Quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: “Tôi thích một cuộc đấu tay đôi”
(Dân trí)- Chỉ còn ít ngày nữa Đại hội VFF nhiệm kỳ VII sẽ diễn ra và nếu không có bất ngờ lớn nào, ông Lê Hùng Dũng sẽ trúng cử ghế Chủ tịch VFF. Xung quanh Đại hội lần này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Dũng.
Theo ông, đâu là tiêu chí tốt nhất cho một vị Chủ tịch VFF?
Theo tôi ai làm Chủ tịch VFF không quan trọng, quan trọng là người đó làm có đưa bóng đá thành công hay không, chứ làm tàng tàng như kiểu công chức thì ai cũng làm được. Không cứ tôi hay anh nọ ai kia, tất cả Ban chấp hành đều làm được.
Ông Lê Hùng Dũng gần như chắc chắn sẽ là Chủ tịch VFF khóa tới
Ông có tự tin mình sẽ làm tốt nếu được Đại hội tín nhiệm bầu vào vị trí chủ chốt?
Các bạn nhìn tính cách của tôi thì biết, tất cả nằm trong tính cách cả, chứ đâu nằm trong lời nói. Nhưng cũng phải nói thật tính cách của tôi không nhiều người thích đâu.
Vấn đề công khai và dân chủ luôn được dư luận quan tâm ở mỗi kỳ Đại hội. Là người trong cuộc, ông muốn nói gì về điều này?
Tôi có nhớ năm 2005 đại hội V có 2 ứng viên là anh Nguyễn Trọng Hỷ và Dương Nghiệp Chí. Đại hội đó được truyền hình trực tiếp từ sáng đến chiều. Đó là Đại hội lần đầu tiên thể hiện sự dân chủ, công khai. Chính cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khen ngợi như vậy và mong rằng các Đại hội khác sẽ diễn ra theo mô hình ấy. Bởi vì ít nhất có 2 ứng cử viên trở lên và diễn ra công khai, đến phút cuối cùng mới biết ai trúng cử. Như vậy quyền lực nằm trong tay đại biểu, chứ không nằm trong tay một cơ quan hay một cá nhân nào đó ở bên ngoài Đại hội. Tôi cho rằng đó là một tinh thần rất tốt và Đại hội nhiệm kỳ VII lần này sẽ diễn ra theo tinh thần đó.
Nhiều người cho rằng việc chung tay với bầu Đức mởi CLB Arsenal chính là cách để ông ghi điểm trước Đại hội nhiệm kỳ VII?
Anh Đoàn Nguyên Đức mời tôi làm vì nói rằng một mình làm hơi khó, tôi đồng ý ngay. Việc anh Đức mời không nằm trong kế hoạch với tôi. Tôi làm việc đó chính là vì thực hiện lời hứa của VFF với người hâm mộ Việt Nam, về việc mời một đội bóng chất lượng của thế giới tới thi đấu giao hữu. Bản thân tôi cũng rất muốn xem trận đấu, chưa kể mình cũng rất tự hào vì là một trong những người đứng ra tổ chức trận đấu lớn như vậy.
Nhiều người cho rằng nếu mà là doanh nghiệp, mục tiêu luôn luôn là lợi nhuận, người nhà nước thì lên làm chủ tịch sẽ vì cái chung, ông bình luận gì?
Tôi cho câu đó đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Bản thân tôi cũng là người Nhà nước, được đặt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của công ty tôi là bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước. Tôi nghĩ, làm ra lợi nhuận cũng là nhiệm vụ chính trị. Không có một nền kinh tế nào tồn tại nếu không có lợi nhuận. Bây giờ các CLB chuyên nghiệp, yêu cầu và nhu cầu lớn nhất bây giờ là phải có nguồn thu để sống, tồn tại. Làm sao để các CLB chuyên nghiệp có thể kiếm tiền là tự nuôi sống mình. Tôi cho đó là vấn đề chiến lược quan trọng của bóng đá Việt Nam. Không giải quyết được vấn đề đó thì không thể tồn tại.
Bản thân chúng ta sẽ có sự kỳ thị, giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa những người Nhà nước của đơn vị cấp cao bộ và cấp thành phố. Tự mình đặt ra mình là người Nhà nước cấp cao hơn thì tốt hơn người Nhà nước cấp địa phương, tự nhiên người ta thấy anh rất buồn cười. Tôi có thể dùng từ ngô nghê.
Gần như chắc chắn ông sẽ trúng cử vào vị trí Chủ tịch VFF. Ông muốn nói gì về điều này?
Trúng cử hay không là do Đại hội quyết định. Cá nhân tôi vẫn luôn chờ một cuộc đấu tay đôi thực sự. Thậm chí nếu ai có khả năng, xuất chúng, giúp bóng đá Việt Nam phát triển, chúng tôi mời ngồi ghế Chủ tịch luôn mà không cần phải qua quy trình nào cả.
Theo ông, một doanh nhân sẽ có lợi gì hơn một chính khách khi làm chủ tịch VFF?
Cái lợi thế lớn nhất là đánh giá tình hình và quyết đoán rất nhanh. Như vậy mới tồn tại trong thương trường, như vậy mới giải quyết được các vấn đề cấp bách, cần giải quyết nhanh chóng, huy động được nguồn lực xã hội, giúp bóng đá sống bằng cái nguồn tạo ra từ chính bóng đá.
Xin cảm ơn ông!
Tiến Đạt thực hiện