1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Những cô gái... tay dài

Cách đây 24 năm chính Giám đốc Sở TDTT Hà Nội đã mang 2 công-ten-nơ đầy kiếm từ Nga về để quảng bá bộ môn thể thao quí tộc này ở VN. Giờ đây, đấu kiếm đã trở thành môn thể thao đầy triển vọng của thể thao VN.

15 cây vàng và 3... chén máu

 

Cách đây ngót nghét 24 năm, ông Hoàng Vĩnh Giang lúc đó vừa mới kết thúc khóa học nghiên cứu sinh ở Nga, chưa lên chức Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, nhưng đã "rắp tâm" quảng bá môn kiếm bằng cách đóng 3 công-ten-nơ to đùng chất đầy... kiếm mang về nước. Năm 1981, trị giá 3 công-ten-nơ kiếm bằng đúng 15 cây vàng, xây được 3 ngôi biệt thự chứ chẳng ít.

 

Vào thời điểm ấy nước ta chỉ duy nhất có 2 người được đào tạo căn bản về kiếm ở tận Matxcơva là Phạm Quốc Trọng và Nguyễn Mạnh Hùng. Số lượng thầy ít quá, ông Hoàng Vĩnh Giang rủ thêm cả sư phụ Nguyễn Xuân Thi lúc ấy đang mở lò... võ Vĩnh Xuân. Bộ tứ Giang, Trọng, Hùng, Thi chiêu mộ được kha khá VĐV.

 

Khóa huấn luyện khởi đi chưa được bao lâu thì máu đổ! Chẳng là trong một buổi tập, không biết Hoàng tiên sinh hướng dẫn thế nào mà để một kiếm sĩ lao thẳng cây kiếm nhọn hoắt vào... trán thầy. "Mặc dù có mặt nạ bảo vệ nhưng mũi kiếm quá sắc làm lõm cả mặt nạ, đâm đứt cả mao mạch, máu phun phè phè, phải đong được 3, 4 chén máu. Ông Xuân Thi hãi quá xốc thẳng tôi lên lưng, vừa cõng vừa chạy như ma đuổi đến Bệnh viện 354 cách nơi tập khoảng 2km. Nghĩ mà kinh", ông Hoàng Vĩnh Giang kể lại.

 

ASIAD 11 năm 1990 ghi một dấu ấn rất khó quên đối với đội tuyển kiếm VN. Ông Giang nì nèo, thuyết phục cho bằng được Trưởng đoàn Dương Nghiệp Chí đồng ý "mang kiếm đi đánh nước người". VN hồi đó còn nghèo mà dám bỏ ra 120 USD mua 2 cây kiếm. Nhưng khi HLV kiêm VĐV Phạm Quốc Trọng đem kiếm đến để kiểm tra, BTC đã hất hàm hỏi: "Anh mang que... tre này vào đây làm gì" (!?). Nhìn ra các đoàn bạn toàn thấy các cây kiếm sáng lóe, đắt gấp 5 lần mà thèm. Thế mà với "que tre", Quốc Trọng cũng thắng được một trận. Còn VĐV giỏi nhất về môn kiếm là Lê Hoài Nam đành phải đăng ký thi đấu môn... wushu.

 

Số kiếm mà ông Giang đem về năm 1981, đúng 10 năm sau thì hết nhẵn. Và môn kiếm không còn đất sống ở VN. Cứ ngỡ môn kiếm sẽ tuyệt tích, nhưng ông Giang chưa từng thôi ôm mộng phát triển nó. Một năm trước SEA Games 22, kiếm đã được "hồi sinh". Ông Giang bàn với Ủy ban TDTT thành lập 2 đội tuyển nam, nữ và kết quả đạt được tuyệt vời hơn mức tưởng tượng: 3 huy chương (HC) vàng, 4 HC bạc và 3 HC đồng.

 

Những cô gái... tay dài

  

Tuyển VĐV nữ môn đấu kiếm khắt khe như tuyển... người mẫu. Tất nhiên không cần các số đo như các cuộc thi người đẹp nhưng các cô gái phải có chiều cao tối thiểu 1,65m và đặc biệt sải tay phải hơn chiều cao 5cm. Nghĩa là sải tay phải dài 1,70m trở lên, 1,69m cũng... vứt.

 

 

Những cô gái... tay dài - 1
 

Hai chị em Lệ Dung, Hoài Thu.

 

 

"Thể hình các VĐV nữ VN đều tương đối lý tưởng", ông Phùng Lê Quang nhận xét. Hai chị em sinh đôi Lệ Dung, Hoài Thu dáng cao ráo, mình cá trắm, chắc nịch như nắm cơm. Thủy Chung (HC bạc kiếm chém SEA Games 22) thanh mảnh hơn một chút. Như Hoa (HC bạc kiếm 3 cạnh SEA Games 22) chân dài... tít tắp.

 

Nhưng nếu chỉ yêu cầu đơn giản về chiều cao thì nhiều người có thể trở thành kiếm sĩ. Kỹ thuật, sức bật, tốc độ, quan sát tinh, phản xạ nhanh là những yếu tố bắt buộc cần phải có. Đặc biệt nhất là kỹ năng của đôi tay, vừa phải dẻo như... bún lại vừa phải cứng như thép. Xuất xứ từ kiếm trận, kiếm hiện đại ngày nay vừa mang tính đối kháng mạnh mẽ, vừa được nâng lên tầm của môn thể thao mang tính nghệ thuật cao.

 

"Kiếm có vô số nội dung và mỗi nội dung lại đòi hỏi VĐV phải có những phẩm chất khác nhau. Nhưng cái chính là phải biết lựa chọn nội dung nào phù hợp với khả năng của mình. Giả dụ kiếm chém mô phỏng tư thế của đấu sĩ ngồi trên lưng ngựa thì VĐV phải có thần kinh cực kỳ linh hoạt. VĐV kiếm 3 cạnh phải có thể lực tốt, khéo léo và sức chịu đựng dẻo dai. Kiếm liễu nhìn mảnh mai thế nhưng tập rất mệt vì động tác phải có độ chính xác cao, đầu óc lúc nào cũng căng như sợi dây đàn. Rất phức tạp nhưng đã yêu nghề thì chỉ cần một ngày không thấy kiếm, không được khoác trên mình bộ quần áo... hiệp sĩ đã nhớ đến phát cuồng", Lệ Dung kể.

 

Cả nước, các hiệp sĩ nữ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, quanh đi quẩn lại mỗi Dung, Hoài Thu, Thủy Chung, Như Hoa, Trịnh Thị Lý... Tất cả còn rất trẻ, mới chỉ ở tuổi đôi mươi. Vì thế Ủy ban TDTT và Sở TDTT Hà Nội coi các cô như "lá ngọc cành vàng".

 

Trịnh Thị Lý hồn nhiên kể: "Còn nhớ hồi còn bé, lần đầu tiên xem phim Ba người lính ngự lâm, em rất khoái cảnh bốn anh chàng Portox, Atox, Aramix và D'Artagnan tả xung hữu đột với cây kiếm nhọn hoắt".

 

Thủy Chung vốn là VĐV bóng chuyền của Hưng Yên. Các nhà tuyển trạch môn kiếm lặn lội từ Hà Nội xuống, vừa trông thấy cô đã lập kế hoạch "bắt cóc". Chỉ sau gần 1 năm lên tuyển, cô đã giành HC bạc SEA Games 22.

 

Giải trẻ thế giới tháng 3/2005 vừa rồi ở Áo, Hoài Thu toàn phải so kiếm với các cao thủ, thế mà ở vòng bảng Thu thắng VĐV người Nga, hạt giống số 2 của giải, thắng tiếp Trung Quốc và Pháp. Vào vòng 2, Thu đánh bại kiếm thủ nước chủ nhà. Chỉ tiếc khi vào vòng 32, Thu đành chịu thua đương kim vô địch Olympic Athens 2004, người sau đó đoạt HC vàng cá nhân và đồng đội giải này.

