Ông Phạm Ngọc Viễn: “Đề xuất của VPF chỉ là giải pháp tình thế”
(Dân trí) - Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn cho rằng ở thời điểm bóng đá Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn như hiện tại, những đề xuất của VPF khó có thể hoàn hảo và chỉ mang giải pháp tình thế.
PV: Phản ứng của VPF thế nào sau những chỉ trích thời gian qua của báo chí và dư luận liên quan đến các đề xuất gây sốc?
Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn
Như vậy là những đề xuất của VPF là để đối phó với bối cảnh nền bóng đá không mấy sáng sủa phía trước?
Đúng vậy. Phải tìm ra giải pháp tình thế nhưng mang tính chất đột phá, mà đã không bình thường thì có rất nhiều trở ngại.
Năm 2014 được dự báo tiếp tục khó khăn, VPF sẽ làm gì để giúp các đội vượt qua khủng hoảng? Khủng hoảng có nguy cơ kéo dài, VPF không thể mãi đưa ra các giải pháp tình thế như hiện tại. Vậy trong những mùa giải tới, VPF sẽ hỗ trợ các CLB như thế nào?
Chúng tôi chỉ hỗ trợ công tác tổ chức giải, còn các vấn đề tài chính thì cũng giống các CLB trên thế giới, họ phải tự chủ. Các doanh nghiệp tự đảm bảo nguồn kinh phí. VPF chỉ hỗ trợ về giải thưởng cũng như các chế độ cho đội ngũ giám sát, trọng tài thôi.
Liên quan đến các đề xuất của VPF, đến ngay cả các CLB cũng không ủng hộ. Ông có cho rằng những vấn đề này sẽ rất khó nhận được sự thống nhất cao trong Hội nghị BCH ngày hôm nay?
Khi chúng ta cùng bàn những giải pháp tháo gỡ khó khăn, những giải pháp có thực thi được không thì tất cả cùng phải chung tay vào giúp bóng đá Việt Nam. Khi đội tuyển cần giải pháp để nâng cao cho cầu thủ trẻ có cơ hội tham dự, nhưng các CLB không sẵn sàng thì người ta không có trách nhiệm đóng góp với bóng đá Việt Nam. Tất nhiên còn phải phục thuộc các cầu thủ đó ảnh hưởng như thế nào với các CLB.
Tất nhiên, tôi thừa nhận có những khó khăn lớn. Chẳng hạn như nếu Tổng cục TDTT hay VFF thành lập đội U22 sẽ phải đảm bảo nguồn kinh phí, có sự đàm phán với các CLB chủ quản. VPF với khả năng của mình sẽ tham gia hỗ trợ phần nào. Còn về điều kiện ăn ở, tập luyện, chúng tôi đảm bảo đã có đủ.
Trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp có các quy định liên quan đến việc CLB có nghĩa vụ đóng góp quân cho ĐTQG, nhưng trường hợp này kéo dài 1 năm và có nhiều cầu thủ chất lượng, nên phải tìm giải pháp giải quyết.
Theo cá nhân tôi, chúng ta nên gọi luân phiên cầu thủ ở các CLB, chia làm 2 giai đoạn, để họ không bị mất quân, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu để U22 có cơ hội cọ xát.
Thực tế việc tạo điều kiện cho U22 tham dự giải VĐQG là một cách làm hay, nhưng vì sao áp dụng ở bóng đá Việt Nam lại rất khó, thưa ông?
Bóng đá khu vực đã áp dụng cách làm này từ lâu. Tuy nhiên, U22 Malaysia và Singapore lại có cách làm rất khác, cụ thể là cầu thủ không phải thành viên các CLB. Họ có những trường huấn luyện “gà nòi”, tập luyện với nhau nhiều năm và BTC tạo điều kiện cho các đội này tham dự giải VĐQG. Tôi cho rằng việc đưa U22 tham dự V.League năm nay, sẽ là tiền đề để bóng đá Việt Nam có những thay đổi. Tới đây VFF sẽ phải tổ chức các tuyển trẻ như các nước trong khu vực. Đáng lẽ chúng ta phải làm như vậy lâu rồi, vì chúng ta đang có 1 trung tâm đào tạo bóng đá trẻ khang trang nhất ĐNA. Việc VFF cũng xin nguồn kinh phí từ Chính phủ, cũng không phải quá khó.
Ông lý giải thế nào về đề xuất V.League không có đội xuống hạng?
Việc bàn đưa U22 tham dự giải có nghĩa các CLB bị ảnh hưởng bởi mất một số cầu thủ, dẫn đến thiệt thòi các CLB. Chính vì thế mà mới có phương án không có đội rớt hạng. Để tránh tình trạng tiêu cực và giải đấu nhàm chán, VPF sẽ nâng giải thưởng lên. Rõ ràng chúng tôi nghĩ rằng nếu giải thi đấu không có đội xuống hạng sẽ kém hấp dẫn. Các đội không có mục tiêu cao, sẽ thi đấu uể oải. Nhưng đây cũng mới chỉ là đề xuất lấy ý kiến, để các CLB tự quyết định. Ý kiến quyết định cuối cùng phải thông qua VFF. Tất cả sẽ rõ ràng trong ngày hôm nay. Chúng tôi sẽ đưa ra 3-4 phương án khác nhau để BCH VFF và đại diện các CLB cùng góp ý. Nhưng tôi cho rằng giải pháp nào cũng không hoàn thiện trong hoàn cảnh này, nên sẽ chọn giải pháp nào tốt nhất.
Xin cảm ơn ông!
Bằng Tường thực hiện