1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Những việc cần làm ngay của VFF

Cơn “sóng thần tiêu cực” vừa phá sạch BĐVN tạo nên một cú sốc cực lớn trong dư luận, xóa sạch niềm tin của người hâm mộ. Đó là thực tế không thể chối cãi. Nhưng không có điều gì không làm được nếu chúng ta biết nhìn thẳng vào sự thật.

Không chùn tay trước tiêu cực

 

Điều tưởng có tính nguyên tắc ấy ai cũng hiểu nhưng làm không dễ. Liên tiếp các khóa của VFF đều đặt công tác chống tiêu cực lên hàng đầu, cuối cùng cũng phải... đầu hàng. Vì sao vậy? Đơn giản vì VFF thiếu kiên quyết, thiếu bản lĩnh, lệ thuộc quá nhiều vào CQĐT, trong khi đó lại quên mất mình là một tổ chức xã hội, đủ quyền sinh sát theo những điều luật của FIFA. Kết quả là câu hỏi “Chứng cứ đâu?” luôn làm cho VFF nhức đầu trong suốt thời gian qua.

 

Mặt khác, “bệnh tiêu cực” của BĐVN đã trở thành mãn tính, để quá lâu nên khó chữa. Trên thực tế, người ta đã nợ nhau nhiều quá nên khó kỷ luật nhau, khó xử lý triệt để từng vụ việc, dẫn đến cách xử lý nửa vời, thiếu nghiêm túc, buông lỏng kỷ cương.

 

Thái độ chùn tay trước tiêu cực đã từng xảy ra nhiều lần. Ngay cả trong khóa V này, thái độ đó vẫn tiếp diễn. Xin dẫn chứng: Tại Hội nghị Trọng tài vừa qua, báo cáo tổng kết của ông Nguyễn Ngọc Vinh (Chủ tịch Hội đồng Trọng tài) có cái nhìn quá lạc quan, né tránh tiêu cực, trong khi scandal trọng tài đã được phơi bày, hàng loạt trọng tài dính líu, một số trọng tài phải vào trại giam. Chẳng lẽ lãnh đạo VFF không biết cái báo cáo trật chìa ấy? Vô lý! Chỉ có “não trạng” chống tiêu cực nửa vời của VFF mới chấp nhận báo cáo thiếu trung thực ấy.

 

Cơn khủng hoảng đẩy BĐVN vào tận cùng của bi kịch, nhưng cũng là cơ hội để BĐVN quét sạch rác rưởi. Phải biết chấp nhận thực tế, chấp nhận sự tụt hậu nhất thời để làm lại từ đầu. Phải làm cho BĐVN thực sự sạch, không còn “H5N1 tiêu cực”, dù phải tổn thất lớn.

 

VFF vừa có một số đề nghị có tính tích cực như đề nghị C14 điều tra một số trận đấu có dấu hiệu tiêu cực ở cấp độ đội tuyển. Có thể đó là chuyển biến đáng ghi nhận nhưng dư luận đang đòi hỏi VFF phải thực sự kiên quyết ở mặt trận quan trọng này.

 

VFF nên làm gì lúc này?

 

Xin trả lời: VFF đang tìm mọi cách để các giải ở mùa bóng 2006 chạy trơn tru. Đó cũng là một “canh bạc” lớn của chính VFF trong hoàn cảnh uy tín của BĐVN xuống đến mức thấp nhất. Nhưng dư luận đặt câu hỏi nóng bỏng hơn: VFF phải làm gì để đối phó với “cơn sóng thần” vừa qua?

 

Có người nói VFF đang... "đắp chăn, chưa tỉnh ngủ"! Nói vậy hơi quá nhưng phải công nhận rằng sự ứng phó của VFF với “cơn sóng thần” vừa qua là thiếu bản lĩnh.

 

VFF là một tổ chức xã hội có tính nhạy cảm cao. Trong trường hợp này, VFF nên tổ chức ngay cuộc họp của ban chấp hành và có thông báo kết luận chính thức, để ổn định dư luận. Một tổ chức xã hội mà không tận dụng được chất xám của xã hội là điều không bình thường. Làm sao để công luận đứng về phía mình là điều Thường trực VFF phải suy nghĩ.

 

Trách nhiệm của Ủy ban TDTT

 

Với chức năng quản lý Nhà nước, Ủy ban phải dũng cảm nhận trách nhiệm mới có thể giúp BĐVN làm lại từ đầu được. Khóa V của VFF mới hoạt động được 6 tháng đã lâm vào khủng hoảng khi ông Lê Thế Thọ, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, phải từ chức. Chiếc ghế “nhạy cảm” đó được xử lý ra sao, nhân sự Thường trực VFF còn lại có đủ bản lĩnh, năng lực để lèo lái VFF thoát khủng hoảng?

 

Một kế hoạch khoa học giúp VFF đối phó với cơn khủng hoảng này một cách hiệu quả nhất phải được xây dựng ngay, bởi chắc chắn cơn khủng hoảng này còn kéo dài.

 

Nói tóm lại, công việc trước mắt của VFF, của Ủy ban TDTT là một kế hoạch ứng phó với khủng hoảng, trên cơ sở chống tiêu cực một cách triệt để và cương quyết. Song song với việc thực hiện kế hoạch đó là vạch cho được một chiến lược để BĐVN phát triển đúng hướng.

 

Theo Người lao động