"Phe vé" thắng lớn trong sự kiện U20 Argentina sang Việt Nam du đấu?
(Dân trí) - U20 Argentina có thêm tiền trong chuyến du đấu tại Việt Nam (6 tỷ đồng), U20 Việt Nam tạm thời biết mình ở đâu sau trận đối đầu với đội bóng có đẳng cấp World Cup. Dù vậy, "phe vé" mới là những người thắng lớn nhất xung quanh sự kiện U20 Argentina sang Việt Nam.
Chẳng hề có cơn sốt vé xung quanh trận đấu của đội tuyển U20 Argentina đụng độ U20 Việt Nam trên sân Thống Nhất. Hoặc giả, nếu có thì đấy là cơn sốt ảo, được tạo ra bởi dân “phe vé”, bằng chiêu gom vé, “ngâm” vé và tung vé ra đúng thời điểm quá tài tình và lành nghề của dân này.
Nếu so với các sự kiện của lứa U19 của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… hoặc thời XM Xuân Thành Sài Gòn của bầu Thuỵ còn nổi đình nổi đám vài năm trước, thì sự kiện U20 Argentina thua xa về mặt sức hút.
Trận này không khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam nói chung, người hâm mộ bóng đá TPHCM nói riêng lên cơn sốt vì việc các đội bóng nước ngoài, các ngôi sao ngoại đến Việt Nam không còn là chuyện hiếm, huống hồ các cầu thủ U20 Argentina hiện chưa đạt đến tầm mức ngôi sao, nên khán giả trong nước nhìn chung cũng đã nhàm.
Về măt chuyên môn, dấu ấn dành cho 2 đội tham dự trận đấu U20 Việt Nam – U20 Argentina cũng không rõ rệt. U20 Việt Nam nhiều thử nghiệm vẫn chưa thành vì đối thủ quá mạnh (thử nghiệm vị trí thay Tiến Dụng, thử nghiệm các tình huống cố định, thử nghiệm lối chơi phản công…), U20 Argentina thì chưa thể thử hết các mảng miếng của họ, vì chưa cần bung hết sức, chưa cần tăng tốc vẫn thắng rất đậm.
Nếu là vì chuyên môn, có lẽ đội bóng Nam Mỹ sẽ chọn đá giao hữu với đại diện của một nền bóng đá khác mạnh hơn bóng đá Việt Nam, chứ chưa chắc đã đến đây để trước là có thêm tiền, sau là làm quen múi giờ và thời tiết ở vùng Viễn Đông châu Á, trước khi sang Hàn Quốc dự World Cup.
Thành ra, dân cò vé, phe vé lại là những người thu lợi lớn nhất từ sự kiện U20 Argentina đến Việt Nam.
Khâu phân phối vé của VFF đã hợp lý hay chưa hiện vẫn là một câu hỏi lớn? Không một chiếc vé ở vị trí đẹp nào (các khán đài A1, A2, A3) được bán ra ở các quầy vé, khiến những người hâm mộ truyền thống không thể tiếp cận với các loại vé trên với giá gốc.
Vé của các khán đài vừa nêu được phân phối qua đường công văn, bước đầu tạo nên tình trạng sốt vé ảo trên thị trường.
Câu hỏi thứ hai được đặt ra là ngay trước giờ mở cửa bán vé chính thức tại sân Thống Nhất, dân phe vé đã có sẵn số lượng lớn để chào mời người xem? Trong đó có cả vé ở những vị trí đẹp mà nhiều người hâm mộ khát khao, vốn chỉ được phân phối qua đường… công văn, về lý thuyết phải được giới thiệu bởi những cơ quan chủ quản có thương hiệu và có uy tín?
Và thứ ba, phải kể đến các chiêu trò láu lỉnh, cùng nghệ thuật làm giá, “ngâm” vé của dân cò, dân phe vé: Lúc nào thì gom tối đa, lúc nào giữ vé, giữ giá không bán và lúc nào thì tung ra thị trường bán lẻ.
Đấy cũng chính là lý do mà đến sát giờ bóng lăn, sân Thống Nhất tối 10/5 mới có lượng lớn khán giả đổ vào sân, bởi đến sát giờ thi đấu, dân phe mới ồ ạt tung vé ra thị trường, sau khi đã tạo thành công cơn sốt vé ảo, và đẩy giá lên cao ngất.
Người hâm mộ thực thụ mua vé rất khó khăn, trong khi dân phe rất dễ kiếm vé và gom vé, đấy lại là một câu hỏi lớn khác được đặt ra xung quanh những sự kiện như thế này? Bởi, nếu trình trạng trên cứ lặp đi lặp lại thì sự kiện cuối cùng không thể phục vụ những khán giả chân chính như lẽ ra phải thế!
Trọng Vũ