 

Lệ Dung đã từng đoạt HC đồng Giải trẻ châu Á 2004, HC vàng cá nhân, đồng đội giải vô địch Đông Nam Á đầu năm 2005. Dung còn suýt nữa giành suất đi dự Olympic Athens nếu như không thua VĐV Hồng Kông trong trận đấu quyết định của vòng loại khu vực châu Á (năm đó VN đứng thứ 4 châu lục).

 

Mới 28 tuổi nhưng Nhiêu Bân đã được ông Giang mời từ Trung Quốc sang làm HLV trưởng đội nữ VN từ mấy năm nay. Anh Bân khen: "Các kiếm thủ nữ VN rất chịu khó chịu thương. So với các VĐV các nước trong khu vực, họ khổ luyện hơn nhiều". Chỉ nhìn lịch tập thôi đã thấy các hiệp sĩ nữ của chúng ta chịu khó thế nào: tập thể lực từ 5h00 đến 6h15; tập kỹ thuật từ 8h00 sáng đến 11h00 trưa. Chiều từ 3h00 đến 6h00. 7 ngày trong 1 tuần đều như vậy.

 

Nghề chơi cũng lắm công phu

 

Không có môn nào mà trang phục cầu kỳ và đòi hỏi phải đồng bộ từ A đến... Z như kiếm. Nếu trang phục không đạt tiêu chuẩn quốc tế, thậm chí không tuân theo quy định ngặt nghèo và khắt khe của LĐ Đấu kiếm thế giới (F.I.E) về hãng sản xuất thôi cũng không được chấp nhận. Chính vì vậy đấu kiếm mới được mệnh danh là môn quý tộc, hơn cả golf và tennis.

 

Một cây kiếm thi đấu bét nhất cũng có giá 150 - 160 USD, mặt nạ 60 USD, áo thi đấu (chịu được lực 800 Newton trở lên) 160 - 200 USD, bao tay 20 USD/đôi, giày 100 USD. Nói tóm lại, trên người một VĐV đấu kiếm, tiền trang phục và "vũ khí" tính sơ sơ cũng tốn tới 1.000 USD.

 

Thủy Chung bảo: "VĐV nào cũng được sắm ít nhất 3 cây kiếm và 6 mũi kiếm dự bị. Mỗi tuần mỗi VĐV làm gãy ít nhất 2 kiếm tập. Kiếm tập rẻ hơn, chỉ khoảng... 80 euro/chiếc nên đỡ xót. May mà chúng em không phải tốn đồng nào. Nhà nước đầu tư cho hết. Chứ nếu phải bỏ tiền túi thì chắc chẳng gia đình nào kham nổi".

 

Kinh phí tổ chức một giải đấu kiếm tầm khu vực trở lên cực tốn và đến cỡ quốc tế thì khỏi phải nói, "như nước vào chỗ trũng". Nhưng nếu không "nghiến răng" đầu tư thì không biết bao giờ kiếm VN mới được thế giới để mắt đến. "Cũ người mới ta, chẳng lý gì mà kiếm luôn có tên trong chương trình thi đấu của Olympic mà VN có triển vọng hẳn hoi lại hờ hững", ông Hoàng Vĩnh Giang cho hay.

 

Giải kiếm chém nữ quốc tế hạng chuyên nghiệp (hạng A thế giới) do Hà Nội đăng cai lần đầu tiên cũng là những bước đi đầu tiên giới thiệu kiếm VN. Mặc dù màn giới thiệu chưa được thành công cho lắm vì cả 4 kiếm thủ VN đều thất bại trước những hảo thủ trong top 200 thế giới, nhưng người luôn khởi xướng cho những cú đột phá táo bạo của thể thao VN vẫn tỏ ra khá mãn nguyện: "Chị em có cơ hội cọ xát cực quý. Tại sao không ước mơ trong thời gian tới, VN sẽ đoạt một vé chính thức dự Olympic Bắc Kinh 2008?".

 

Ngoisao - theo Thanh niên