1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Quần vợt Việt Nam: Sẽ mạnh hơn nếu được đầu tư

(Dân trí) - Việc đội tuyển quần vợt nam Việt Nam giành quyền lên hạng (từ nhóm 3 lên nhóm 2) tại cúp đồng đội nam thế giới Davis cho thấy quần vợt nước nhà có thể tiến lên nhóm trên, nếu được đầu tư đúng, và nhất là nếu không chia rẽ vì những bất đồng.

Dù chiến thắng trước Hong Kong (Trung Quốc) để giành quyền lên hạng của đội tuyển Việt Nam có sự giúp sức của yếu tố may mắn (tay vợt Philip King của đối phương bỏ cuộc giữa chừng vì chấn thương trong đơn thứ 2 với Minh Tuấn), dù vậy không thể phủ nhận những nỗ lực của các tay vợt nam.

Cũng vần nhắc lại rằng đội tuyển quần vợt nam Việt Nam đến UAE tham dự vòng loại nhóm 3 Davis Cup mà không có 2 hạt nhân ngỡ như quan trọng nhất đội, đấy là HLV Trần Đức Quỳnh và tay vợt Nguyễn Hoàng Thiên, những người vừa giúp làng banh nỉ nước nhà có tấm HCV lịch sử ở đại hội thể thao trẻ thế giới 2013.

Nhắc lại như thế để thấy rằng về mặt tiềm năng, quần vợt nước nhà có không ít hạt giống tốt. Không có Hoàng Nam, Hoàng Thiên và Minh Tuấn không đến nỗi làm cho đội tuyển phải thất vọng, trong khi 2 tay vợt kỳ cựu là Minh Quân và Quốc Khánh xứng đáng là điểm tựa chuyên môn cũng như tinh thần cho các đồng đội trẻ.

Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng, nhiều tay vợt tốt, nhưng mấy năm qua hiếm khi đội tuyển quần vợt Việt Nam thi đấu đúng sức. Nguyên nhân của hiện tượng này không loại trừ chuyện hục hặc nhau giữa những người làm quần vợt, chuyện kình nhau giữa các nhóm VĐV – HLV.

Đội tuyển quần vợt Việt Nam gây ấn tượng tại Davis Cup

Đội tuyển quần vợt Việt Nam gây ấn tượng tại Davis Cup

Nguyên nhân mà cặp HLV – VĐV Trần Đức Quỳnh và Nguyễn Hoàng Thiên rút khỏi đội tuyển trước Davis được nhiều người cho rằng xuất phát từ việc Trần Đức Quỳnh không hài lòng với sự hiện diện của chuyên gia Michael Baroch trong thành phần đội tuyển. Một nguyên nhân hết sức nghiệp dư.

Nguyên nhân khiến đội tuyển cãi nhau chí chóe, thậm chí hết người này đến người khác đòi rút lui trước thềm SEA Games 26 cách nay gần 2 năm cũng là vì chuyện đấu tố nội bộ, chuyện “quân anh – quân tôi”.

Một đội tuyển mạnh không thể là một đội tuyển mà người ta thích thì góp mặt, không thích thì bỏ ngang. Một đội tuyển mạnh càng không thể là một đội tuyển mà ở đó có thành viên đặt cái TÔI của bản thân cao hơn vinh dự được khoác áo đội tuyển quốc gia.

Chỉ có điều là thay vì ngồi lại với nhau để tìm ra hướng giải quyết cho sự mất đoàn kết nội bộ, thì giữa bộ môn quần vợt thuộc Tổng cục TDTT và Liên đoàn quần vợt Việt Nam cũng tồn tại cảnh bằng mặt mà không bằng lòng.

Những chuyện ấy giờ phải dẹp, dẹp hết. Giữa bộ môn và Liên đoàn phải tìm thấy tiếng nói chung trong hoạt động. Điều ấy nói cho cùng cũng chỉ là tốt cho sự phát triển của quần vợt Việt Nam nói chung.

Bên cạnh chuyện đó thì cách đầu tư và thể thức của các giải đấu trong nước cũng cần thay đổi, nhằm phục vụ và phát huy tối đa các tiềm năng đang có.

Hệ thống thi đấu quốc gia mỗi năm chỉ có vài ba giải đấu ngắn ngày là quá ít để các tay vợt trong nước cọ xát, nâng cao trình độ. Riêng thể thức thi đấu cũng cần thay đổi cho phù hợp với những trận đấu của đội tuyển ở nhóm 2 thay vì nhóm 3 Davis Cup như chúng ta từng quen nhiều năm vừa qua: Nhóm 3 chỉ đấu 3 trận, mỗi trận 3 ván, nhóm 2 thi đấu 5 trận, mỗi trận 5 ván.

Về vấn đề này, TTK Liên đoàn quần vợt Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết: “Chúng tôi đang nghiên cứu để thay đổi thể thức thi đấu của giải VĐQG và giải tay vợt xuất sắc (vốn trước đây chỉ thi đấu 3 ván mỗi trận – PV), nhằm giúp các tay vợt, nhất là các tuyển thủ quốc gia làm quen với thể thức thi đấu của nhóm 2 Davis Cup”.

“Davis Cup nhóm 2 sẽ diễn ra vào tháng 2 năm sau, nên thời gian chuẩn bị không còn nhiều” – ông Kỳ nói thêm.

Đấy là thay đổi cần thiết, dù để đáp ứng sự thay đổi đó chắc chắn không phải là điều đơn giản, một khi các tay vợt phải làm quen lại với cách bắt nhịp trận đấu, tích lũy thêm thể lực, vì đánh trận đấu có 5 ván khác xa với việc đánh trận đấu chỉ có 3 ván.

Kim Điền