1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Những “điểm nhấn” của làng túc cầu năm 2011

(Dân trí) - Trong năm vừa qua đã chứng kiến rất nhiều sự kiện quan trọng của làng túc cầu thế giới, hãy cùng điểm lại những điểm nhấn quan trọng nhất.

1. Gian lận phiếu bầu ở FIFA

Cơ quan quyền lực cao nhất của làng bóng đá đã “rung chuyển” khi scandal nhận hối lộ đổi lấy phiếu bầu giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022 bị phanh phui. Nhiều nhân vật cấp cao của FIFA bị phanh phui, trong đó nổi bật nhất là 2 cái tên: Bin Hamman (Chủ tịch LĐBĐ châu Á, một trong những ứng cử viên hàng đầu tranh cử chức Chủ tịch FIFA), Jack Warner (Chủ tịch LĐBĐ CONCACAF). Sau scandal này, Sepp Blatter ung dung tái đắc cử chức Chủ tịch FIFA nhưng ông cũng nhận được rất nhiều chỉ trích.


Những “điểm nhấn” của làng túc cầu năm 2011 - 1

Scandal gian lận phiếu bầu của FIFA khiến làng túc cầu “rung chuyển”

2. Nhức nhối nạn phân biệt chủng tộc

Càng về cuối năm, nạn phân biệt chủng tộc càng trở nên nhức nhối, khi vụ John Terry lăng mạ Anton Ferdinand chưa kịp lắng xuống, dư luận lại xôn xao vụ Suarez đưa ra những lời lẽ không đẹp hướng vể Evra (nhận án treo giò 8 trận). Thậm chí, ngay cả Chủ tịch FIFA, Sepp Blatter cũng “hồn nhiên” đưa ra những lời phát biểu nhạy cảm về vấn đề phân biệt chủng tộc và tất nhiên ông đã bị “ném gạch” không ngớt từ dư luận.

3. Sự ra đi của những “tượng đài”

Chưa đầy 1 tháng, giới túc cầu giáo đã phải chia tay tới 2 “tượng đài” của bóng đá thế giới, đó là Gary Speed và Socrates. Trong khi HLV đội tuyển xứ Wales bị phát hiện treo cổ tự tử trong gara ô tô với nguyên nhân chưa thể lý giải thì cựu danh thủ người Brazil, Socrates đã “vĩnh biệt” cõi đời bởi căn bệnh nhiễm trùng ruột.


Những “điểm nhấn” của làng túc cầu năm 2011 - 2

Có tới 7 trận El Classico diễn ra trong năm qua

4. Quá tải El Classico

Tổng cộng trong năm vừa qua, Real Madrid và Barcelona đã phải chạm trán nhau tới…7 lần trên tất cả giải đấu. Mỗi trận đấu đều mang tới cho khán giả những cảm xúc dâng trào, ở đó, có sự thán phục dành cho Barcelona (riêng cá nhân Messi), sự tiếc nuối dành cho Mourinho và Real Madrid, những ẩu đả và tất nhiên không thể thiếu những scandal (vụ chọc mắt của Mourinho với Tito Vilanova). Tựu chung lại, El Classico là “món gia vị” quá đậm đà cho một năm không có những giải đấu lớn như World Cup hay Euro này.

5. MU vượt mặt Liverpool về số danh hiệu vô địch quốc nội

Dù sở hữu đội hình “không sao” nhưng với bản lĩnh, đẳng cấp của mình, Quỷ đỏ vẫn hiên ngang tiến về đích với 9 điểm nhiều hơn đội xếp sau, qua đó, họ đã “viết lại lịch sử” của bóng đá Anh với tư cách đội bóng giành nhiều chức vô địch quốc nội nhất (vượt qua kỷ lục tồn tại rất lâu mà Liverpool nắm giữ).

6. Hiện tượng Anzhi và mức lương siêu khủng cho Eto’o

Từ một đội bóng vô danh, Anzhi bỗng vươn tầm thế giới, không phải vì thành tích của họ mà bởi “bom tấn” họ thực hiện trong mùa Hè với Eto’o. Với mức lương 20 triệu bảng/năm, Anzhi đã biến “báo đen” trở thành cầu thủ nhận lương cao nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.

7. Làn sóng đầu tư vào những ông chủ nước ngoài vẫn diễn ra mạnh mẽ

Những sự đầu tư của tập đoàn QSI (Qatar) hay tỷ phú Al Thani (Qatar) vào PSG và Malaga đã khiến những đội bóng này “thay da đổi thịt”. Với túi tiền không đáy của ông chủ, 2 CLB này liên tục khuấy đảo thị trường chuyển nhượng và liên tục phá giá (điển hình là vụ Pastore). Không ngạc nhiên khi cả Malaga và PSG đều nằm trong top những đội bóng “vung tiền” nhiều nhất trong mùa Hè qua. Chắc chắn, họ sẽ không dừng lại (đặc biệt là PSG). Mới đây, gã nhà giàu nước Pháp đã “lôi kéo” thành công Beckham và HLV Ancelotti và CĐV đội bóng này đang chờ đợi thêm nhiều ngôi sao khác sẽ gia nhập thành Paris hoa lệ trong tháng 1 này.


Những “điểm nhấn” của làng túc cầu năm 2011 - 3

Tevez xứng đáng với biệt danh “kẻ nổi loạn” của năm

8. Chiếc thẻ đỏ của Rooney

Có lẽ, đó là chiếc thẻ đỏ được chú ý nhiều nhất trong năm qua, đó là câu chuyện dài và thậm chí, dưới ngòi bút của nhà văn tài ba nào đó, nó có thể trở thành cuốn tiểu thuyết với nhiều chương rất lôi cuối. Cả nước Anh đã “mất ăn mất ngủ” vì điều này bởi nó liên quan tới vận mệnh của họ trong kỳ Euro 2012 tới. HLV Capello đã tính rất nhiều phương án thay thế Rooney (nhưng đều thất bại).

Sự giúp sức của truyền thông đã khiến vấn đề trở nên rất nghiêm trọng, rất nhiều bài báo, phân tích xung quanh vấn đề này, ngay cả nạn nhân của Rooney, Dzudovic cũng được “thơm lây” khi giờ đây, anh đã được cả thế giới biết đến. Cuối cùng, sau rất nhiều nỗ lực của người Anh, Rooney chỉ phải chịu án treo giò 2 trận ở Euro 2012.

9. Những vụ nổi loạn của Tevez

Đang từ trụ cột không thể thay thế của Man City (và nhận lương rất cao), Tevez nằng nặc đòi ra đi với lý do…nhớ nhà. Tiếp đó là scandal từ chối ra sân trong trận đấu với Bayern Munich ở Champions League và đỉnh điểm của sự nổi loạn của Apache chính là hành động tự ý bỏ về Argentina mới đây (và không có ý định trở lại Man City).

10. Sự thất vọng mang tên Torres

Trong kế hoạch tái thiết lại đội hình, Chelsea đã chấp nhận chi ra tới 50 triệu bảng chiêu mộ Torres nhưng đáng tiếc, đây lại là bản hợp đồng thất bại toàn diện của họ. Tính tới nay, El Nino mở “nổ súng” đúng 5 lần trong áo đội bóng mới (3 ở Premier League và 2 ở Champions League). Hết kiên nhẫn với tiền đạo này, BLĐ The Blues chấp nhận bán lỗ Torres trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông tới. Một câu chuyện buồn cho nhà vô địch châu Âu và thế giới.


Những “điểm nhấn” của làng túc cầu năm 2011 - 4

MU bất ngờ bị “đá văng” khỏi Champions League

11. MU bị “đá văng” khỏi Champions League

Từ á quân của Champions League, MU đã bị “đá văng” không thương tiếc khỏi giải đấu này, đáng buồn hơn khi họ nằm ở bảng đấu được đánh giá dễ thở nhất vòng bảng với những đối thủ như Basel, Benfica và Otelul. Đó quả là “cái tát” quá lớn vào tham vọng của đoàn quân Sir Alex, sau đó, họ liên tục trở thành mục tiêu “châm biếm” của những đối thủ cùng như truyền thông Anh.

12. Những trò lố của Balotelli

Tài năng có thừa nhưng “tật” cũng không thiếu, Balotelli luôn trở thành mục tiêu hướng tới của báo giới với những trò lố liên tiếp của mình, từ ném phi tiêu vào đồng đội, hành động thiếu tôn trọng đội chủ nhà LA Galaxy, bắn pháo hoa trong nhà, mặc áo Why Always me, đánh nhau với đồng đội Micah Richards...tất cả đều mang “nhãn hiệu” Balotelli…

13. Những vụ bán độ trên khắp thế giới

Từ Italia tới Hàn Quốc, Trung Quốc...những vụ bán độ, dàn xếp tỷ số lần lượt bị phanh phui, trong đó, chỉ trong nửa cuối năm nay, ở Italia có tới 2 vụ bị phanh phui, trong đó, nổi bật là cái tên của Doni (người dính líu trong cả 2 vụ đó).

H.Long