“Quả bóng” bản quyền nằm trong tay khán giả…

(Dân trí) - Một kịch bản cũ đen tối sẽ tái diễn khi những trận đấu bóng đá thuộc UEFA Champions League và UEFA Europa League mùa giải mới 2019-2020 sẽ bị ngừng phát sóng nếu người xem truyền hình không “tẩy chay” các trang web vi phạm bản quyền

Ai đang vi phạm bản quyền?

Tháng 5/2017, Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) bất đắc dĩ phải thông báo ngừng truyền dẫn, phát sóng, quảng bá, phân phối các giải bóng đá UEFA Champions League và UEFA Europa League vì bị xâm hại bản quyền. Có hai hình thức vi phạm phổ biến là cá nhân các tài khoản Facebook, Youtube “vô tư” live tream các trận đấu trên trang mạng xã hội. Hình thức vi phạm thứ 2 là các cá nhân, đơn vị vi phạm bản quyền một cách cố ý, để trục lợi, thu lợi nhuận từ bán quảng cáo.

Suốt 10 tháng liên tục, người xem truyền hình đã bị hụt hẫng, đã không còn được xem các trận đấu trên sóng truyền hình những trận đấu của 2 giải bóng đá Champions League và UEFA Europa League.

Cho đến khi K+ mua được bản quyền truyền hình phát sóng toàn bộ 2 giải đấu UEFA Champions League và UEFA Europa League trong cả 3 mùa giải tiếp theo 2018/19, 2019/20 và 2020/2021 vào tháng 3/2018.


Sở hữu bản quyền 2 giải đấu châu Âu và ngoại hạng Anh, K+ cùng các đối tác đang thiết lập hệ thống chống vi phạm bản quyền nghiêm ngặt trên toàn cầu.

Sở hữu bản quyền 2 giải đấu châu Âu và ngoại hạng Anh, K+ cùng các đối tác đang thiết lập hệ thống chống vi phạm bản quyền nghiêm ngặt trên toàn cầu.

Khoảng trống 10 tháng đó ắt hẳn là một bài học, một trải nghiệm mất mát mà bất cứ người đam mê bóng đá nào đều không hề muốn lặp lại và không muốn tái diễn ở những giải đấu như Ngoại hạng Anh hay La Liga, World Cup hay bất cứ giải đấu nào.

Và thực sự, từ sự cố đó đã thay đổi ý thức của người xem truyền hình. Câu chuyện hơn 20 chuyên gia công nghệ tự nguyện đồng hành cùng VTV rà soát, phát hiện các web, kênh vi phạm bản quyền World Cup năm 2016 là một ví dụ. Hoặc như việc các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet, hosting, tên miền sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng ngăn chặn các đơn vị vi phạm bản quyền.

Những điều đó cho thấy, trong ý thức người xem truyền hình và cộng đồng xã hội việc vi phạm bản quyền truyền hình là đã bị xem là một hành vi xấu, không được ủng hộ. Tuy nhiên, từ bước nhận thức đến việc người xem trở thành tác nhân tham gia chống vi phạm bản quyền là một khoảng cách khá dài, đòi hỏi những hành động tích cực hơn nữa.

Vai trò của “cầu thủ thứ 12”!

Theo đại diện Bộ Thông tin truyền thông, hiện khung khổ pháp lý đã đầy đủ, tạo hành lang để thực hiện nhiều biện pháp mạnh chống vi phạm bản quyền. Từ các bước doanh nghiệp sở hữu bản quyền kiến nghị, tố giác các cơ quan quản lý xử phạt hành chính đến việc khởi kiện dân sự và thậm chí khởi tố hình sự các đơn vị vi phạm. Bên cạnh đó là sự hiệp lực của các tổ chức quốc tế trong các lĩnh vực từ kỹ thuật rà soát, phát hiện các nội dung, chặn đối với các IP vi phạm, ngăn chặn nhập khẩu các thiết bị streaming, chặn nguồn thanh toán đối với các đơn vị quảng cáo trên các nội dung lậu, …Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thể “xoá sổ” được nạn vi phạm bản quyền vì chưa thể ngăn chặn được các đơn vị vi phạm.


Hội thảo bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số đưa ra các giải pháp hiệp lực hữu hiệu giữa các tổ chức nhằm chống vi phạm bản quyền truyền hình.

Hội thảo bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số đưa ra các giải pháp hiệp lực hữu hiệu giữa các tổ chức nhằm chống vi phạm bản quyền truyền hình.

Một trong những giải pháp được đặt ra là người xem chủ động bảo vệ quyền được xem của họ bằng cách “tẩy chay” các web, kênh vi phạm. Nếu người xem không click vào và xem các trận đấu trực tiếp, các Clip lậu thì sẽ không có quảng cáo và kẻ vi phạm sẽ không còn động lực để phát sóng lậu.

Nhận xét về câu chuyện vi phạm bản quyền, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho rằng, phần đông số người Việt Nam tiếp cận chương trình trên mạng không biết chương trình ấy vi phạm bản quyền hay không, họ cũng không có nhu cầu tìm hiểu, bởi vì truy cập, tiếp cận trên internet bây giờ quá dễ”.

“Để cho người dân không xem một sản phẩm mà họ biết rằng vi phạm bản quyền là một câu chuyện không phải dễ làm, cần rất nhiều thời gian”, ông Lâm nói.

Ông Stephane Baumier, Phó Tổng giám đốc Truyền hình K+ cho rằng, K+ đã bỏ ra khoản phí bản quyền lớn để phục vụ khán giả, nhưng bên cạnh đó cũng phải đầu tư số tiền không nhỏ để nâng cấp hệ thống, xây dựng đội ngũ chuyên gia giám sát, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm bản quyền.

“Nhưng, sẽ khó để giải quyết triệt để vấn nạn này nếu không có sự hợp tác từ người sử dụng và hỗ trợ tích cực từ cơ quan chức năng”, ông S.Baumier nói.

Trong diễn đàn bàn tròn trực tuyến mới đây, Ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết thêm: “Câu chuyện ngăn chặn cũng là một câu chuyện dài, có rất nhiều giải pháp và nhiều cách tiếp cận. Thời gian gần đây, nếu nói một cách ngắn gọn, tôi có thể vui mừng nhận thấy rằng, bước đầu có những kết quả. Kết quả cho thấy, các đơn vị cung cấp dịch vụ và những hạ tầng viễn thông hiện nay khi có yêu cầu từ cơ quan quản lí nhà nước là phải ngăn chặn những hành vi vi phạm bản quyền mà đã có bằng chứng rõ ràng thì nói chung, các đơn vị đã vào cuộc ngăn chặn tương đối hiệu quả.”

Có thể thấy rằng, cùng với các giải pháp về chế tài pháp luật của nhà nước, các biện pháp kỹ thuật, công nghệ thì người xem truyền hình đang đóng vai trò quan trọng trong việc chủ động phòng chống, ngăn chặn vi phạm bản quyền truyền hình. Nếu làm được như vậy, nạn vi phạm phản quyền sẽ “không đánh mà tự lui” và chính người xem sẽ không còn phải thắc thỏm sợ bị ngừng phát sóng giữa giải đấu như đã từng bị cách đây không lâu./

KM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm