Những nét tích cực của đội tuyển Việt Nam sau trận hòa CHDCND Triều Tiên

(Dân trí) - Nếu xem những trận giao hữu vừa qua là những đợt thử nghiệm, thì bước đầu đã có thể nói ở phần thử, chúng ta đã đạt yêu cầu. Bây giờ, điều quan trọng hơn dĩ nhiên là những giải đấu chính thức mà đội tuyển Việt Nam chuẩn bị đối diện.

Đâu phải không biết tấn công

Với những người từng có quan niệm rằng các đội bóng do HLV Miura huấn luyện nghèo nàn trong các phương án tấn công, có thể sẽ phải nghĩ lại sau trận đấu tối 17/5, khi chúng ta đá với CHDCND Triều Tiên.

Riêng trong hiệp 2 của trận đấu này, đội tuyển Việt Nam sử dụng thường trực đến 4 cầu thủ có khả năng đá tiền đạo trên sân, gồm Quang Hải, Văn Quyết, Công Vinh, Hải Anh lúc đầu hiệp, và sau đó là Mạc Hồng Quân thay Hải Anh từ khoảng giữa hiệp 2.

Bàn thắng của chúng ta cũng đến từ một pha phối hợp của nhóm 3 cầu thủ tấn công trong số 4 tiền đạo xuất hiện thường trực trên sân vừa nêu: Công Vinh chuyền khe cho Văn Quyết nhận bóng, rồi Văn Quyết trả ngược lại cho Hồng Quân dứt điểm một chạm tung lưới CHDCND Triều Tiên.

Điểm đáng chú ý trong bàn thắng ấy là chúng ta tiếp cận khung thành đối phương bằng một pha phối hợp nhóm, có sự tham gia của 4 – 5 cầu thủ từ hàng tiền vệ trở lên, nó khác với lối đá dài mà đội tuyển sử dụng trong những phút trước đó.

Đội tuyển Việt Nam không lép vế trước CHDCND Triều Tiên (ảnh: Gia Hưng)
Đội tuyển Việt Nam không lép vế trước CHDCND Triều Tiên (ảnh: Gia Hưng)

Từ đá dài đột ngột chuyển sang đá nhỏ, ban bật ngắn, đối phương lập tức bị bất ngờ và không kịp trở tay. Sau đó, chúng ta lại có thêm một pha phối hợp nhóm khác, có sự hiện diện của 3/4 cầu thủ có khả năng đá tiền đạo, khi Quang Hải chuyền lên cho Công Vinh, Công Vinh tính chuyền ngang cho Văn Quyết ở vị trí thuận lợi hơn, có góc sút rộng hơn. Nếu không có pha can thiệp kịp thời của hậu vệ đội khách, CHDCND Triều Tiên có thể dính thêm đòn thứ hai.

Đấy là lối ra trong cách chơi mà HLV Miura liên tục xây dựng cho các đội tuyển mà ông dẫn dắt. Đối thủ càng khó đoán hướng tấn công và cách thức mà chúng ta tiếp cận khung thành của họ, thì khả năng thành công dĩ nhiên cao hơn một đội bóng chỉ biết đá với một bài duy nhất.

Riêng chuyện đội tuyển Việt Nam hoặc đội tuyển U23 Việt Nam mấy ngày qua tấn công nhiều hay ít, có nhiều cơ hội hay không nhiều cơ hội thì còn phải nhìn vào đối thủ mà chúng ta đã đụng độ. Đá với CHDCND Triều Tiên, rồi với U23 Hàn Quốc cách nay ít ngày thì dĩ nhiên không phải cơ hội lúc nào cũng đến, vì đối thủ chẳng phải tay mơ.

Sợ nhất vẫn là lỗi cá nhân

Có lẽ cũng không cần phải bàn thêm về khả năng phòng ngự khu vực của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Miura. Trước khi vị HLV này xuất hiện, các đội bóng Việt Nam lúc gặp các đại diện đến từ Hàn Quốc hay CHDCND Triều Tiên thường là đếm xem chúng ta thua bao nhiêu bàn, chứ không phải chờ đợi đội tuyển có tấn công đẹp hay không như bây giờ.

Có nghĩa là đội tuyển dưới thời HLV Miura đã giải quyết khâu quan trọng đầu tiên, đó là không sợ bị vỡ trận trước các đối thủ vốn lâu nay được đánh giá là trên tầm bóng đá Việt Nam.

Cự ly đội hình luôn được giữ hợp lý giúp các cầu thủ có thể bọc lót cho nhau khi cần. Mà cự ly đội hình chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho khả năng phòng ngự khu vực của đội tuyển Việt Nam. Ngoài ra, thể lực tốt giúp các học trò của HLV Miura không bị hụt hơi, dù CHDCND Triều Tiên vốn nổi tiếng khỏe xưa giờ.

Nếu có chi tiết để đội tuyển của HLV Miura nên để ý thêm, thì đó là một số lỗi cá nhân. Như Đinh Tiến Thành từ lúc vào sân ở hiệp 2, đã có 2 lỗi sơ đẳng, đầu tiên là việc đâm sầm vào đồng đội ngay đầu hiệp, ngay khu vực 16m50 của đội nhà, kế đến là pha phá bóng hụt ở giữ hiệp 2, mà lỗi nào cũng có nguy cơ dẫn đến bàn thua (hệt như hồi bán kết lượt về AFF Cup 2014).

Kế đến là thủ thành Nguyên Mạnh. Nếu như khả năng phản xạ của Nguyên Mạnh tốt bao nhiêu, thì khả năng ra vào của anh lại thiếu hợp lý bấy nhiêu. Giữa hiệp 2, Nguyên Mạnh có pha xuất tướng chống bóng bổng, dù tiền đạo đối thủ vẫn còn đứng cách khung thành đến 14 – 15m, lại bị hậu vệ đội tuyển Việt Nam kẹp sát.

Những lỗi đấy, nếu từng cá nhân không biết rút kinh nghiệm và không biết sửa, thì HLV Miura có lẽ cũng không cách nào sửa cho họ được!

Kim Điền