1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Những vấn đề về trọng tài ở ngày mở màn V-League 2017

(Dân trí) - Ngay vòng đầu tiên, đã có hai đội bóng phàn nàn về trọng tài, toàn đến từ các lỗi nhận định, mà ở đấy người ta cho rằng các ông “vua sân cỏ” không mạnh về chuyên môn và không cao về bản lĩnh.

Câu chuyện trọng tài

HLV Vũ Quang Bảo (Cần Thơ) cho rằng trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh bỏ qua 1 quả phạt đền rõ ràng mà Cần Thơ đáng được hưởng trong trận đấu với Long An. Ông Bảo nói ông thấy trọng tài đã để còi lên miệng toan thổi, nhưng lại không thổi.

Đấy là hình thức chê trọng tài về mặt năng lực và về mặt bản lĩnh, rằng ở đây, theo vị HLV của đội Cần Thơ, trọng tài có thể thổi phạt đền, nhưng ngập ngừng không dám thổi.

Trong khi đó, ở sân Hàng Đẫy, tình huống trọng tài Nguyễn Đức Vũ bỏ qua pha bóng mà Than Quảng Ninh cho rằng cầu thủ CLB Hà Nội T&T kéo rõ ràng cầu thủ tấn công của Than Quảng Ninh trong khu cấm địa, khiến nhiều người không khỏi thắc mắc.

Người ta thắc mắc ở chỗ động tác cắt còi của trọng tài Đức Vũ ngay sau tình huống xảy ra va chạm là động tác cho đội khách Than Quảng Ninh hưởng phạt đền, nhưng ngay lập tức sau đó ông Vũ gần như “bẻ còi”, để đội chủ nhà Hà Nội phát bóng lên.

Trận Cần Thơ - Long An là trận đấu bị than phiền về công tác trọng tài (ảnh: N.Đ)
Trận Cần Thơ - Long An là trận đấu bị than phiền về công tác trọng tài (ảnh: N.Đ)

Còn nhớ, trước khi V-League 2017 khởi tranh, VFF đã có hàng loạt động thái hòng chấn chỉnh chất lượng giải đấu, trong đó có chấn chỉnh công tác trọng tài. Mới nhất, chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng còn trực tiếp chỉ đạo việc chấn chỉnh này.

­Tuy nhiên, như chúng tôi từng nhận định, số lượng và chất lượng trọng tài Việt Nam chỉ có thể, bản lĩnh của họ chỉ đến đó, một khi các trận đấu nóng lên, xuất hiện nhiều tình huống nhạy cảm thì chẳng có gì đảm bảo được rằng các trọng tài sẽ bắt tốt? Vì năng lực của họ chỉ có vậy.

Cải thiện chất lượng trọng tài có lẽ vẫn sẽ là câu chuyện dài kỳ, một khi cách làm và nhân sự ở Ban trọng tài vẫn vậy. Chỉ hiềm một nỗi, khâu trọng tài càng chậm đổi mới, chất lượng trọng tài càng chậm được nâng cao thì giải đấu sẽ lại đối diện với hàng loạt thách thức, đối diện với hàng tranh cãi và sự nghi kỵ lẫn nhau giữa người tham gia cuộc chơi và người điều hành cuộc chơi.

Ai là ứng cử viên vô địch?

Một vấn đề khác của mùa giải là đội nào thật sự muốn vô địch V-League năm nay? Vấn đề này liên quan đến tính cạnh tranh của giải đấu, vì càng nhiều đội muốn vô địch, thì cuộc đua càng căng thẳng, và người xem càng có lợi.

Dù vậy, chưa bao giờ V-League lại hiếm đội tuyên bố sẵn sàng vô địch như hiện nay. Mục tiêu chung chung của nhiều đội bóng chỉ là trụ hạng.

CLB TPHCM của Quyền chủ tịch Lê Công Vinh dù đầy tuyển thủ và cựu tuyển thủ quốc gia vẫn chỉ mong trụ hạng (ảnh: Trọng Vũ)
CLB TPHCM của Quyền chủ tịch Lê Công Vinh dù đầy tuyển thủ và cựu tuyển thủ quốc gia vẫn chỉ mong trụ hạng (ảnh: Trọng Vũ)

Đến ngay cả CLB TPHCM vốn đã có ít nhất 60 tỷ đồng từ các nhà tài trợ, thu hút không ít tuyển thủ và cựu tuyển thủ quốc gia (Đình Luật, Âu Văn Hoàn, Phước Vĩnh, Duy Nam...) cũng chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn trụ hạng.

Mà trụ hạng tại V-League có phải là việc khó đâu, bởi 14 đội dự tranh, chỉ có 1 suất rớt hạng (tỷ lệ cực thấp: Khoảng 7%), nhưng đáng tiếc là hầu hết các đội đều không có tham vọng tiến xa hơn thế.

Thành ra, quanh đi quẩn lại người ta chỉ thấy có 3 cái tên thật sự muốn có ngôi vương, đó là Thanh Hoá, Than Quảng Ninh và đương kim vô địch Hà Nội.

Các đội khác không dám tuyên bố. Với các đội đấy, tạo được bất ngờ thì tốt (kiểu như Hải Phòng năm ngoái), bằng ngược lại thì đá tới đâu, hay tới đó.

V-League sau vòng đầu có số lượng khán giả không đến nỗi tệ, riêng 2 sân Hoà Xuân (Đà Nẵng) và Lạch Tray (Hải Phòng) thu hút trên 15.000 người xem/trận. Tuy nhiên, đấy chỉ là vòng đầu, làm thế nào để duy trì được sự hưng phấn ấy, sự ổn định về mặt người xem đấy đến giai đoạn cuối giải mới là chuyện đáng bàn? Người ta không lạ cảnh V-League khác với nhiều giải đấu trên thế giới ở chỗ càng về cuối giải càng vắng người theo dõi.

Ngay như CLB TPHCM trong ngày ra mắt cũng chưa thật sung về số lượng CĐV. Đội bóng có Quyền chủ tịch là Lê Công Vinh rất nổi tiếng, bên cạnh có cô vợ là ca sĩ Thuỷ Tiên cũng nổi tiếng không kém mà chỉ mang được khoảng 7.000 khán giả đến sân Thống Nhất thì vẫn chưa phải là con số cao.

Và chuyện khán giả đông hay vắng rốt cuộc vẫn cứ phải trông chờ vào chất lượng chuyên môn. Các đội đá hay, đá sòng phẳng, đá cạnh tranh, chơi ổn định thì tự khắc người xem sẽ đến với họ.

Kim Điền

Những vấn đề về trọng tài ở ngày mở màn V-League 2017 - 3