Nói “không” với tiêu cực

Khởi đầu vất vả như vậy mà một năm nhiều nhất mới được thi đấu hai giải, nhiều người tưởng rằng bóng đá nữ lúc nào cũng “xìu xìu, ển ển”, chẳng mấy ai quan tâm. Vậy thì làm gì có mua bán độ hay dàn xếp tỉ số ?

Nhưng sự thật, một nữ tuyển thủ đã kể cho tôi nghe chuyện chị và các đồng đội ở đội Hà Nội đã dứt khoát nói một từ duy nhất là “không” trước “lời đề nghị khiếm nhã” của một lãnh đạo đội T khi đề nghị dàn xếp để cho đội kia thắng trận ở Đại hội TDTT toàn quốc cách đây ba năm. Và nỗi truân chuyên của bóng đá nữ không chỉ có thế...

 

“Thà là tiêu hao nhan sắc…”

 

Tiền vệ Thúy Nga là một trong những nữ tuyển thủ thế hệ đầu của bóng đá nữ VN và đã hai lần (năm 2001 và 2003) chị cùng đội tuyển VN bước lên ngôi cao nhất ở Đông Nam Á (chưa tính tấm HCV giải tiền SEA Games từ năm 1997).

 

Cũng có thể coi là Nga may mắn hơn hàng chục nữ cầu thủ thế hệ đầu khi đến giờ vẫn gắn bó với bóng đá nữ - Nga và Bích Hạnh hiện là hai nữ cán bộ trẻ ở Ban bóng đá nữ của VFF. Tuy nhiên, để kiếm được một chỗ “đi-về” ổn định mà tất cả nữ cầu thủ đều mơ ước, với Thúy Nga cũng là 14 năm tiêu hao sức lực và nhan sắc với rất nhiều kỷ niệm... phát sợ.

 

Nga đến với bóng đá nữ vì thần tượng... tờ báo Hoa Học Trò khi mới 15 tuổi. Năm 1992, Hà Nội tuyển lứa bóng đá nữ đầu tiên do báo Hoa Học Trò đứng ra tổ chức. Nga cho đó là một vinh dự khi được khoác trên mình tấm áo mang tên tờ báo mà cô yêu thích.

 

Lứa đó có Minh Nguyệt, Bích Hạnh, thủ môn Hương Giang, Thúy Nga, Diệu Sinh... “làm mưa làm gió” ở các giải bóng đá nữ thời kỳ đầu mà người gây dựng là giám đốc Sở TDTT Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang.

 

“Cho đến giờ, khi nhớ lại quãng đời VĐV, tôi nghĩ mình không phải là người con gái bình thường mà là rèn luyện không khác gì lính. Suốt ngày ăn, tập. Nhiều lúc tập mệt quá không muốn ăn gì nhưng nhận được câu nói “ăn là nhiệm vụ, ăn vì đi thi đấu cho quốc gia” là lại nhắm mắt nuốt” - Thúy Nga kể.

 

Tiền vệ đeo áo số 8 xuất sắc nhất bóng đá nữ Đông Nam Á một thời cũng không thể quên được giai đoạn chuẩn bị cho Asiad 14 tại Thái Lan (1998). Đội tuyển nữ dưới sự dẫn dắt của HLV Giả Quảng Thác rất lo lắng cho thành tích ở đấu trường lớn nên yêu cầu các học trò tập luyện cực nặng.

 

Tại Trường ĐH TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh), 20 cô gái cứ tập từ 8g-11g, rồi lại 14g-15g30 mới được nghỉ. “Có hôm đi tập về, tắm giặt xong, vừa nghỉ lại tập tiếp. Đến nỗi có bạn gội đầu tóc vẫn chưa kịp khô đã lại ra sân - Nga phải lè lưỡi - Mùa hè nóng bức, tập nặng nên mặt mũi người nào cũng như Bao Công, khi soi gương sợ quá không nhận ra mình nữa.

 

Chúng tôi không dám gặp bạn bè, người thân, không dám ra ngoài đường vì đen quá. Nhiều người cứ đến gần gương là quay lưng lại, đi ngay”.

Nói “không” với tiêu cực - 1
  

Pha tranh bóng của nữ Việt Nam

tại SEA Games 23.

 

Ở châu Á thì bóng đá nữ VN chưa là gì, nhưng ở Đông Nam Á, hai tấm HCV và hàng loạt chức vô địch các giải mở rộng, vô địch quốc gia cũng đền đáp phần nào sự hy sinh của các chị.

 

Nhưng nếu chỉ biết đá bóng thôi thì sau khi giải nghệ đã phải lo lấy xe bánh mì như thủ môn Kim Hồng, mở cửa hàng bán quần áo như Diệu Sinh hay làm công nhân một xí nghiệp nào đó là hạnh phúc. Nga và một vài đồng đội khác thì vừa tập vừa cắn răng học, phòng lúc không chạy theo quả bóng được nữa...

 

“Năm 2001, vừa tập trung đội tuyển quốc gia, vừa theo học Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội có tôi, Hồng Phúc và Minh Nguyệt. Năm cuối không theo học đủ thì phải lưu ban. Thế nên đang thi đấu giải quốc tế mở rộng ở Quảng Ninh, chúng tôi vẫn phải xin phép HLV về Hà Nội để có mặt ở lớp học.

 

Sau trận đấu mệt mỏi, đi ôtô về Hà Nội ngay từ 1 giờ sáng. Về đến Gia Lâm là 5 giờ, cả ba mắt nhắm mắt mở đi bộ nhầm ngược trở lại đường đi... Quảng Ninh. Vào đến lớp, điểm danh xong thì cả ba lăn quay ra ngủ. May mà cũng đủ điều kiện dự thi”.

 

Và hầu hết lứa tuyển thủ nổi tiếng của bóng đá nữ Hà Nội thế hệ đầu đều tốt nghiệp cao đẳng hoặc ĐH TDTT. Cả ba cô ngủ gật năm nào thì Hồng Phúc đã trở thành giáo viên Trường THCS Yên Hòa và dạy bóng đá ở Trung tâm TDTT huyện Từ Liêm, Nga thì vào làm ở VFF và Minh Nguyệt là giáo viên Trường Tô Hoàng (Hà Nội).

 

Hồi SEA Games 2003, Nguyệt đã phải bỏ ra 2 triệu đồng để mua 50 vé bóng đá theo yêu cầu của các học sinh: “Muốn xuống Hải Phòng cổ vũ cho cô”.

 

Chính Thúy Nga kể cho tôi nghe câu chuyện chị và các đồng đội đã phải từ chối thế nào khi chuẩn bị bước vào những trận đấu quan trọng ở giải VĐQG nữ trong khuôn khổ Đại hội TDTT toàn quốc năm 2002.

 

Lãnh đạo đội T vì rất “khát” thành tích cho bóng đá nữ tỉnh nhà đã đến đặt vấn đề với một số trụ cột của đội. “Nếu “buông” cho đội đó thắng, Nga và một vài đồng đội sẽ được chia 40 triệu đồng: “Biết rằng số tiền ấy là rất lớn so với mức thu nhập của bóng đá nữ nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết gạt đi”.

 

Chỉ với một lý do đơn giản: “VĐV đã thiệt thòi về kiến thức xã hội thì phải biết để người ta tôn trọng về tư cách con người”.

 

Nữ cầu thủ “sóng gió” nhất của bóng đá VN

 

Nhiều người đã gọi Hiền Lương - trợ lý HLV đội tuyển nữ VN hiện tại - như vậy. Nhìn lại mấy năm chị thăng trầm cùng những xìcăngđan, thậm chí mang tai mang tiếng, mới hiểu vị trí chị giữ được ngày hôm nay là cả một thử thách đến cỡ nào.

 

Là đội trưởng ĐT nữ VN nhiều năm, Lương cũng thuộc thế hệ đầu. Gia đình không khá giả nhưng cô con gái có cá tính ấy đã thành danh với bóng đá nữ, dù nhiều lúc danh dự và sự nghiệp của chị tưởng đã “đổ xuống sông, xuống bể”.

 

Nói “không” với tiêu cực - 2
 

Sau những tấm huy chương, ai trong số những nữ

tuyển thủ nữ tiếp tục với trái bóng tròn?

 

Đặc biệt là thời điểm tại SEA Games 21, khi bóng đá nữ VN đang trên đường chinh phục tấm HCV SEA Games đầu tiên thì ngay tại đất Malaysia, đội tuyển bóng đá nữ VN đã xảy ra hàng loạt mâu thuẫn, có lúc tưởng đã bùng to.

 

Ban đầu, một số lãnh đạo đội người Việt không ưa HLV Steve Darby nên đã tìm cách chống lại ông. HLV Darby đã quyết định ra đi, nếu không có Hiền Lương và một số cầu thủ chân tình khác níu ông lại bằng được, bất chấp những bất lợi cho bản thân có thể đến từ thái độ này của các chị.

 

Và quả thật, ở SEA Games, khi Hiền Lương cùng HLV bơm bóng, xách giày cho đồng đội, lo đôn đốc các bạn làm đúng theo giáo án của HLV trưởng thì bị coi là thành lập “phe phái”, coi thường các thầy nội. Chị cũng không tham gia nhóm cầu thủ được các ông Q., H. bí mật gọi ra tập riêng để chống lại giáo án của HLV trưởng...

 

Đội nữ VN dưới sự dẫn dắt của ông Darby lần đầu đăng quang ngôi vô địch SEA Games nhưng về nước, hàng loạt búa rìu của những người không ưa bắt đầu đổ xuống đầu “kẻ chống đối” đơn độc Hiền Lương. Họ gán cho chị những chuyện không hay khiến chị phải từ giã cả đội Hà Nội (nơi gắn bó từ những ngày đầu) để đầu quân cho Than Quảng Ninh, vừa đá bóng vừa học.

 

Nhưng chuyện thi đấu của Lương cũng bị ngăn cản bằng mọi cách vì theo qui định ở đại hội TDTT năm đó là phải có hộ khẩu địa phương mới được thi đấu, mà Lương không có.

 

Suốt thời gian khủng hoảng này, Lương thu mình, khép kín, hầu như không giao tiếp với ai và vì chưa biết làm gì, Lương lại xin về đội nữ Thái Nguyên làm HLV phó. Nhưng tỉnh nghèo, đội lúc nào cũng đứng trước nguy cơ giải tán nên nhiều lúc không biết đi đâu, về đâu.

 

Lương đã tính đi xuất khẩu lao động. Nhưng những bức email của HLV Darby từ Anh về vẫn khuyên cô học trò nên cố gắng đi học và theo bóng đến cùng, không nên ra nước ngoài khi không có vài chữ tiếng Anh trong tay. Ông cũng gửi về cho Lương băng, sách về huấn luyện bóng đá nữ.

 

Theo lời thầy, Lương đã hoàn tất ĐH TDTT với vô vàn khó khăn về điều kiện kinh tế. Nhưng khi ra trường rồi, những câu chuyện không đúng ngày xưa vẫn khiến nhiều người e ngại.

 

May mà ông Nguyễn Trọng Hỷ, phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT, thấy day dứt trước trường hợp một nữ cầu thủ có nhiều đóng góp mà vẫn phải “đứng bên lề”, nên đã nói với Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia I nhận Lương vào làm nhân viên từ hai năm trước.

 

Bắt đầu từ đó Hiền Lương đã được trở lại là mình. Chị cố gắng ôn luyện và đỗ đầu trong kỳ thi tuyển biên chế vào Ủy ban TDTT, mới được các HLV tin tưởng đưa vào danh sách trợ lý cho đội tuyển nữ. Những chuyện buồn ngày xưa đã thật sự khép lại với Lương rồi!

 

Theo Ngọc Lan

Tuổi trẻ