đáng là một trong những huyền thoại sống của Man Utd. Chỉ có điều đáng tiếc rằng Ryan Giggs vẫn chưa một lần tham dự sân chơi lớn ở cấp độ ĐTQG bởi khoác áo xứ Wales. Nhưng cũng vì lẽ đó, người Anh luôn tiếc nuối rằng không thể thuyết phục Ryan Giggs khoác áo Tam Sư. Bởi lẽ, thời kỳ đỉnh cao, đội tuyển Anh luôn thiếu đi mảnh ghép cuối cùng, đó là tiền vệ trái chất lượng để chinh phục đỉnh cao.

Dẫu cho scandal tình ái trong những năm tháng cuối sự nghiệp đã khiến hình ảnh của Ryan Giggs ít nhiều bị hoen ố. Nhưng trong tim những người Man Utd, Ryan Giggs vẫn luôn là hình ảnh biểu tượng cho sức sống, thời hoàng kim của CLB.

H.Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm