Những tượng đài World Cup (Kỳ 2)

(Dân trí) - Họ đã từng đốt cháy hàng tỷ trái tim bằng tài năng, nhân cách, nhiệt huyết và niềm đam mê bất diệt. Cả thế giới bóng đá nhắc tên họ với niềm tôn kính. Họ là ai?

Johan Cruyff (Hà Lan): Cruyff đến với World Cup như một làn gió thoảng qua, nhưng đã kịp để lại những ấn tượng không thể phai mờ.

 

Người đội trưởng ĐT Cơn lốc màu da cam cùng với Những người bạn tóc dài Johan Neeskens, Wim Van Hanegem và Ruud Krol đã mang đến cho bóng đá thế giới một triết lý cách mạng: Bóng đá tổng lực.

Với Cruyff bên hành lang cánh trái, người Hà Lan tự hào phô diễn trước con mắt thán phục của toàn thế giới một lối đá hào hoa và lãng mạn.

Những pha lên bóng ào ạt với 5 tiền đạo, những màn đan bóng đẹp như tranh vẽ, Johan Cruyff đã đưa Hà Lan vào đến trận chung kết và chỉ dừng bước trước chủ nhà Tây Đức 1-2, một trận đấu mà cho đến bây giờ lịch sử vẫn ca tụng kẻ thua cuộc.

Những tượng đài World Cup (Kỳ 2) - 1
Thánh Johan, người khởi xướng bóng đá tổng lực 

Đối với Cruyff, chiến thắng đồng nghĩa với cống hiến, với những bàn thắng và cả những màn trình diễn nặng tính nghệ thuật. Không tính toán, không đặt nặng thắng thua, Johan là người đặt bóng đá lên cao hơn mọi tôn giáo.

Chính vì thế mà trong môn túc cầu, có Vua, có Hoàng đế, nhưng không ai ngoài Cruyff được phong là “Thánh”: Thánh Johan, vị thánh của bóng đá tài hoa và thánh thiện. Với Cruyff, người ta phát hiện ra rằng, trong bóng đá,cũng như trong cuộc đời, con người có thể tô điểm cho nó bằng một sức sáng tạo vô hạn.

30 năm đã trôi qua, nhưng triết lý tấn công tổng lực vẫn luôn nằm trong tư duy bóng đá của người Hà Lan, và lịch sử ghi tên ông với một cột mốc đặc biệt: Bước ngoặt Johan.

Ference Puskas (Hungary): Không ai có thể phủ nhận một sự thật: Ferenc Puskas là người con lỗi lạc nhất của bóng đá Đông Âu nói chung và Hungary nói riêng. Với biệt danh là Vị tướng cấp tiến, Puskas là người khởi xướng thứ bóng đá Tổng lực chưa được đặt tên ở thập kỷ 1950.

Ông là người đội trưởng số 10 huyền thoại đã đưa ĐT Hungary đoạt huy chương vàng Olympics 1952 và tiếp tục chuỗi thành tích bất bại ấn tượng kéo dài đến trận chung kết World Cup 1954.

Những tượng đài World Cup (Kỳ 2) - 2
Puskas, chiếc áo số 10 kinh điển
của bóng đá Hungary
 

Năm đó, cả thế giới kinh hoàng trước sức tấn công dường như không thể cản nổi của ĐT Hungary. Ở vòng bảng, Puskas và đồng đội đã dội mưa bom vào lưới Tây Đức và kết thúc trận đấu với tỷ số kỷ lục 8-3.

Thế nhưng, cũng trước đối thủ Tây Đức tưởng chừng như nhỏ bé đó, số phận đã quay lưng với Hungary trong trận chung kết. Thua 2-3, không thể tin được Hungary hùng mạnh lại không đoạt Cup Nữ thần vàng. Lúc đó Puskass bị chấn thương.

Mặc dù có dáng vẻ thấp đậm và chỉ thuận chân trái, nhưng trong sự nghiệp vinh quang của mình, Puskas đã đóng góp cho đội bóng tổ quốc 83 bàn thắng trong 84 trận.

Không chỉ là một huyền thoại ở Mondial, Puskas còn là niềm khiếp đảm của các đội bóng châu Âu với 4 năm liên tiếp là Vua phá lưới La Liga và 4 lần vô địch châu Âu. Những vinh quang đó gắn liền với những năm tháng huy hoàng nhất trong lịch sử Real Madrid.

Michel Platini (Pháp): Được mệnh danh là Ông vua trung tuyến. Platini là thủ quân và là thủ lĩnh tinh thần của ĐT áo lam hùng mạnh của thập kỷ 1980s.

Mọi lời nói đều là không đủ với thiên tài người Pháp này. Ông là mẫu tiền đạo số 10 kinh điển, với đầy đủ phẩm chất thiên định của một cầu thủ tấn công đỉnh cao. Mặc dù là một tiền vệ, nhưng bản năng ghi bàn của Platini có thể khiến cả những trung phong hàng đầu thời bấy giờ ghen tỵ và kính nể.

Những tượng đài World Cup (Kỳ 2) - 3
 Platini và niềm vui vô địch Euro 82

Lịch sử nhận ra Platini như là một con người quyết định các trận đấu lớn, một chân sút hàng đầu, một người nhạc trưởng mẫu mưc, một chuyên gia đá phạt và là một người khởi xướng mọi đợt tấn công của đội bóng Gaulois.

