1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Những cầu thủ đồng tính ở Premier League: Cuộc sống trong bóng tối

(Dân trí) - Mới đây, một cầu thủ có “giới tính thứ 3” đang thi đấu ở Premier League đã thừa nhận với Chủ tịch PFA, Clarke Carlisle có 8 cầu thủ đang thi đấu ở giải đấu này bị đồng tính. Nhưng họ không thể “sống với con người thật” của mình...

Cuộc sống trong bóng tối…

Mới đây, VĐV bóng rổ nổi tiếng ở NBA (giải bóng rổ nhà nghề Mỹ), Jason Collins, cũng đã công khai trước báo giới rằng mình là người đồng tình. Chính câu chuyện này đã “mở đường” cho những “khám phá” mới về “giới tính thứ 3” trong làng thể thao.

Những cầu thủ đồng tính ở Premier League: Cuộc sống trong bóng tối

Cầu thủ xấu số Justin Fashanu từng tìm tới cái chết vì không chịu được áp lực sau khi công khai giới tính

Không lâu sau khi Jason Collins quyết định “sống với con người thật” của mình, một cầu thủ thuộc “giới tính thứ 3” đang thi đấu ở Premier League (được giấu tên) đã thừa nhận với chủ tịch Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA), Clarke Carlisle rằng có tới 8 cầu thủ đang thi đấu ở giải đấu cao nhất của bóng đá Anh là người đồng tính.

Thế nhưng, họ không thể “dũng cảm” Jason Collins, thay vào đó, họ đã chọn “cuộc sống trong bóng tối” để tránh được sức ép khủng khiếp từ phía khán giả (khán giả Anh nổi tiếng với nạn phân biệt chủng tộc) và thậm chí, từ cả đồng đội và CLB chủ quản của mình.

Thực ra, vấn đề đồng tính trong thế giới thể thao (hay hẹp hơn là bóng đá) không phải là điều hiếm hoi nhưng “cái giá” mà những “nạn nhân” phải trả vì chót “công khai giới tính” thứ 3 của mình quá lớn.

Năm 1990, tại Anh, cầu thủ Justin Fashanu (từng khoác áo Man City, Norwich, West Ham…) đã đứng ra công khai “giới tính thật” của mình. Để rồi, sau đó, cuộc sống của anh đã “đi vào ngõ cụt” vì sức ép quá lớn. 4 năm sau, Justin Fashanu nói lời chia tay nghiệp “quần đùi áo số” với tới năm 1998, khi đã không chơi bóng, Justin Fashanu vẫn phải chịu sức ép khủng khiếp tới mức phải tự kết liễu cuộc đời mình ở tuổi 37.

Ở mức độ nhẹ hơn, đầu năm nay, Robbie Rogers, cầu thủ người Mỹ, đang thi đấu ở Leeds, cũng đã bị “cô lập” trong làn sóng phản đối dữ dội vì “dám sống thật” và rồi phải nhanh chóng “cuốn gói” về Mỹ ngay sau đó.

Theo tiết lộ, có tới 8 cầu thủ đang thi đấu ở Premier League thuộc giới tính thứ 3

Theo tiết lộ, có tới 8 cầu thủ đang thi đấu ở Premier League thuộc giới tính thứ 3

Nói về vấn đề này, ngay cả một người có cái nhìn tích cực như Chris Basiurski, Chủ tịch hội những người bảo vệ những cầu thủ đồng tính, cũng phải ngán ngẩm: “Chúng tôi đã cố xây dựng bầu không khí an toàn cho những cầu thủ thuộc giới tính thứ 3 “bước ra ánh sáng” nhưng rõ ràng, ở thời điểm này vẫn còn rào cản quá lớn. Rất khó để thử nghiệm sự phản ứng của những khán giả trên cả sân nhà, lẫn sân khách vì điều này.

Đơn giản, điều đó có thể gây ra nguy hiểm với những cầu thủ. Họ có thể nhận được sự quan tâm từ những người hâm mộ nhưng sau đó sẽ gặp rất nhiều phản đối theo hướng tiêu cực. Không chỉ có những CĐV, thậm chí, ngay cả những HLV cũng tỏ ra lo ngại với cầu thủ này sau khi công khai giới tính thật, khi ấy, cầu thủ sẽ dần mất đi sự tự tin”.

Những “tia sáng” yếu ớt…

Dù chưa biết tới bao giờ, “cuộc sống trong bóng tối” mới chấm dứt với những cầu thủ thuộc “giới tính thứ 3” nhưng điều đáng mừng là những tín hiệu tích cực (dù yếu ớt) đã tới. Vào tháng trước, những CĐV của CLB Brighton & Hove Albion (Brighton được xem là “thủ đô” của giới tính thứ 3 ở Anh) đã kêu gọi những nhà chức trách mạnh tay hơn trong vấn đề giải quyết hội chứng homophobia (hội chứng sợ đồng tính).

Hội CĐV Brighton & Hove Albion (BHASC) cũng kết hợp với Hội những người bảo vệ những cầu thủ đồng tính (GFSN) tuyên chiến với nạn phân biệt trên các khán đài (trước mắt là những trận đấu với Brighton & Hove Albion) đối với những cầu thủ thuộc giới tính thứ 3.

Những hành động tuyên chiến với hội chứng homophobia đã được tiến hành nhưng khá yếu ớt

Những hành động tuyên chiến với hội chứng homophobia đã được tiến hành nhưng khá yếu ớt

Trong khi đó, theo khảo sát Stonewall, tổ chức từ thiện đồng tính, 60% số người đã ủng hộ việc chống lại những phân biệt, sự phản đối với những cầu thủ đồng tính. Những tổ chức lớn như FA, PFA và cả chiến dịch “Kick it out” (chống lại nạn phân biệt chủng tộc) cũng tham gia tuyên chiến.

Theo báo cáo, một vài CLB của Premier League như West Ham và Arsenal cũng tham gia chiến dịch này. Arsenal đã khởi xướng chiến dịch Gay Gooners cho những CĐV đồng tính của đội bóng. Trong khi đó, tiền vệ Matt Jarvis của West Ham cũng dũng cảm xuất hiện trên trang bìa của tạp chí đồng tính để kêu gọi sự ủng hộ,bất chấp chính cầu thủ này đã bị chính vợ của mình…nghi ngờ giới tính (trước đó, Beckham và Ljungberg cũng lên trang bìa ở tạp chí này).

Đó là những tín hiệu tích cực cho thấy những người Anh đã có cái nhìn tích cực hơn về “giới tính thứ 3”. Dù vậy những động thái này vẫn quá yếu ớt để đẩy lùi hội chứng homophobia trong giới cầu thủ.

H.Long