Ngoài ra, với khả năng đọc trận đấu có một không hai, Platini luôn là người tung ra những đường chuyền sát thủ để quyết định số phận của trận đấu. Ở châu Âu lúc đó, người ta nói rằng trong vòng 50 mét, những đường chuyền của Platini có thể đạt độ chính xác tính bằng centimet!

Đến với Juventus năm 1982, Platini đã 3 năm liền không có đối thủ cạnh tranh danh hiệu Vua phá lưới Serie A, và cũng 3 năm liền được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu.

Có mọi vinh quang với Bà đầm già, điều tiếc nuối duy nhất của Michel là chưa một lần đưa ĐT áo lam đến vinh quang cao nhất ở World Cup. 2 kỳ liên tục phải dừng bước trước người Đức ở bán kết, dường như Thượng đế có phần nghiệt ngã với Michel ở các Mondial.

Tuy nhiên, với những màn trình diễn siêu việt của mình, Platini vẫn xứng đáng đứng trong hàng ngũ những tượng đài vĩ đại nhất của các kỳ World Cup. Với 368 bàn trong 680 trận đấu chính thức, trong đó có 41 bàn trong 72 lần khoác áo ĐTQG, không ai có thể thay thế vai trò của Platini trong màu áo Juventus cũng như ĐT Pháp.

Bằng chứng là sau sự ra đi của Platini năm 1987, Juventus mất 8 năm trời để được hưởng niềm vui scudetto, còn ĐT Pháp thì không một lần lọt qua vòng loại trước khi đoạt chức VĐ trên sân nhà tại France’98.

Jairzinho (Brazil): Thật ngạc nhiên, nhiều người không biết Jairzinho là ai, nhưng lịch sử Mondial ghi nhận ông như là một tiền vệ cánh và là một tay săn bàn vĩ đại nhất mọi thời đại.

Jairzinho là người kế thừa xứng đáng nhất của Garrincha ở ĐT xứ Samba. Sau một kỳ World Cup không thành công ở England’66, Jairzinho đã trở lại với vị trí trung phong bên cạnh Pelé huyền thoại và trở thành cầu thủ duy nhất trong lịch sử ghi bàn trong tất cả các trận đấu ở một kỳ Mondial.

Những tượng đài World Cup (Kỳ 2) - 4
Jairzinho góp công lớn trong chiếc cup vô địch
Mexico'70 của Brazil
 

Với 7 bàn thắng, Jairzinho chỉ xếp sau Gerd Muller trong danh sách vua phá lưới, nhưng quan trọng hơn, những bàn thắng đầy uy lực của ông đã mang lại cho Brazil chiếc Cup Nữ thần vàng vĩnh viễn.

Với một tốc độ kinh hoàng, những cú sút chết chóc và khả năng xé toang mọi hàng thủ bằng những đường chuyền sắc lạnh, nhiều người cho rằng Jairzinho, chứ không phải Pele, mới là ngôi sao sáng nhất ở Mexico’70.

Giuseppe Meazza (Italia): Những ngày Meazza có trong tay cả thế giới thì 80% những con người đang sống trên thế giới bây giờ vẫn còn chưa ra đời. Chính vì thế, không khó hiểu khi chúng ta chỉ biết đến ông qua sân vận động nổi tiếng của thành Milano tráng lệ: San Siro – Giuseppe Meazza.

Huyền thoại có tên thân mật là Peppino này là một trong những tay săn bàn sung mãn nhất trong lịch sử bóng đá Italia. 33 bàn thắng trong 53 trận đấu dưới màu áo Thiên thanh đã là một kỷ lục tồn tại trong suốt hơn 3 thập kỷ trước khi bị Luigi Riva (35 bàn/42 trận) xô đổ.

Những tượng đài World Cup (Kỳ 2) - 5
Giuseppe Meazza (cầm cờ) cùng Italia
bước vào World Cup 1938.
 

Lần đầu tiên khoác áo Thiên thanh, Peppino đã lập cú đúp vào lưới Thụy Sỹ vào đầu năm 1930, và người Italia tin rằng anh sẽ là một huyền thoại của xứ hình chiếc ủng.

Đúng như vậy, 4 năm sau, trong kỳ World Cup đầu tiên trên đất Italia, Meazza với vai trò một tiền đạo lùi đã dẫn dắt ĐT Thiên thanh đến đỉnh vinh quang lần đầu tiên.

Chỉ ghi được 2 bàn thắng, nhưng khả năng kiến tạo bóng kỳ tài của Meazza cũng như tầm vóc thủ lĩnh trên sân đã khiến người Italia tin tưởng giao cho ông chiếc băng đội trưởng 4 năm sau đó.

Và France’38 là lúc Meazza toả sáng với tất cả những phẩm chất thiên bẩm của mình trước khi lụi tàn trong bóng tối của những chấn thương và đánh mất sự nghiệp.

Trong 8 năm chơi bóng đỉnh cao, Meazza đã ghi được tổng cộng 355 bàn thắng, trong đó có 269 bàn ở Serie A. Với những đóng góp vĩ đại trong màu áo Inter, nửa xanh-đen thành Milan đã tôn vinh ông bằng một cách rất Italia: đặt tên sân nhà huyền thoại của họ theo tên ông: Sân Giuseppe Meazza.

Những tượng đài World Cup (Kỳ 1)

Hồng Kỹ